Đôi điều suy ngẫm khi đọc “Chuyện nhà Dr. Thanh”

Trần Nguyên Trang / Báo Thương Hiệu Việt

Người viết bài này suy ngẫm mãi khi gấp trang cuối cùng của tập sách dầy hơn 200 tr của Trần Uyên Phương- Chuyện nhà Dr. Thanh (NXB Phụ nữ- 2017).

Từ xa xưa, do đặc điểm lịch sử, văn hoá người Việt có sự giao thoa giữa các nền văn hoá. Dẫu giữ được nét riêng, nhưng thực tế minh chứng sự ảnh hưởng đó không nhỏ, tác động cả bề rộng và chiều sâu đến văn hoá của người Việt cổ. Tam tòng, tứ đức. Chỉ xét riêng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã có biết bao điều suy ngẫm. Chữ hiếu, chữ trung luôn được tôn thờ, tạo thành nét văn hoá riêng của người Việt. Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu là một ví dụ. Đang học chuẩn bị thi, nhưng nghe tin mẹ mất, Lục Vân Tiên bỏ học, vượt qua bao sóng gió, trở về thọ tang mẹ. Thương mẹ, khóc đến mù cả hai mắt…

Nói gọn lại, với người Việt, đấng sinh thành là tất cả, trên hết. Người ta có thể đối xử “tàn nhẫn” với thiên hạ. Nhưng với cha mẹ, họ vẫn là đứa trẻ dại khờ, “đặt đâu ngồi đấy”.

Khi đất nước đổi mới, hội nhập sâu về mọi mặt với thế giới, văn hoá Việt có phần thay đổi cho phù hợp với sự phát triển. Xét ở một góc độ, đó chính là động lực tạo ra diện mạo mới cho đất nước thời hội nhập.

Con người là sản phẩm xã hội. Xã hội nào con người nấy, là vậy.

Từ ngàn xưa, trong văn chương ít thấy xuất hiện mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái “bình đẳng” như thế, đặc biệt giữa cha và con gái đã trưởng thành. Dưới ngòi bút của Trần Uyên Phương, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không chỉ khu biệt trong tương quan chủ thể này sinh ra chủ thể khác; hay nói nôm na “không có tao thì không có mày”, mà hơn thế, hai chủ thể ngang bằng nhau, có sự bình đẳng tương đối với nhau. Vì thế, con cái không ngại gì khi công khai nhận xét, đánh giá về cha mẹ và thậm chí có thể can thiệp vào chuyện riêng của cha mẹ.

Trần Uyên Phương chân thành, thẳng thắn nhận xét người cha – doanh nhân thành đạt, nổi tiếng của cô. Rằng, “suốt đời chỉ quan tâm đến gia đình lớn; gia đình nhỏ “nhường hết cho má…”. Rằng, “ba chưa bao giờ ẵm đứa con nào, chưa từng một lần đi họp phụ huynh”… Nhưng đấy lại là một người cha quyết đoán trong thương trường và tâm lý, gần gụi trong tình cảm. Vì thế “hai cha con tôi có thể kể với nhau tất cả những điều thầm kín riêng tư và đùa vui rất nhiều chuyện”. Đó cũng là người cha có phẩm chất của một vị thuyền trưởng tài ba, can trường, với suy nghĩ: “Không có gì là không thể”; và rất thực tế: “Học là để đi làm chứ không phải học là để có nhiều học vị. Mục tiêu cuối cùng và thước đo của mỗi con người chính là giá trị mà người đó tạo ra cho xã hội, chứ không phải anh có mấy cái bằng…”.

Người cha như thế, mà có lần, tác giả đã khuyên mẹ: “Ly dị ba đi. Má định sống khổ như thế này cả đời à? Tại sao chứ? Bỏ đi và má có thể sống cuộc đời hạnh phúc của riêng mình”??? Quả thực, trong truyền thống gia phong của người Việt, ít có đứa con nào dám cả gan, dũng cảm khuyên mẹ ly dị ba như thế.

Với lối kể chuyện dung dị, chân thành, sợi chỉ đỏ suốt tập sách Chuyện nhà Dr. Thanh, dường như Trần Uyên Phương dành cho mẹ. Mẹ cô – bà Nụ đến sau so với các người tình của ba nhưng trụ bám kiên cường bên ông và trở thành nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới sự thành công trong gia đình Dr. Thanh nói riêng và Tập đoàn Tân Hiệp Phát nói chung. Đó là người vợ, người mẹ chịu thương chịu khó nhường nhịn “một người chồng cái gì cũng đúng”. Đó là một tấm gương về “sự nhẫn nhục phi thường; biến sự nhẫn nhịn, cam phận thành niềm vui và hạnh phúc của gia đình”.

Và, người đàn bà ấy là “người đàn bà thép; rất nhiều thứ ở Tân Hiệp Phát là do sự quyết liệt, chèo lái của mẹ mới thành công được”.

À ra thế. Của chồng công vợ. Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn. Người ta cứ nghĩ Tân Hiệp Phát được như ngày hôm nay là do một tay Dr. Thanh tạo dựng. Hoá ra, vai trò của người đàn bà bên cạnh người đàn ông thành đạt đặc biệt quan trọng!
Đọc Chuyện nhà Dr. Thanh, người viết bài này cứ nghĩ sẽ tìm ra lời giải cho câu hỏi: Vì sao Trần Quý Thanh, từ một cậu con trai “ngang ngược” của ông chủ vựa vật liệu xây dựng Hiệp Phát đã xây dựng nên thương hiệu Tập đoàn Tân Hiệp Phát lừng danh, không chỉ trong nước mà còn của cả khu vực và quốc tế? Song, rõ ràng với 10 chương sách, Trần Uyên Phương không chủ tâm lý giải điều đó mà tập trung bàn tới mối quan hệ mới giữa các chủ thể trong một gia đình – các thành viên của một hạm tàu đang ra biển lớn.

Chắc chắn người đọc không quá khắt khe soi rọi từng câu chữ của “nhà văn bất đắc dĩ” này. Cái mà người ta quan tâm là thông điệp của tác giả. Thông điệp ấy cũng dễ đàng nhận ra. Rằng, không có gì là không thế, khi người ta có một trái tim nóng bỏng và cái đầu lạnh, tỉnh táo sẽ ứng xử thành công mọi tình huống, nhất là khi hạm tàu đang trong cơn giông bão. Rằng, tiền tài, danh vọng, bằng cấp cũng cần, rất cần. Nhưng cái cần hơn, thiết thực hơn là danh dự, “là giá trị mà người đó tạo ra cho xã hội”.

Và, gia đình, huyết thống vẫn là tất cả. Vì thế phải “quyết tâm gìn giữ giá trị cốt lõi của gia đình”. Đây là nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh gia đình Việt, người Việt trong thời kinh tế thị trường – công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Có lẽ, đó cũng chính là nhân tố, con đường mang tính quyết định dẫn tới sự thành công của gia đình Dr. Thanh, dẫu họ phải dũng cảm đương đầu, vượt qua sóng gió, bão bùng ?!

Theo báo Thương Hiệu Viêt

Link bài: Đôi điều suy ngẫm khi đọc “chuyện nhà Dr. Thanh”

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *