Đủ bản lĩnh để không vội vàng tìm kiếm lợi nhuận, mà nhìn xa trông rộng

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo đầu tư

Kính gửi bác Trần Quí Thanh,

Đáng ra chúng cháu phải gọi bằng ông nhưng gọi bác cho trẻ bác nha.

Thưa bác, chúng cháu là nhóm bạn sinh viên vừa tốt nghiệp đại học. Háo hức trước ngưỡng cửa cuộc đời nhưng cũng nhiều lo lắng, vì có phải ai muốn lập nghiệp cũng lập nghiệp được đâu. Chúng cháu xin bác một lời khuyên: Khi nào thì có thể bắt tay lập nghiệp, khi nào thì chưa nên?

Kính mong bác hồi âm.

Vô cùng cảm ơn bác.

Nhóm Ước Mơ Sài Gòn: uocmosaigon19@gmail.com

—–

Nhóm Ước Mơ Sài Gòn mến!

Lập nghiệp là một khái niệm rất rộng, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, theo bác hiểu, lập nghiệp mà các cháu hỏi bác là khởi nghiêp kinh doanh. Chúng ta cần phân biệt khái niệm để dễ trả lời, và đúng chuyên môn của bác là kinh doanh.

Không phải muốn khởi nghiệp là lao ra mở công ty, làm ăn mà mơ mộng cảm tính như vậy là chết chắc. Trước hết là phải có quá trình trải nghiệm thực tế. Bác đã trao đổi trong một bài viết về đề tài này, đó là khởi nghiệp ngay từ khi đi làm thuê, học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, hiểu được hoạt động của một doanh nghiệp, từ sản xuất, dịch vụ, công tác tài chính, quản trị nhân sự, quản trị vốn, quản trị hệ thống. Quản trị doanh nghiệp phải có kỹ năng, kiến thức về pháp luật liên quan,  kiến thức về tài chính kế toán, marketing,  truyền thông…Thiếu những thứ này ở mức tối thiểu, không nên nghĩ đến chuyện khởi nghiệp.

Có một ý tưởng về sản phẩm, chưa phải là yếu tố đủ để khởi nghiệp. Mà phải nghiên cứu nhiều góc độ khác nhau để tìm ra câu trả lời rằng sản phẩm đó có thương mại hoá được không, có được thị trường chấp nhận không? Có nhiều sản phẩm sản xuất được trong phòng nghiên cứu, sử dụng tốt, nhưng bán được hay không lại là chuyện khác. 

Bác lấy ví dụ, nhiều người nói doanh nghiệp Việt Nam không sản xuất được con ốc vít của Nhật đặt hàng. Nói như vậy không đúng, mà chính xác là, làm được nhưng giá thành cao hơn loại sản phẩm đó đang có trên thị trường. Vậy thì, cho dù sản xuất được cũng không thể bán được. Sản phẩm kinh doanh phải thoả mãn nhu cầu của khách hàng, không phải thoả mãn cảm xúc của mình. Mà nhu cầu của người tiêu dùng luôn gắn liền hai tiêu chí, chất lượng và giá thành. Cho nên, phải nắm chắc nghiên cứu thị trường, không đủ thông tin, không nên vội vàng khởi nghiệp.

Tiếp theo là chắc chắn về nguồn vốn. Cho dù không có đủ vốn ngay lập tức trong tay, cũng phải biết được sẽ thu hút vốn, huy động vốn từ các kênh nào. Trong kinh doanh, để bị hụt vốn giống như thiếu ô xy, không cấp cứu kịp coi như đột tử. Trên thực tế, có nhiều start up thất bại không phải do sản phẩm hay dịch vụ kém, mà không chuẩn bị được nguồn vốn đủ để vận hành.

Công nghệ đằng trời cũng không thay thế được con người. Start up thì phải có “good team”. Chưa chuẩn bị được những nhân sự chủ chốt, giữ những vị trí quan trọng của doanh nghiệp thì chưa nên start.

Cuối cùng là sự tự tin về bản thân. Đủ sức mạnh nội tâm và năng lượng tinh thần để chịu đựng bền bỉ những khó khăn, thăng trầm của một doanh nhân trên thương trường. Đủ bản lĩnh để không vội vàng tìm kiếm lợi nhuận, mà nhìn xa trông rộng. Đặc biệt là phải có chút máu liều, có tư duy đột phá, có những ý tưởng táo bạo.

Chuẩn bị được những điều căn bản trên thì mạnh dạn khởi nghiêp.

Chúc các cháu thành công

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *