Trần Quí Thanh
Thưa anh,
Dạo này câu chuyện tinh giản biên chế lại rộ lên. Từ năm 1992 tới giờ thỉnh thoảng lại rộ lên chuyện tinh giản biên chế. Nhưng sau mỗi lần “tinh giản” thì biên chế lại phình to hơn. Cho nên theo tôi vấn đề không phải là tinh giản biên chế, mà là vấn đề làm sao biên chế không phình to lên. Anh nghĩ tôi nói vậy, đúng hông?
Chúc anh mạnh giỏi.
Lê Kiến Quốc (Bình Dương): kienquoc_le2013@gmail.com
—
Chào anh Lê Kiến Quốc,
Anh nói nghe thật thú vị, bây giờ khoan nói đến chuyện tinh giản biên chế, mà đừng làm cho bộ máy phình to thêm đã là một sự thành công của cải cách hành chính.
Anh Quốc nối như vậy là nhìn vào thực tế, thấy rõ trong nhiều năm qua, kêu gào rất nhiều về giảm biên chế, nhưng không giảm lại còn tăng.
Nói vậy thôi, nhưng đã đến lúc không thể không giảm. Bộ máy quá cồng kềnh, hoạt động không hiệu quả, chi tiêu ngân sách lớn, trong khi nợ công của Việt Nam quá cao, vậy thì phải tinh giản biên chế càng sớm càng tốt.
Gần 11 triệu người hưởng lương và 2,5 triệu cán bộ công chức thì không thể nào nuôi nổi. Sự túng quẫn ngân sách hiện nay nói lên điều đó.
Báo chí nói quá nhiều về loạn cấp phó, lạm phát lãnh đạo, có những cơ quan lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Cục, vụ, viện thành lập, địa phương nào cũng chạy đua biên chế. Từ thực trạng đó, chúng ta đưa ra nhiều đề án tinh giản biên chế, mỗi một đề án sử dụng bao nhiêu con người, tốn kém thời gian và tiền bạc, họp hành nhiều cuộc cũng chỉ là đề án. Tại sao phải mất thì như vậy, trong lúc có những thứ cứ bắt tay làm cái rụp là xong.
Cắt cái rụp ngân sách nuôi hội, đoàn. Các tổ chức đoàn thể thu hội phí, đoàn phí mà hoạt động.
Cắt cái rụp những sở, ngành, ban, cục, vụ có chức năng hoạt động chồng chéo, dư thừa.
Nhất thể hóa chức danh lãnh đạo hệ thống đảng và chính quyền.
Quy định tối đa hai cấp phó trong một cơ quan, dứt khoát dẹp ngay được loạn cấp phó. Nước mình có quá nhiều thứ trưởng, so sánh với các nước có nền kinh tế hùng mạnh như Nhật Bản, sẽ thấy chúng ta nhiều bộ, nhiều thứ trưởng hơn họ, tương tự các cấp dưới cũng kéo theo như vậy.
Họ giàu là phải và ta nghèo cũng phải.
Bàn thêm cũng chỉ những điều đã được nói nhiều, nhưng tui xin đưa ra so sánh thế này. Cũng một doanh nghiệp có quy mô tương đương, nhưng doanh nghiệp tư nhân bao giờ cũng tinh gọn nhân sự hơn doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các chức danh lãnh đạo. Từ đó suy ra sẽ thấy tình trạng chung của bộ máy nhà nước.
Anh Quốc thấy có đúng không?
Trần Quí Thanh.
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)