Doanh nghiệp nước giải khát thất thu vì đại dịch Covid-19

Nhật Dương / VNEconomy


Doanh thu toàn ngành nước giải khát năm 2020 giảm mạnh tới 17% so với năm 2019. Mặc dù năm 2022 có khả năng mang lại sự phục hồi cho ngành với việc mở cửa trở lại du lịch và ăn uống, tuy nhiên lợi nhuận gộp của ngành chắc chắn sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đầu vào đều đang ở mức cao…

Bên trong một nhà máy sản xuất nước giải khát. Ảnh - VBA.
Bên trong một nhà máy sản xuất nước giải khát. Ảnh – VBA.

Thông tin này được nêu tại hội thảo “Ngành Đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong thời kỳ mới” do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải Khát Việt Nam tổ chức ngày 6/5. 

MỨC TIÊU THỤ NƯỚC GIẢI KHÁT TRUNG BÌNH CỦA NGƯỜI VIỆT Ở MỨC THẤP

Theo ước tính của Tiểu ban nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, đến cuối năm 2020 Việt Nam có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát cung cấp việc làm trực tiếp cho hơn 300.000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động.

Tính đến thời điểm hiện tại, mức tiêu thụ nước giải khát trung bình của mỗi người Việt chỉ khoảng 23 lít/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức 40 lít/năm/người của thế giới. Về số lượng, ở Việt Nam mới có trên 7.000 loại nước giải khát, trong khi ở Nhật Bản đã có đến 14.000 loại.

Theo số liệu nghiên cứu thị trường của Euromonitor, thị trường nước giải khát của Việt Nam tăng bình quân 8,4% trong giai đoạn 2015-2019 với quy mô doanh thu năm 2019 đạt hơn 123.558 tỷ đồng (khoảng 5,3 tỷ USD). Kể từ năm 2015 trở lại đây, ngành đồ uống chiếm tỷ trọng 4,5% trong nhóm ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 50 tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ năm 2017 – 2019, mức tăng trưởng hàng năm của ngành nước giải khát tăng đều ở mức 6-7%, trong khi ở những thị trường khác như Pháp, Nhật Bản chỉ kỳ vọng đạt 2%/ năm. Tuy nhiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, sự phát triển của ngành công nghiệp này đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Do phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực này là doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa nên ngành nước giải khát đang chịu tác động tiêu cực nặng nề trong giai đoạn dịch bệnh Covid vừa qua.

Thực trạng này được phản ánh bởi số liệu từ Tổng cục Thống kê về kết quả sản xuất, kinh doanh và lao động của ngành này năm 2020 có sự sụt giảm đáng kể so với năm 2019. Cụ thể là, doanh thu toàn ngành nước giải khát năm 2020 giảm mạnh tới 17% so với năm 2019; trong đó, doanh thu của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 19% so với năm 2019.

Về lợi nhuận, trong năm 2020 lợi nhuận trung bình của ngành nước giải khát giảm 94,96% so với năm 2019. Tác động của dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm của người lao động trong ngành sản xuất và kinh doanh nước giải khát khi số lượng lao động giảm 4%, trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đã phải cắt giảm 7% số lượng lao động. Cũng trong năm 2020, mức giảm về thu nhập trung bình của lao động trong ngành nước giải khát là 7% so với năm 2019.

Mặc dù năm 2022 có khả năng mang lại sự phục hồi cho ngành nước giải khát với việc mở cửa trở lại ngành du lịch và ăn uống, tuy nhiên lợi nhuận gộp của ngành chắc chắn sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đầu vào đều đang ở mức cao lịch sử, trong đó có xăng dầu, đường, nhôm và nhựa…

Doanh nghiệp nước giải khát thất thu vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 1

KIẾN NGHỊ KHÔNG MỞ RỘNG ĐÁNH THUẾ VỚI DOANH NGHIỆP NƯỚC GIẢI KHÁT

Theo đánh giá của Tiểu ban nước giải khát, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã có những tác động tích cực nhất định, phần nào cải thiện tình trạng khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời, nhưng chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp.

Một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất,…đối với doanh nghiệp tuy đã giúp doanh nghiệp bớt nỗi lo về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đáng chú ý, có nhiều gói hỗ trợ nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thông qua giảm một số loại phí như Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, nhưng lại không có cơ chế riêng nào áp dụng đối với ngành đồ uống nói chung cũng như ngành nước giải khát nói riêng. 

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải Khát nhấn mạnh, mặc dù Hiệp hội và các doanh nghiệp đồ uống trong ngành đều đang rất nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhưng sự hỗ trợ từ Chính phủ đối với các doanh nghiệp trong ngành vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Doanh nghiệp nước giải khát thất thu vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 2

Đặc biệt là việc duy trì sự ổn định về các chính sách thuế đối với những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong thời hạn ít nhất là 5 năm tới, không mở rộng đánh thuế mới theo hướng bất lợi hơn cho doanh nghiệp nước giải khát đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.

Với độ co giãn của cầu theo giá, việc tăng hay áp thêm thuế dẫn tới tăng giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng tới sức mua và tiêu dùng nội địa, và từ đó sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, doanh thu từ hoạt động kinh doanh, mức đóng góp thuế và cơ hội việc làm của người lao động. Vì vậy, việc tăng thuế hoặc bổ sung thêm các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đẩy giá một số mặt hàng và dịch vụ lên cao, tăng khả năng lạm phát, trong khi có thể không giúp tăng thu ngân sách.

Liên quan đến một số ý kiến đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng điều chỉnh của thuế tiêu thụ đặc biệt với mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm tỷ lệ béo phì và bệnh tiểu đường, cũng như tăng thu ngân sách, Tiểu ban nước giải khát cho rằng, đến nay mối quan hệ giữa thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường và việc giảm thừa cân, béo phì hoặc tiểu đường vẫn chưa được chứng minh ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Mặt khác, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương năm 2018, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với đồ uống có đường, doanh thu của ngành đồ uống sẽ giảm 3.928 tỷ đồng, đồng thời gây ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chuỗi cung ứng cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Cụ thể, giá trị nền kinh tế được dự báo sẽ giảm 0,14%; GDP giảm 0,12%; thu nhập từ sản xuất giảm 0,16%; cơ hội việc làm giảm 0,11%; và thuế gián thu từ ngành sản xuất có thể giảm từ 0,07 đến 0,09%.

Nguồn: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-nuoc-giai-khat-that-thu-vi-dai-dich-covid-19.htm?fbclid=IwAR2-KIkoaaD3PVR0CmukItMALZ639UXtaNrusd3MN1jzf8nRV0B4bby8fns

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *