Trần Quí Thanh
Từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, gặp gỡ với công nhân lao động hằng năm tại các địa phương như Đồng Nai, Đã Nẵng, lần này Thủ tướng đối thoại với nông dân tại Hải Dương. Đó là điều rất đáng nể trọng.
Nhân câu hỏi của Thủ tướng: “ Làm thế nào để nông dân giàu lên”, tui xin mạo muội có đôi lời thưa Thủ tướng.
Nông dân của Việt Nam sinh sống được ngay trên ruộng đồng của mình, đó là yêu cầu tối thiểu, nhưng chưa hẳn đã đạt được một cách toàn diện trên cả nước. Trên thực tế, ở một số địa phương ruộng đồng bỏ hoang vì giá trị sản phẩm làm ra không bù đắp được chi phí. Có nơi, nông sản không có giá trị thương mại cao vì chưa đầu tư giống, vốn, kỹ thuật và công nghệ sau thu hoạch.
Dự báo về thị trường kém, dẫn đến sản xuất dư thừa, nhiều nông sản, thực phẩm bị ế, phải giải cứu bằng lòng tốt, nhưng sẽ không thể có một nền “kinh tế từ thiện” thay cho quy luật của thị trường.
Dù có được một vài con số khích lệ về xuất khẩu, nhưng điều đó chưa nói lên được rằng Việt Nam có nền nông nghiệp mạnh. Xuất khẩu được sản phẩm luôn đòi hỏi các tiêu chí cao, về chất lượng, giá cả cạnh tranh, an toàn vệ sinh thực phẩm và mẫu mã bao bì. Nhiều việc mà nông dân Việt Nam chưa thể làm tốt, cần có sự tham gia của doanh nghiệp. Sản xuất được đã khó, bán được còn khó hơn. Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp rất quan trọng, nhưng đóng góp chưa tương xứng.
Nông dân Việt Nam còn đối phó với nạn thuốc trừ sâu, phân bón giả hoặc kém chất lượng, nó không chỉ tác hại trực tiếp đến cây trồng, mà gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước về lâu dài. Ở đây không thể không nói đến vai trò quản lý của các cơ quan chức năng.
Từ những điểm đó, đi đến quan sát chung sẽ thấy:
Các địa phương nông nghiệp không tự nuôi được mình mà phải cậy nhờ vào ngân sách, điều này chứng minh về năng lực sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Có phải do không thể làm giàu bằng nông nghiệp, xin thưa không, bằng chứng là các nước như Nhật Bản, Israel, New Zealand đã cho thế giới thấy sức mạnh kinh tế của nền nông nghiệp vượt trội.
Nhưng vấn đề đáng quan tâm nhất đã được đặt ra tại cuộc đối thoại trên, đó là cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là điểm yếu chết người của nông nghiệp Việt Nam.
Khoa học thế giới đã có những phát minh xuất sắc về công nghệ sinh học, kỹ thuật nuôi trồng hiện đại, cho ra sản phẩm chất lượng cao với giá thành hợp lý. Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế dần sức lao động cơ bắp, mang lại hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần. Tui còn nhớ, trả lời trên Báo Lao Động, GS.TS Trương Nguyện Thành cảnh báo, nay mai Việt Nam sẽ nhập các loại thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, chất lượng cao. Lúc đó, nông dân làm gì để sống, đất đai bị bỏ hoang.
Không áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thì điều GS.TS Trương Nguyện Thành cảnh báo sẽ xảy ra trong nay mai.
Sài Gòn, ngày 10/04/2018
TQT
Đọc thêm, Link: Thủ tướng đối thoại với nông dân
(http://ttvn.vn/chinh-tri/thu-tuong-doi-thoai-voi-nong-dan-20180409082155706.htm)