Bích Diệp/ Báo Dân Trí
—-
Đừng nghĩ có vaccine rồi thì có thể vô tư – đến mức vô tâm và vô trách nhiệm. Cũng không thể coi phủ vaccine ở một tỷ lệ nào đó là có thể buông lỏng. Phòng chống dịch hãy còn trường kỳ!
Tôi có người quen vừa tổ chức đám cưới cho con trai. Tiệc mừng diễn ra khoảng trên 50 mâm, hoàn toàn không vi phạm quy định nào vì các lệnh giãn cách đều đã được dỡ bỏ. Chuyện hỉ, nhưng cũng tạo ra không ít sự khó xử cho khách mời. Người ái ngại gửi quà cưới, người nhiệt tình đến chúc mừng rồi ra về trong lo lắng.
Tham gia một bữa tiệc lớn với lượng khách mời lớn tập trung ăn uống trong không gian kín, ai chẳng ngại. Ngại, nhưng lại không ai nói ra. Cũng không thể đeo khẩu trang khi ăn uống được.
Và những bữa tiệc như vậy vẫn diễn ra ở rất nhiều nơi, nhiều địa phương, dù rằng F0 liên tục xuất hiện, bao gồm các ca cộng đồng không xác định được nguồn lây.
Một số người nói với tôi rằng, họ đã tiêm vaccine nên không còn sợ dịch như trước. Tâm lý đó có lẽ khá phổ biến.
Vậy nhưng, vaccine có phải là tấm khiên hoàn hảo? Ngành y tế TPHCM mới đây công bố số liệu 86% bệnh nhân nhập các bệnh viện điều trị Covid-19 tầng 2 tại địa phương này đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, và 17 trường hợp tử vong dù đã tiêm đủ 2 mũi (thống kê trong hai ngày 10-11/11). Có lý nào lại thế?
Điều này tưởng vô lý nhưng không có gì lạ cả. Ngay cả các hãng sản xuất vaccine họ cũng đã khẳng định, vaccine chỉ giúp phòng ngừa lây nhiễm ở một tỷ lệ nhất định (từ khoảng 60% đến 90%). Vậy là khả năng lây nhiễm vẫn có, khả năng tử vong vẫn có. Vaccine chỉ giảm nguy cơ, chứ không loại bỏ triệt để nguy cơ.
Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, đến nay, dịch Covid-19 đã lan tràn ra khắp 223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu với hơn 253 triệu người mắc, hơn 5 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, đây chỉ là con số báo cáo theo Worldometer, con số thực tế chắc còn cao hơn nhiều.
Tại Việt Nam, dịch lan tràn rất nhanh trong đợt bùng phát thứ 4. Đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn một triệu ca nhiễm, hơn 23.000 ca tử vong – những con số mà chỉ cách đây một năm không ai dám nghĩ tới. Ông Kính ví, đại dịch này như một “cơn đại hồng thủy”.
Nhưng, dịch đâu đã chấm dứt! TPHCM vẫn ghi nhận một ngày trên dưới 1.000 ca, vẫn có ca tử vong. Hơn thế nữa, tất cả 63 tỉnh thành đều ghi nhận các ca dương tính.
Trong làn sóng thứ 4, dịch tập trung tại 19 tỉnh thành phía Nam và TPHCM, sau khi TPHCM và các tỉnh này mở cửa đã kéo theo làn sóng người dân về quê, rất nhiều người đã mang mầm bệnh về và trở thành các điểm nóng ở địa phương.
“Nếu chúng ta không khống chế tốt thì những điểm lửa này sẽ làm cháy cả cánh rừng lớn. Chúng ta đang phải chuẩn bị cho một chiến lược để ngăn chặn việc bùng phát của dịch trong đợt mới này, trên diện rất rộng, trên toàn quốc 63 tỉnh, thành đều có ca mắc”, TS Kính nhận định.
Vậy, có lý nào chúng ta lại có quyền chủ quan và chóng quên đi những mất mát mà đồng bào mình trải qua nhanh đến thế? Vợ mất chồng, cha mẹ mất con, cả nghìn đứa trẻ mồ côi giữa đại dịch.
Đó là chưa nói, nhiều quốc gia trên thế giới – vốn tưởng như đã an toàn – bị bùng dịch trở lại. Vừa mới đây thôi, một biến chủng mới của SARS-CoV-2 là B.1.640 đã được phát hiện ở một số nước châu Âu. Điều khiến các chuyên gia lo ngại là biến chủng này có chứa đột biến chưa từng ghi nhận trước đó. Nó một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về khả năng biến đổi của virus khi thế giới vẫn còn mất cân bằng nguồn cung vaccine.
Bài viết này không cực đoan rằng cần phải phong tỏa diện rộng như trước, không cổ xúy “ngăn sông cấm chợ”. Kinh tế vẫn phải vận hành, con người vẫn phải làm việc và kiếm sống. Nhưng đừng quên, dịch vẫn ở xung quanh mình để cẩn trọng hơn, nhất là khi “năm hết, tết đến” nhu cầu gặp gỡ, trao đổi ngày càng nhiều thêm.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho hay, dịch bệnh khiến chúng ta phải thay đổi về mọi mặt, thay đổi trong cách học, thay đổi trong cách làm việc, mua sắm hàng ngày, chuyển dần sang hoạt động online… Vì thế, ông nói, đón tết cũng phải thay đổi.
Người viết cho rằng, đây là quan điểm cần có được sự thống nhất chung. Đừng nghĩ có vaccine rồi thì có thể vô tư – đến mức vô tâm và vô trách nhiệm. Cũng không thể coi phủ vaccine ở một tỷ lệ nào đó là có thể buông lỏng. Phòng chống dịch hãy còn trường kỳ!
NGUỒN: Theo Báo Dân Trí
Link bài: Đừng quên…
https://dantri.com.vn/blog/