Đừng để người hay than phiền hủy hoại môi trường làm việc tích cực

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo Doanh Nhân Sài Gòn

—–

Kính gửi bác Dr Thanh,

Thưa bác, cháu chỉ là một đốc công, na ná như đội trưởng thôi a. Nhưng cũng như nhiều đồng nghiệp, cháu muốn khởi nghiệp bằng chính tiến bộ bản thân chứ không bắt đầu lập bằng công ty, huy động vốn. Chính vì vậy cháu rất ghét những đồng nghiệp hay than phiền làm ảnh hưởng đến anh em, đến việc chung. Ghét của nào trời trao của đó, cháu thường xuyên phải đối diện với những người hay kêu ca than phiền. Cháu thật sự lúng túng.

Vì vậy cháu viết thư nay xin bác chỉ bảo cho ạ.

Kính chúc bác mạnh giỏi

Phạm Đình Chương (Bình Dương): chuongpd1992_BD1@gmail.com

—–

Phạm Đình Chương mến!

Ông bà xưa nói câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” rất đa nghĩa, nếu áp vào ca của cháu cũng trúng phóc. Làm việc trong một môi trường mà chung quanh toàn những người có suy nghĩ tiêu cực, thì mình rất dễ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực và ngược lại.

Người ta từng làm một nghiên cứu nhỏ, cũng một loại hộp có trọng lượng như nhau, số lượng như nhau, công nhân bốc vác như nhau. Nhưng loại hộp được sơn màu đen sẽ bốc vác chậm hơn, công nhân mệt mỏi hơn so với loại hộp được sơn màu trắng.

Nghiên cứu này nói lên điều gì, trong môi trường làm việc, âm thanh, ánh sáng, màu sắc ảnh hưởng tới năng suất lao động, sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động.

Người ta tiếp tục nghiên cứu, ngoài các tác động trên, tinh thần làm việc của nhân viên có tác động mạnh mẽ đến năng suất lao động, sức khỏe và tâm lý của những người chung quanh.

Một nhân viên làm việc mà suốt ngày than phiền, ta thán, nói những lời tiêu cực thì từ người đó phát sinh ra một từ trường xấu, ảnh hưởng đến tâm lý của những người khác. Và nếu như nhiều người cùng than phiền như vậy, thì chắc chắn hiệu quả công việc ở nơi đó rất thấp, không bao giờ có kết quả tốt đẹp. Chưa kể, về lâu dài sẽ sinh ra bệnh tật, những bệnh liên quan đến thần kinh, ví dụ như trầm cảm.

Những nơi mà mọi người làm việc vui vẻ, tươi mới, nói những lời lạc quan thì tinh thần phấn chấn. Một ngày làm việc đi qua nhẹ nhàng, công việc được giải quyết nhanh, mọi người thích đi làm, thích gặp nhau, sẵn sàng chia sẻ và cư xử thân thiện với nhau.

Theo kinh nghiệm của bác thì nơi nào cũng có người thích than phiền, suy nghĩ tiêu cực, vấn đề là đồng nghiệp ở đó giải quyết như thế nào đối với những ca này.

Người hay than phiền có nhiều nguyên nhân, có người vì bị ảnh hưởng từ những vấn đề cá nhân, gia đình, nên nhìn cuộc sống toàn màu đen. Có người chỉ vì cái tật hay than phiền. Tìm ra nguyên nhân mới xử lý được.

Hãy tập hợp những người tích cực, lạc quan, gặp gỡ người hay than phiền, chỉ cho họ điều đó là không tốt cho chính bản thân họ và khuyên họ nên thay đổi. Đừng xa lánh hay cô lập họ, vì nếu như vậy thì chỉ tăng sự căng thẳng và nặng nề trong môi trường làm việc. Đặt vấn đề tế nhị, khéo léo nhưng thẳng thắn trao đổi, không né tránh sự thật về sự than phiền của họ làm ảnh hưởng tới công việc chung.

Cắt ngay những cuộc bắt chuyện tiêu cực. Khi người hay than phiền nói ra lời than phiền, cháu tỏ thái độ dứt khoát là không nói chuyện, vì nếu bị họ dẫn dắt theo câu chuyện của họ, cháu cũng sẽ trở thành người hay than phiền. Và hãy nói thẳng rằng cháu đang bận làm việc. Đừng để người than phiền hủy hoại môi trường làm việc tích cực.

Lái sang chuyện vui vẻ, tích cực. Khi bị người than phiền quấy rầy, thì cách chủ động nhất là nói chuyện khác chuyện họ đặt ra, nói ngược lại với điều họ đang nghĩ tiêu cực. Một vài lần thì họ sẽ không dám bắt chuyện vì thấy không được mọi người ủng hộ.

Còn đối với những trường hợp bệnh quá nặng, suốt ngày than phiền như một chứng thần kinh, thì cháu nên báo với sếp để có hướng xử lý. Bởi vì làm việc bên cạnh một đồng nghiệp như vậy, cháu sẽ bị căng thẳng và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Chúc cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *