Thế giới đang ở đâu trong cuộc chạy đua tìm vaccine Covid-19?

Huỳnh Dũng  theo Live Science/ Báo Khám phá

Thế giới đã đến đâu trong cuộc chạy đua tìm ra vaccine ngừa một trong những khủng hoảng lớn nhất lịch sử?

Trước làn sóng đại dịch Covid-19 quay trở lại ở nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như tại Đà Nẵng và vài tỉnh thành ở Việt Nam, câu chuyện các loại vaccine tiềm năng có lẽ quan trọng nhất ngay thời điểm này. Cùng tìm hiểu xem thế giới đang lao mình vào công tác chế tạo vaccine Covid-19 như thế nào.

Hơn 6 tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên cảnh báo toàn cầu về một bệnh viêm phổi bí ẩn ở Vũ Hán (Trung Quốc), hiện tại có tổng cộng 166 loại vaccine ứng cử viên đang được phát triển để ngăn chặn đại dịch.

Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết hầu hết các vaccine ứng cử viên đều đang trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng, có nghĩa là chúng vẫn đang được thử nghiệm trên động vật hoặc trong phòng thí nghiệm, nhưng cũng một số ít trong số chúng đã và đang bước vào thử nghiệm giai đoạn ba trên người.

Ảnh minh họa: Westend61/Getty Images.

Các thử nghiệm lâm sàng như vậy được chia thành ba đến bốn giai đoạn, với các giai đoạn đầu gồm 1 và 2. Ở giai đoạn này, người ta sẽ kiểm tra sự an toàn, liều lượng, và các tác dụng phụ có thể có, hiệu quả tác dụng trong việc chống lại mầm bệnh của vaccine trên động vật, môi trường phòng thí nghiệm,…

Sau khi đạt kết quả khả quan từ các thử nghiệm giai đoạn đầu, các chuyên gia sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine ứng cử viên trên cơ thể người, chủ yếu là ở hàng trăm đến hàng ngàn tình nguyện viên, để xem hiệu quả, phản ứng, tác dụng phụ trên cơ thể là như thế nào.

Sau đó, FDA sẽ chấp thuận phát hành vaccine nếu các thử nghiệm cho thấy, nó thực sự an toàn và đem lại hiệu quả cao, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

Hiện các chuyên gia y học trên toàn cầu tận dụng mọi nguồn lực từ chủng virus làm lạnh, các đoạn mã di truyền để chế tạo ra hàng loạt loại vaccine mới chống virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, và họ đang làm điều đó với tốc độ thần tốc chưa từng thấy.

Dưới đây là 6 ứng cử viên vaccine Covid-19 tiềm năng đã được xác nhận và đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn ba trên cơ thể người theo WHO.

1. ChAdOx1 nCoV-19

Vaccine đầu tiên được gọi tên trong danh sách này đó chính là ChAdOx1 nCoV-19, hay thường được gọi là vaccine Oxford. Đây là chế phẩm vaccine đang được phát triển bởi các chuyên gia đến từ trường đại học ở Anh, phối hợp với công ty dược phẩm AstraZeneca.

Theo các chuyên gia, vaccine này được chế tạo từ một phiên bản virus gây cảm lạnh thông thường, được gọi là adenovirus thường hay lây nhiễm cho tinh tinh. Sau đó, họ đã biến đổi gen để virus này không thể sao chép nhân lên ở người, và thêm hẳn vào đó một đoạn gen đặc biệt để mã hóa cơ chế “tăng đột biến protein”, mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để lây nhiễm vào tế bào con người.

Ảnh: Shutterstock.

Về lý thuyết, vaccine sẽ được điều chế với khả năng nhận diện từng cơ chế “tăng đột biến protein” khi một người bị phơi nhiễm với virus, lúc này hệ thống miễn dịch có thể tấn công phá hủy virus trọn vẹn, nhanh chóng kịp thời.

Khi thử nghiệm ChAdOx1 nCoV-19 trên khỉ rhesus, các chuyên gia thấy rằng nó không giúp ngăn khỉ bị nhiễm bệnh khi cố tình cho tiếp xúc với SARS-CoV-2, nhưng bất ngờ nó có thể ngăn virus phát triển bệnh viêm phổi, cho thấy cơ thể đã được bảo vệ một phần nhờ vaccine này.

Hiện các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm vaccine trên người bắt đầu từ ngày 20/7. Hiện bước đầu vaccine không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào ở người tham gia, nhưng cũng gây ra một số tác dụng phụ nhẹ, chẳng hạn như đau cơ và ớn lạnh. Vaccine này khi vào cơ thể lập tức thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra các tế bào T miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 qua cơ chế trung hòa các kháng thể, hoặc các phân tử kháng thể bám vào virus và ngăn chặn nó khỏi các tế bào lây nhiễm.

Các thử nghiệm giai đoạn 3 đã bắt đầu ở Brazil và sẽ tuyển thêm  5.000 tình nguyện viên nữa. Đồng thời, một cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 khác dự kiến sẽ tìm thêm 10.500 người ở Anh và 30.000 ở Mỹ. Anh tuyên bố sẽ trao tới 1,2 tỷ đô la cho AstraZeneca để đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine này, giúp công ty sản xuất ít nhất 300 triệu liều vaccine – nếu nó được chứng minh an toàn và hiệu quả, sớm nhất là vào tháng 10 năm 2020.

2. PiCoVacc

Một loại vaccine ứng cử viên khác là PiCoVacc, được phát triển bởi công ty Sinovac Biotech có trụ sở tại Bắc Kinh gây ngạc nhiên, khi bất ngờ khi có khả năng bảo vệ khỉ raveus khỏi bị nhiễm Covid-19. Công ty này cho biết vaccine rất an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm tiền lâm sàng, và đang chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 với quy mô 8.870 người tham gia tình nguyện ở Brazil.

Vaccine PiCoVacc được tạo thành từ một phiên bản bất hoạt của virus SARS-CoV-2. Nói rõ hơn, vaccine bất hoạt này là phiên bản chết của mầm virus gây bệnh. Theo cơ quan y tế của Anh, các loại virus bất hoạt như vaccine cúm hoặc vaccine viêm gan A thường không có tác dụng bảo vệ lâu dài như vaccine làm từ virus sống và có thể phải cần tiêm lại nhiều lần theo thời gian.

Virus SARS-CoV-2 sử dụng cơ chế protein tăng đột biến để xâm chiếm các tế bào con người. Ảnh: Shutterstock.

Ngược lại, vaccine Oxford ở trên là một dạng vaccine làm từ virus sống yếu, có thể tạo ra các phản ứng miễn dịch lâu dài trên cơ thể, nhưng có xu hướng nguy hiểm hơn đối với những người có hệ miễn dịch yếu, hoặc đang các vấn đề sức khỏe khác.

Sinovac hiện đã bắt đầu thử nghiệm ở 743 người trưởng thành khỏe mạnh vào tháng 4 tại tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Họ đã cho những người tham gia hai liều vaccine PiCoVacc, cách nhau hai tuần và báo cáo rằng, vaccine này không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Các tác giả nghiên cứu cũng cho biết, hơn 90% người tham gia đã phát triển kháng thể trung hòa với vaccine, hai tuần sau khi nhận được liều thứ hai. Tuy nhiên, kết quả của họ chỉ được báo cáo trong một thông cáo báo chí và chưa được công bố trên một tạp chí đánh giá y khoa uy tín, nổi tiếng nào.

Hiện Công ty sinh học Sinovac Biotech cũng đang tiến hành thử nghiệm trên người cao tuổi, sau đó sẽ tiến hành thử nghiệm trên trẻ em và cuối cùng là đối tượng thanh thiếu niên.

3. mRNA-1273

Vaccine ứng cử viên mRNA-1273 được phát triển bởi công ty công nghệ sinh học Hoa Kỳ Moderna, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID). Cho đến nay, vaccine của Moderna dựa trên một công nghệ chưa từng được sử dụng trong bất kỳ loại vaccine nào được phê duyệt. Đó là dùng một mảnh vật liệu di truyền gọi là mã RNA thông tin (mRNA).

Ảnh: Shutterstock.

Trước giờ, vaccine truyền thống được tạo thành từ các virus sống yếu hoặc bị bất hoạt, hoặc protein của chính các virus đó để kích hoạt phản ứng miễn dịch, tuy nhiên, vaccine mRNA lại được tạo thành từ vật liệu di truyền đặc biệt có khả năng “dạy” cho các tế bào tự xây dựng hàng phòng thủ trước cơ chế “protein tăng đột biến” do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Cả vaccine truyền thống và mRNA đều kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể, để nếu một người tiếp xúc với virus một cách tự nhiên, lúc này cơ thể có thể nhanh chóng nhận ra và chống lại nó ngay lập tức.

Cũng theo trang National Geographic, các loại vaccine mRNA này có một số ưu điểm, bao gồm phát huy tính dược lực học nhanh hơn, và dễ sản xuất hơn so với vaccine truyền thống, nhưng có thể phải mất thời gian khá lâu để phát triển, vì các nhà khoa học phải làm bất hoạt toàn bộ mầm bệnh ẩn chứa trong các đoạn mã mRNA đó.

Điểm cộng khác cho dạng vaccine mRNA này đó là nó cũng có thể bền hơn trong việc chống lại mầm bệnh có xu hướng đột biến nhanh, chẳng hạn như virus SARS-CoV-2 hay virus cúm. Tuy nhiên, vaccine mRNA có thể gây ra phản ứng bất lợi trong cơ thể, phá vỡ sự ổn định mức cân bằng sinh học trong cơ thể khá nhanh, điều này cũng góp phần làm hạn chế sức mạnh của khả năng miễn dịch.

Vaccine mRNA đã được chứng minh là “một sự thay thế đầy hứa hẹn” cho vaccine truyền thống, nhưng việc ứng dụng thực tế của nó vào cơ thể gần đây đã bị cản trở, bởi tác dụng phụ làm mất tính ổn định, cân bằng sinh học cơ thể.

Tuy nhiên, với trình độ công nghệ y học tân tiến như hiện nay, các vấn đề trên đã dần được khắc phục ở kiểu vaccine này. Đã có nhiều vaccine mRNA chống lại các bệnh truyền nhiễm và một số loại ung thư, cho ra kết quả thử nghiệm đáng khích lệ ở cả mô hình động vật và con người.

Ảnh: Shutterstock.Tuần trước, Moderna đã công bố kết quả ban đầu sau khi thử nghiệm mRNA-1273 ở 45 người tham gia trên Tạp chí Y học New England. Những người tham gia này được chia thành ba nhóm và được tiêm vaccine liều thấp, trung bình hoặc cao. Sau khi nhận được hai liều vaccine, tất cả những người tham gia đã phát triển các kháng thể trung hòa ở mức cao hơn mức trung bình, cho thấy có dấu hiệu hồi phục.

Vaccine này có vẻ an toàn và dung nạp tốt, nhưng hơn một nửa số người tham gia có một số tác dụng phụ, bao gồm mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ và đau tại chỗ tiêm. Còn một số người tham gia khác trong nhóm liều trung bình và cao lại bị sốt sau lần tiêm thứ hai.

Duy nhất chỉ có một người nhận được liều cao nhất đã trải qua một cơn sốt “nghiêm trọng”, buồn nôn, chóng mặt và phải ngất xỉu. Nhưng sau tất cả, những người tham gia này cảm thấy tốt hơn sau một ngày rưỡi. Trước mắt, vaccine liều cao như vậy sẽ không được thử cho các tình nguyện viên tham gia trong các thử nghiệm tới.

Thử nghiệm giai đoạn 3 loại vaccine này tiếp tục sẽ được thực hiện trên khoảng 30.000 người tham gia vào cuối mùa hè này – và sẽ công bố kết quả đầu tiên từ thử nghiệm vào tháng 11 tới. Đặc biệt hơn, vào tháng 4, dưới Chiến dịch Warp Speed, Cơ quan y tế Anh đã cam kết chi tới 483 triệu đô la để phát triển loại nhanh vaccine của Moderna.

4. Vaccine chế phẩm virus adenovirus

Công ty CanSino Biologics đã phối hợp với Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh phát triển một loại vaccine ứng cử viên sử dụng một loại virus adenovirus suy yếu. Không giống như vaccine Oxford, loại virus adenovirus lây nhiễm cho tinh tinh sẽ được thử nghiệm trên cơ thể người.

Cùng với Moderna, nhóm này cũng đã công bố kết quả từ thử nghiệm vào ngày 20 tháng 7 trên tạp chí The Lancet. Cuộc thử nghiệm được tiến hành tại Vũ Hán (nơi xuất hiện các trường hợp Covid-19 đầu tiên), ở 508 người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên được nhận một trong hai liều vaccine hoặc giả dược khác nhau.

Ảnh: WPTV.

Kết quả không tìm thấy các tác dụng phụ nghiêm trọng nào, mặc dù một số tình nguyện viên báo cáo có phản ứng sốt, mệt mỏi và đau tại chỗ tiêm chỉ ở mức độ nhẹ. Sau tiêm, khoảng 90% những người tham gia đã phát triển các phản ứng tế bào T, và khoảng 85% đã phát triển các kháng thể trung hòa trong cơ thể để đối phó lại bệnh Covid-19.

Kết quả bước đầu này là nền tảng quan trọng để vaccine có thể được thử nghiệm ở quy mô nhóm người tham gia lớn hơn, rộng rãi hơn bên ngoài Trung Quốc. Từ đó mới có căn cứ để đánh giá thực sự về tính hiệu quả và an toàn vaccine này.

5. Vaccine dược phẩm Sinopharm

Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc Sinopharm thuộc sở hữu nhà nước có hai loại vaccine làm bất hoạt SARS-CoV-2, nhưng được phát triển bởi Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh và Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán. Những vaccine này có thể sẵn sàng áp dụng cho công chúng sử dụng vào cuối năm 2020.

Bên tròng phòng lab của Sinopharm. Ảnh: CCTV.

Vaccine của Sinopharm đã bắt đầu bước vào thử nghiệm giai đoạn 3, được tiến hành tại Abu Dhabi với tối đa 15.000 tình nguyện viên, những tình ngyện viên này sẽ được tiêm một trong hai chủng vaccine trên hoặc giả dược. Họ sẽ được tiêm hai liều cách nhau ba tuần vào theo dõi liên tục.

6. Fosun của Pfizer và BioNTech

Pfizer và công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech giống như Moderna đã chung tay phát triển một loại vaccine sử dụng mã RNA thông tin để thúc đẩy hệ thống miễn dịch nhận ra virus SARS-CoV-2. Theo dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 1 và 2, vaccine này không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, và có thể thúc đẩy phản ứng miễn dịch.

Cụ thể, có 45 bệnh nhân trong thử nhiệm này được tiêm vaccine ứng cử viên này hoặc giả dược. Không ai trong số các bệnh nhân có tác dụng phụ nghiêm trọng, nhưng một số khác báo cáo có tác dụng phụ như sốt (75% ở nhóm liều cao nhất), mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ và đau khớp ở mức độ nhẹ.

Các chuyên gia cũng phát hiện ra rằng, vaccine này khi vào cơ thể đã thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể trung hòa ở mức cao gấp 1,8 đến 2,8 lần, so với các loại kháng thể trung hòa được tìm thấy ở những bệnh nhân đã hồi phục từ Covid-19. Sau đó, Pfizer đã công bố kết quả mới cho thấy rằng, vaccine này cũng thúc đẩy sản xuất tế bào T đặc hiệu kháng lại Covid-19.

Vừa qua, chính quyền Tổng thống Trump đã công bố một hợp đồng trị giá 1,95 tỷ đô la với Pfizer và BioNTech để sản xuất ít nhất 100 triệu liều vaccine của họ vào cuối năm nay, nếu nó được chứng minh là an toàn và hiệu quả, và người Mỹ sẽ nhận được vaccine miễn phí. Trước đó, hai công ty này cũng đã công bố một thỏa thuận với Vương quốc Anh về trữ lượng 30 triệu liều vaccine này, nếu nó thực sự hoạt động và được chấp thuận phát hành.

7. Vaccine của Nga sẽ được giới thiệu đầu tháng 8

Loại vaccine ngừa Covid-19 do Viện Gamaleya có trụ sở tại thủ đô Moscow và Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) phối hợp bào chế, có thể được phê duyệt cho sử dụng trong vòng từ 3 đến 7 ngày sau khi các nhà quản lý hoàn tất thủ tục đăng ký. Vaccine ngừa Covid-19 của Viện Gamaleya sẽ được tiêm cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch bệnh ngay sau khi được chuẩn thuận cho sử dụng.

Ảnh: Reuters.

Vaccine dự kiến sẽ được đăng ký vào tháng tới, có nghĩa là Viện Gamaleya sẽ vẫn cần tiến hành thử nghiệm trên 1.600 người khác. Phó thủ tướng Nga, bà Tatyana Golikova cho hay việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 sẽ bắt đầu vào tháng 9.

NGUỒN: Theo Báo Khám Phá

Link bài: Thế giới….

(http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/the-gioi-dang-o-dau-trong-cuoc-chay-dua-tim-vaccine-covid-19-c7a769811.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *