Trần Quí Thanh
—–
Đã có nhiều bài viết đánh giá sự thành công khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức được Nghị viện châu Âu thông qua ngày 12.2.
Hiệp định này được giới chuyên môn đánh giá như là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối Việt Nam tới một khu vực gồm các quốc gia tiềm năng hàng đầu thế giới về tài chính, công nghệ và thị trường.
Lạc quan, hứng khởi, tin tưởng là quá tốt và sự kiện hội nhập này đáng cho chúng ta mừng vui như thế. Tuy nhiên, hãy hết sức bình tĩnh để phân tích và nhận định đúng tình hình. Nếu không thì mọi sự vui vẻ chóng qua, đến lúc nhìn lại, sẽ thấy sự thành công không như chúng ta tưởng, và WTO cũng như một số hiệp định thương mại khác mà Việt Nam tham gia đã chứng minh điều đó.
EVFTA mở cánh cửa để hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu, nhưng chúng ta có vào được không là chuyện khác. Đây là thị trường khó tính, đòi hỏi quá nhiều điều kiện, tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu, và tất nhiên Việt Nam cũng không thể khác trong sân chơi lớn này.
So sánh chuyện làm ăn với bóng đá một chút cho vui vẻ, cầu thủ Văn Hậu là siêu sao bóng đá Việt Nam, nhưng khi sang chơi cho Heerenveen của Hà Lan, không thấy bóng dáng cầu thủ này, chủ yếu ngồi ghế dự bị. Hàng hóa Việt Nam coi chừng phải “ngồi ghế dự bị” chứ không chính thức vào sân chơi của thị trường này.
Phải nói cứng như vậy để doanh nghiệp Việt Nam tỉnh táo, đánh giá đúng tình hình, chuẩn bị tốt lực lượng trước khi tham gia. Việc thực hiện Hiệp định là của Chính phủ, nhưng chủ thể tham gia thị trường là cộng đồng doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp thất bại thì ký bao nhiêu hiệp định cũng vô ích.
Tham gia thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao, và quá trình này sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam tiến bộ. Vì sao, vì chúng ta phải học rất nhiều, tiếp thu công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tối ưu quá các nguồn lực, sáng tạo ra công nghệ mới.
Ngoài chất lượng sản phẩm, còn phải tôn trọng các chuẩn mực quốc tế về sử dụng lao động, bào vệ môi trường, tuân thủ luật pháp quốc tế. Khi tuân thủ được các chuẩn mực này thì không chỉ doanh nghiệp Việt Nam sẽ trưởng thành, mà quốc gia cũng trưởng thành, vươn tới các giá trị bền vững của cộng đồng quốc tế.
Xin mở ngoặc, Việt Nam đã phải nhận “thẻ vàng” cảnh báo từ Ủy ban châu Âu về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp. Muốn gỡ cái thẻ vàng này cũng mất thời gian và nỗ lực rất nhiều, cùng với thiện chí quốc gia trong việc tôn trọng các nguyên tắc và pháp luật quốc tế.
Tại sao tui chỉ dùng khái niệm “trưởng thành” mà không phải là “thành công”. Xin thưa rằng, trưởng thành được để làm ăn sòng phẳng ở sân chơi châu Âu là sự thành công rất lớn.
Sài Gòn ngày 16/02/2020
TQT