Dù cách mạng công nghiệp lần thứ mấy con người vẫn luôn là yếu tố trung tâm

Trần Quí Thanh

——

Kính gửi bác Dr Thanh,

Chào bác. Cháu lại gửi bác thêm một câu hỏi nữa đây: Dạo này thấy nói các doanh nghiệp chuyển đổi số rần rần. Có vẻ như thời 4.0 đã bắt đầu. Nhưng cháu nghĩ để có 4.0 thì phải có nhân sự 4.0 chứ không phải cứ muốn là làm được ngay. Vậy xin bác cho biết nhân sự 4.0 nên bắt đầu từ đâu? Mong được bác sớm hồi âm ạ. 

Kính chúc bác vạn an 

Nguyễn Ngô Hồng Thắm (Sài Gòn): ngnghtham1989@gmail.com

—–

Nguyễn Ngô Hồng Thắm mến!

Việc chuyển đổi sang nền kinh tế số là đương nhiên, là bắt buộc, chứ không phải là sự lựa chọn muốn hay không. Thế giới đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có nghĩa là đã sang một trang mới, ai không theo kịp là lạc hậu. Cho nên, cháu nói “có vẻ như” là không đúng đâu nhé, mà phải là “thực sự vậy”.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết của Bộ Thông tin Truyền thông ngày 12.1 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đắc Đam nói về thông tin rằng: “30 năm trước, chúng ta cùng nhau giải quyết “câu chuyện alo”, còn huyện nay, chúng ta phải cùng nhau giải quyết câu chuyện dữ liệu, chuyển đổi số. 2G chúng ta đi nhanh so với thế giới, 3G đi vào top trung bình, 4G đi chậm, 5G vươn lên đi nhanh. Nếu chúng ta đi nhanh được 5G thì thời cơ quay về tay chúng ta. Bởi 5G không chỉ đơn thuần là tốc độ, nó sẽ thay đổi toàn bộ. Tôi cho rằng đây là thời cơ chúng ta bứt phá. Đây là thời cơ mà ước mơ về phát triển một nền công nghiệp thông tin được khẳng định”.

Cháu biết không, thông tin không còn “alo” mà chuyển đổi số thì ai không chuyển đổi sẽ bị lạc hậu.  Phó Thủ tướng kêu gọi các công ty công nghệ sản xuất các ứng dụng để theo kịp với xã hội số, thời đại số, trong đó có cả những thông tin xấu, độc hại, cần phải ngăn chặn, khống chế. Phó Thủ tướng nói: “Nếu chúng ta khơi dậy được sự sáng tạo, sự quyết tâm, khát vọng thì chúng ta có thể làm được. Nếu chúng ta không thay đổi, không đổi mới mạnh mẽ hơn, thì không tận dụng được cơ hội mà chúng ta sẽ tụt hậu, thậm chí nhiều ngành sẽ chết.

Chuyện chuyển đổi số như vậy là tạm rõ rồi nhé, có gì cháu tìm hiểu thêm.

Còn chuyện cháu hỏi về nhân sự 4.0 là quá đúng luôn. Cho dù ở thời kỳ nào thì con người vẫn luôn là yếu tố trung tâm. Ở đây cụ thể là, cháu không có con người 4.0 thì làm sao cháu có thể xây dựng doanh nghiệp 4.0.

Cũng giống như, một số địa phương xây dựng chính quyền điện tử, nhưng không thể vận hành được hiệu quả vì ngay chính cán bộ của chính quyền đó chỉ có trình độ 0.4. Họp bàn về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà lấy sổ ra ghi chép, xây dựng đô thị thông minh mà cán bộ không biết sử dụng các ứng dụng để xem và đọc, vậy thì chẳng khác gì xây nhà trên cát.

Vậy thì chúng ta bắt đầu từ đâu?

Lý thuyết thì quá nhiều, bác chia sẻ với cháu 3 bước.

Một là lựa chọn ekip lãnh đạo đúng tầm, gồm những người đủ sự hiểu biết, đủ tầm nhận thức, đủ trình độ để chuyển đổi số.

Hai là vạch ra lộ trình chuyển đổi, thậm chí là tái cấu trúc. Lộ trình này không quá gấp để dễ bị gãy đổ và không quá muộn để bị lạc hậu. Lưu ý là công đoạn này cần sự tư vấn của các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm.

Ba là tuyển dụng nhân sự đặt vào các vị trí chủ chốt. Nhân sự phải có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng công nghệ thông tin hoàn hảo, đáp ứng được yêu cầu của vị trí công việc, kỹ năng làm việc nhóm.

Chúng ta đang bước từ không gian thực sang không gian số, cho nên nếu chuyển đổi hiệu quả, cháu cũng không cần sử dụng văn phòng, công ty hiện nay nữa. Ai cứ ở nhà người đó mà làm việc online, trừ nhà máy sản xuất ra sản phẩm vật chất cụ thể.

Chúc cháu thành công.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *