Duy trì văn hoá doanh nghiệp trong đại dịch

Quỳnh Chi/ Trang The Leader

Một liều “vắc-xin tinh thần” cho nhân sự là điều rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh.

Gặp phải đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp “thất điên bát đảo” nên rối loạn đội hình, cần phải xốc lại.

Khi gặp những tình huống bất trắc, càng cần có cái tâm không loạn động, tâm phải tĩnh thì trí mới sáng, trí sáng mới đưa ra quyết định phù hợp, chính xác.

Khi gặp nguy biến, người đầu tiên không được mất bình tĩnh đó là vị chỉ huy, người đứng đầu mà loạn thì không giữ được đội hình. Loạn quan sẽ dân đến loạn quân.

Trong đại dịch, khó giữ được thiệt hại, nhưng có thể hạn chế được tối đa tổn thất. Muốn được vậy phải có sự ổn định, bản lĩnh, tự tin của cả đội hình.

Có được sự tự tin và bản lĩnh đó, là giữ từ cái gốc:  văn hóa của doanh nghiệp.

Từ đầu, xây dựng văn hóa nền tảng, hãy đứng vững trên nền tảng đó. Từ đầu, đã xây dựng giá trị cốt lõi, hãy giữ vững giá trị đó. Không lay chuyển, không xao động, không mất lòng tin vào chính mình.

Khi đại dịch bao vây, không có thị trường để lao ra bên ngoài, thì dành tâm trí, sức lực để củng có cái bên trong. Làm được như vậy mới là đại trí.

Vững vàng bên trong cũng chính là sự chuẩn bị lực lượng chờ ngày hành động. Văn hóa càng dày dặn, nền tảng càng cứng cáp thì càng chắc càng mạnh.

Theo dự đoán của giới chuyên môn, sau lần thực hiện Chỉ thị 16 này, với phương án mở rộng tiêm chủng của TPHCM cùng với các tỉnh phía Nam, thì TPHCM sẽ kiểm soát được dịch, sau đó là mở rộng vùng xanh ra các tỉnh công nghiệp. Lúc đó, các doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động, cho nên ai giữ vững được đội hình, chuẩn bị sẵn sàng, thì sẽ chớp được cơ hội.

Tui xin giới thiệu với các bạn bài viết “Duy trì văn hóa doanh nghiệp trong đại dịch” của tác giả Quỳnh Chi trên The Leader, các bạn có thể tham khảo về cách mà chuyên gia đề xuất để duy trì văn hóa doanh nghiệp.

Trần Quí Thanh

—–

Quan sát của CEO Blue C Lê Quang Vũ cho thấy, đại dịch có thể làm suy yếu văn hoá của tổ chức, kể cả những tổ chức rất mạnh.

Đại dịch Covid-19 diễn ra đã tạo nên nhiều xáo trộn trong quản trị doanh nghiệp, dẫn đến nhiều vấn đề. Rất nhiều doanh nghiệp phải chia tay nhân sự dù là chủ động cắt giảm hay người lao động chủ động ra đi. Đó là lúc tinh thần và niềm tin bị xuống dốc khi những cam kết không được đáp ứng. Mỗi người phải kiêm nhiệm nhiều hơn và công việc cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

Bối cảnh giãn cách xã hội dễ khiến nhân viên mất kết nối với đồng nghiệp, công việc và mục tiêu của đội nhóm. Doanh nghiệp thiếu gắn kết và thông tin dễ sai lệch làm ảnh hưởng đến hiệu suất. Đáng chú ý, không ít doanh nghiệp chạy theo các mục tiêu ngắn hạn để tồn tại dẫn đến chệch mất định hướng lâu dài.

Theo CEO Blue C Lê Quang Vũ, trong mùa đại dịch, cả nhân viên và chủ doanh nghiệp đều chịu rất nhiều áp lực. Đặc biệt, người chủ doanh nghiệp chịu áp lực lớn từ nhiều phía nhưng ít ai thể hiện ra bên ngoài vì họ hiểu rằng cần giữ ổn định tâm lý để tạo động lực cho nhân sự và tìm ra con đường đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hướng đến phát triển bền vững về sau.

Doanh nghiệp nên làm gì?

Thực tế cho thấy, đại dịch có thể làm suy yếu văn hoá của tổ chức, kể cả những tổ chức rất mạnh.

Đo dó, ông Vũ cho rằng, việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm là gắn kết nhân viên. Doanh nghiệp cần tìm cách để cho các sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi vẫn được giữ vững; để củng cố niềm tin của người nhân viên vào định hướng của công ty, nhất là khi họ đang đối mặt với nhiều nỗi lo; để đưa ra các quyết sách đúng đắn trong giai đoạn khủng hoảng và để biến nguy thành cơ.

Theo ông Vũ, càng trong khủng hoảng càng phải gắn kết. Việc duy trì giao tiếp liên tục và thường xuyên bằng các cuộc họp ngắn trong ngày không chỉ giúp doanh nghiệp theo sát tình hình công việc mà còn là thời điểm để nhân sự chia sẻ và thấu hiểu với những quyết sách mới.

“Lửa thử vàng gian nan thử sức. Những người vượt qua khó khăn cùng doanh nghiệp sẽ là người gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp. Do đó, cần có các hoạt động để duy trì gắn kết và giữ chân nhân viên”, lãnh đạo Blue C nói trong chương trình Everlearn Webinar Series.

Ông Vũ cho biết, Blue C đã tặng cặp lồng cho nhân viên mang đồ ăn đến cơ quan khi việc ăn uống tại các hàng ăn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi dịch diễn biến phức tạp hơn, Blue C tặng cho mỗi nhân viên một thùng rau củ quả trong bối cảnh nguồn cùng về thực phẩm tạm thời gián đoạn. Khi dịch bệnh căng thẳng hơn, công ty này cung cấp cho nhân viên một bộ kit bao gồm các loại thuốc cần thiết để bảo vệ sức khoẻ.

“Đó là những việc nhỏ nhưng được thực hiện trong giai đoạn quan trọng nên trở nên đặc biệt ý nghĩa, khiến nhân viên được quan tâm và thấy công ty thực sự gắn kết như một gia đình chứ không phải một nơi đi làm thuần tuý”, ông Vũ nói.

Việc thứ hai doanh nghiệp cần làm là kiên định với mục tiêu lớn. Khủng hoảng chính là cơ hội cho tầm nhìn và sứ mệnh lớn được thắp sáng. 

Ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C

Lửa thử vàng gian nan thử sức. Những người vượt qua khó khăn cùng doanh nghiệp sẽ là người gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp.

Ông LÊ QUANG VŨ, CEO Blue C.

Theo ông Vũ, lý do nhân sự tồn tại luôn lớn hơn chuyện cơm áo gạo tiền. Tìm thấy được ý nghĩa sâu sắc của công việc đang làm sẽ giúp nhân sự có động lực vượt khó.

Đây là thời điểm một công ty được đánh giá không chỉ bởi giá cổ phiếu hay lợi nhuận đầu tư mà chính là cách công ty và lãnh đạo phục vụ cộng đồng để làm đúng sứ mệnh của mình, đúng với lý do mà công ty và nhân sự tồn tại thay vì chỉ đi làm kiếm tiền và kinh doanh đơn thuần.

Người nhân viên kỹ thuật không chỉ thực hiện nhiệm vụ lắp đặt máy móc mà còn là người triển khai các giải pháp giúp các tổ chức trong tâm dịch vượt qua khó khăn. Người giao hàng không chỉ là người vận chuyển hàng hoá mà còn là người giúp những nhu cầu cơ bản của mọi người được đáp ứng trong mùa đại dịch.

“Doanh nghiệp nào cũng có những người hùng như vậy. Người làm văn hoá doanh nghiệp và lãnh đạo phải biết gắn kết câu chuyện công việc của những người hùng đó với sứ mệnh lớn lao của doanh nghiệp”, ông Vũ nói.

Thứ ba, doanh nghiệp cần nhìn nhận lại bản thân và sẵn sàng cho sự thay đổi và đưa mọi thứ về thực chất. Bởi lẽ, khủng hoảng là cơ hội để tái sinh. Đây là cơ hội vàng để lãnh đạo nhìn nhận lại văn hoá doanh nghiệp. Theo ông Vũ, một văn hoá doanh nghiệp mạnh mẽ trong quá khứ không có nghĩa là vẫn đủ tốt ở thời điểm hiện tại.

Đáng chú ý, trong đại dịch, một văn hoá tạo ra sự thích ứng trong thời gian thực mới thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Yếu tố đổi mới và linh hoạt cũng như khả năng thích ứng nhanh cần được đề cao.

Thứ tư là đề cao những giá trị cốt lõi. Đa phần doanh nghiệp đã có giá trị cốt lõi và nhân sự đã thuộc nhưng kinh nghiệm làm về văn hoá doanh nghiệp nhiều năm của ông Vũ cho thấy, giá trị cốt lõi của nhiều công ty chỉ là những thứ nằm trên giấy hoặc treo trên tường mà chưa thực sự đi vào đời sống.

“Nếu những điều bạn làm không giống với những điều bạn nói thì không ai tin. Đây cũng là thời điểm mà những giá trị cốt lõi sẽ được thực hành một cách hiệu quả nhất”, ông Vũ nói.

Cần liên tục nhắc nhở nhân viên về các giá trị cốt lõi phù hợp với thời điểm hiện tại đồng thời điều chỉnh các giá trị và chuẩn mực hành vi không còn phù hợp. Khi đã bị dồn vào chân tường, doanh nghiệp không có nhiều thời gian để do dự.

Thứ năm là chuẩn bị để trở lại mạnh mẽ hơn. Theo ông Vũ, khủng hoảng là cơ hội để tìm kiếm cá nhân phù hợp, những nhân tố tích cực. Đây cũng là lúc đánh giá các giá trị và đóng góp của cá nhân cũng như khả năng, tiềm năng của mỗi người. Trong khó khăn, những cá nhân linh hoạt, thích ứng nhanh và tuân thủ đúng với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp sẽ toả sáng.

Song song với tìm kiếm và đánh giá nhân sự, doanh nghiệp cần chuẩn bị cho sự phục hồi thông qua chuẩn hoá nhận thức của đội ngũ về văn hoá doanh nghiệp và chuẩn hoá quy trình triển khai văn hoá doanh nghiệp.

Ông Vũ lưu ý, những điều doanh nghiệp làm trong thời điểm này cần hướng đến con người, cụ thể là nhân viên. Doanh nghiệp chỉ có thể làm đúng khi hiểu rõ kỳ vọng của họ trong và sau Covid-19.

5 kỳ vọng mới của nhân sự

Làm việc từ xa là điều bắt buộc với nhân sự của các doanh nghiệp trong mùa dịch nhưng cũng là một trong những kỳ vọng của người lao động trong và sau mùa dịch. Họ ưu tiên lựa chọn cách làm việc linh hoạt, có thể làm việc từ xa kết hợp với lên văn phòng.

Họ muốn được linh hoạt trong quản trị thời gian, được tự chủ hơn trong công việc và có sự hỗ trợ của công nghệ và thiết bị khi làm việc từ xa.

Kỳ vọng thứ hai của họ nằm ở việc được giao tiếp thân thiện và cởi mở. Họ muốn được giao tiếp trực tiếp nhiều hơn với lãnh đạo, giảm bớt các giao tiếp trung gian và muốn tiếng nói của mình được lắng nghe.

Nhân sự cũng đề cao cách hợp tác trên tinh thần thấu cảm, gần gũi và cởi mở hơn. Do đó, lãnh đạo bằng sự thấu cảm sẽ trở thành phong cách mới trong việc quản lý tại các doanh nghiệp.

Thứ ba, người lao động kỳ vọng về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Việc làm việc từ xa sẽ giúp giảm bớt áp lực đi lại, kẹt xe trên đường. Cũng nhờ vậy mà họ có thêm thời gian cho gia đình và khả năng tái tạo năng lượng.

Bất chấp sự hỗn loạn của đại dịch, phương thức làm việc từ xa cho phép người lao động được cân bằng hơn, ranh giới và khoảng cách giữa nơi làm và gia đình bị xoá nhoà.

Thứ tư, nhân sự kỳ vọng vào các quyền lợi liên quan đến bảo vệ sức khoẻ và an toàn. Họ muốn một điều kiện làm việc an toàn hơn, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp. Họ muốn được bổ sung các lợi ích về sức khoẻ tinh thần và mở rộng quyền lợi về sức khoẻ cả cho người thân.

Khi không thể kiểm soát bối cảnh bên ngoài thì quay vào kiểm soát bên trong để lan toả năng lượng ra bên ngoài

Ông LÊ QUANG VŨ, CEO Blue C.

Kỳ vọng cuối cùng là sự ổn định trong bình thường mới. Covid-19 cho thấy ngay cả các công ty mạnh cũng hoàn toàn có thể ra đi trong bối cảnh khó khăn. 

Người lao động muốn cập nhật rõ ràng định hướng công ty, kế hoạch duy trì kinh doanh và khả năng đáp ứng linh hoạt trong các tình huống bất thường.

Tuy nhiên ông Vũ lưu ý, sự ổn định trong bình thường mới cũng được quyết định một phần lớn bởi sự tự chủ của mỗi cá nhân. Cả nước nói nhiều về vắc-xin chống Covid nhưng vắc-xin cho tâm hồn cũng quan trọng không kém. Không ai khẳng định được khi Covid-19 qua đi sẽ không có một thảm hoạ khác xảy ra. Do đó, cần nhìn vào bên trong tâm hồn, chữa lành cho bản thân bằng sự yêu thương và từ đó lan toả năng lượng tích cực .

“Khi không thể kiểm soát bối cảnh bên ngoài thì quay vào kiểm soát bên trong để lan toả năng lượng ra bên ngoài”, ông Vũ nói.

Thích ứng với những thay đổi

Theo ông Vũ, có ba việc quan trọng doanh nghiệp cần làm để đáp ứng những thay đổi về mong muốn của nhân sự cũng như duy trì và giúp văn hoá doanh nghiệp vững mạnh trong bối cảnh đại dịch.

Đầu tiên là thay đổi cách làm việc. Người đứng đầu doanh nghiệp cần lãnh đạo bằng mục đích lớn và sự nhân văn. Lãnh đạo nên thực hiện trao quyền và tăng khả năng tự chủ của nhân viên, linh hoạt với chế độ làm việc từ xa. Bên cạnh đó, cần bổ sung các lợi ích tinh thần cho nhân viên song song với việc tăng cường môi trường làm việc số để họ có thể làm việc từ xa một cách linh hoạt và thuận lợi.

Hai là tạo dựng sự gắn kết thông qua văn hoá doanh nghiệp. Trong đó, gắn kết tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của công ty với những gì đang diễn ra, với những hoạt động mà công ty đang làm. Bên cạnh đó là gắn kết về đội ngũ thông qua các nội dung và hoạt động mới mẻ và sáng tạo.

Không kém phần quan trọng, doanh nghiệp nên tăng cường đào tạo và xây dựng chiến lược hướng đến hỗ trợ cho sự linh hoạt và phát triển của tổ chức.

NGUỒN:  Theo Trang The Leader

Link bài: Duy trì….

https://theleader.vn/duy-tri-van-hoa-doanh-nghiep-trong-dai-dich-1627706368948.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *