Đừng lo phát nhầm, phải sợ phát thiếu

Trương Minh Huy Vũ/ Báo Tuổi Trẻ

Sáng 15-8, TP.HCM đã ra mắt Trung tâm tiếp nhận hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân gặp khó khăn do COVID-19.

Từ nhân tâm, từ mong muốn cứu giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn, TP.HCM đã tạo cầu nối để lo bữa ăn cho người khó khăn mà không có thủ tục hành chính phức tạp, không cần xác nhận người có và người cần, không cần kiểm tra rằng người nhận có là thường trú hay hộ khẩu.

Sau hơn 80 ngày giãn cách xã hội ở nhiều mức độ, sức chống chịu của người dân đang giảm dần và người càng nghèo lại càng suy kiệt nhanh hơn cả về thể chất và tinh thần. Càng ngày càng có nhiều người cần được giúp đỡ như trẻ mồ côi, người già neo đơn, lao động tự do… nhưng cũng lại là những người khó tiếp cận cứu trợ nhất. 

Những đứt gãy về thông tin khiến cho người muốn giúp không đến được với người cần, còn người cần không biết làm sao để tìm người giúp.

Chật vật với bữa ăn, phải ở nhà, tinh thần của người dân cũng đi xuống, đặc biệt là những người có các bệnh tâm lý, những người ở vùng là điểm nóng của dịch và người khó khăn về kinh tế. Họ gặp phải lo âu, trầm cảm, stress và chất lượng giấc ngủ giảm… làm suy giảm sức khỏe.

Khi nhiều người còn phải lo ngày mai lấy gì cho bữa ăn của cả gia đình, họ không thể toàn tâm ở nhà chống dịch. Trước bối cảnh giãn cách còn kéo dài và tương lai của dịch bệnh vẫn chưa chắc chắn, TP.HCM cần đảm bảo lo đủ ăn cho người dân bằng mọi cách và bằng mọi giá.

Thông qua các đơn vị hỗ trợ, cả công lẫn tư, cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức thiện nguyện, lương thực và thực phẩm, thuốc men, kinh phí cần được giao tới tất cả các quận, huyện, phường, xã dựa theo tính toán sát với địa bàn nhất. 

Các cơ sở, trong thời gian nhanh nhất, tổ chức các địa điểm phát thực phẩm không tiếp xúc tại các khu phố, cụm dân cư và dùng loa thông báo trên toàn địa bàn để người dân biết tin. Người tới nhận không cần xác nhận, không cần chứng minh, chỉ cần tuân thủ nguyên tắc giãn cách và 5K.

Thậm chí, những người khó khăn trong di chuyển, không thể ra khỏi nhà, không đến trực tiếp nhận cứu trợ cũng có thể nhờ láng giềng, bạn bè lấy hộ; thúc đẩy tinh thần “lá lành đùm lá rách” của xã hội, tránh việc người cần không thể nhận mà người muốn giúp lại vướng quy định.

Đừng lo phát nhầm, phải sợ phát thiếu, vì mỗi người Sài Gòn lúc này đều tràn đầy tấm lòng nhân ái, nghĩa tình với niềm tin rằng không ai đủ đầy lại đi tranh đoạt cơ hội của người cùng khổ. Ngay cả nếu có hiện tượng này thì cũng hãy tin đó chỉ là thiểu số, vì trong khó khăn, niềm tin vào nhân tâm là thành trì cuối cùng của xã hội và chính quyền. 

Một khi mỗi người nghèo khổ, khó khăn tiếp cận được với lương thực, thực phẩm, thuốc men thuận lợi nhất, họ nhận được hơi ấm từ tình đồng bào – bên cạnh giọt nước mắt đang rơi mỗi ngày vì mất mát, khổ đau còn là giọt nước mắt của người Sài Gòn về sự sẻ chia và niềm hy vọng.

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Đừng lo…
https://tuoitre.vn/dung-lo-phat-nham-phai-so-phat-thieu-20210816074354213.htm
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *