Gỡ giải ngân đầu tư công, trước hết là sửa ngay các bất cập đã phát hiện

Báo Đầu Tư – Kỳ Thành

Theo ghi nhận thực tế tại các địa phương và hiệp hội, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

,
Hội thảo chuyên đề 3 “Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5

Nguồn vốn “mồi” dẫn dắt tăng trưởng và phát triển kinh tế

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 3 “Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã góp phần quan trọng vào xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, cung ứng tốt hơn các dịch vụ công, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Nhiều công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành đã giúp xử lý những điểm nghẽn, giải quyết những nhu cầu bức thiết về giao thông vận tải, thông tin truyền thông, phòng, chống và khám chữa bệnh, bảo tồm phát huy giá trị văn hóa… trong đời sống kinh tế, xã hội, thúc đẩy sự phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Tuy chiếm tỷ lệ khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 5-6% GDP nhưng vốn đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một mặt vừa đóng góp trực tiếp vào tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế… một mặt vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế GDP cho đất nước, mặt khác gián tiếp đưa tiền vào thị trường để kích thích tổng cung, tổng cầu, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động và cải thiện cơ sở hạ tầng, gián tiếp giúp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội mạnh hơn, nhất là sau những cú sốc về khủng hoảng, suy thoái, dịch bệnh…

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2022 thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh cùng những yếu tố mới xuất hiện, nằm ngoài dự báo, đồng thời là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nên cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, năm có số vốn cần giải ngân khá lớn, tăng 26% (120 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2021 và cũng là năm chịu tác động của nhiều yếu tố từ bên ngoài dẫn tới giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế… tăng cao.

Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, kết quả giải ngân 11 tháng năm 2022 đã đạt được kết quả khá tích cực. Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN từ đầu năm đến ngày 30/11/2022 là 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây.

Năm 2022, NSNN tiếp tục tập trung, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng nhằm hỗ trợ các vùng phát triển theo các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, tạo ra các khu vực và cực tăng trưởng mới.

Đến nay, đã đưa vào sử dụng một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Cao Bồ – Mai Sơn, đoạn La Sơn – Túy Loan, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Trung Lương – Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm 2; đang đôn đốc, phấn đấu cơ bản hoàn thành 361 km đường cao tốc Bắc – Nam trong năm 2022 (Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây); khởi công xây dựng sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sân bay Phan Thiết…

.
Vốn đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. (Ảnh: Anh Minh)

Vẫn còn nhiều vướng mắc chưa giải quyết

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế tại các địa phương và hiệp hội, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Về góc độ pháp lý, ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, quy trình, thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA theo quy định pháp luật còn phức tạp; thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, thủ tục gia hạn, đàm phán, ký kết Hiệp định vay còn mất nhiều thời gian. Vẫn còn một số vướng mắc khi thực thi các quy định liên quan đến nguồn vốn đầu tư công, vốn ODA như về thẩm quyền, quy trình thực hiện các nội dung điều chỉnh, còn vênh giữa Luật Đầu tư công, Luật đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, các quy định liên quan thực hiện các dự án ODA.

Bên cạnh các vấn đề có tính khách quan nêu trên, ông Chánh cũng nhìn nhận công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng có một số tồn tại xuất phát từ công tác quản lý của Thành phố.

Do trong năm 2021, Thành phố tập trung mọi nguồn lực để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 nên các công tác về bồi thường, trong đó có việc tiếp xúc người dân, khảo sát, kiểm đếm,… nên việc thực hiện các thủ tục, các bước trong công tác bồi thường chưa thể thực hiện được ngay, phải kéo dài và thực hiện sang năm 2022. Do đó, trong năm 2022, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phải tập trung thực hiện thủ tục trong các tháng đầu và giữa năm, việc giải ngân số vốn bố trí cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là rất hạn chế và dồn vào cuối năm 2022.

Theo ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, công tác giải phóng mặt bằng là điểm mấu chốt trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Qua rà soát công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung, có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nhưng đa phần là do vướng mắc về đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất, di dời hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông, sự đồng thuận của người dân về phương án đền bù… là điểm nghẽn lớn trong việc triển khai thực hiện dự án.

Hay một nguyên nhân khác cũng được ông Đào Minh Chánh chỉ ra là công tác dự báo của chủ đầu tư chưa sát với yêu cầu và năng lực triển khai nên đăng ký kế hoạch vốn lớn hơn khả năng có thể giải ngân. “Năng lực của một số chủ đầu tư chưa đảm bảo, công tác phối hợp nhà thầu chưa chặt chẽ, chưa theo sát tiến độ triển khai, khi có vấn đề phát sinh chưa chủ động đề xuất giải pháp để giải quyết, một số nhà thầu cố tình chậm, chây ì do tâm lý càng làm càng lỗ”, ông Chánh cho hay.

Từ góc độ nhà thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, các nhà thầu đang rất khó khăn do vướng mắc trong vấn đề đơn giá, định mức. Theo ông Hiệp, hệ thống đơn giá định mức đang áp dụng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập không phù hợp thực tế khiến các nhà thầu quá thua thiệt. Đối với các công tác đã có trong định mức của Bộ Xây dựng nhưng khi áp dụng đơn giá đầu vào, nhân công, máy của địa phương để lập dự toán công trình thì quá thấp so với thực tế doanh nghiệp phải chi trả.

“Có nhà thầu như Vinaconex vừa bắt đầu triển khai gói thầu cao tốc khi so sánh đơn giá gói thầu được duyệt và chi phí thực tế phải triển khai đã thấy chắc sẽ phải lỗ khoảng 40% nhưng không làm thì không có việc cho cán bộ nhân viên”, ông Hiệp nêu thực trạng.

6 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Dự báo tình hình thế giới năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, lạm phát duy trì ở mức cao; quan điểm điều hành chính sách của nhiều quốc gia thay đổi nhanh, mạnh; thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản toàn cầu gặp nhiều khó khăn…, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, trong bối cảnh đó, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các bộ, ngành, địa phương, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025). Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Trong khi đó, hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế đã tồn tại từ lâu, chưa xử lý được trong thời gian ngắn như công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu.

“Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương”, ông Phương nhấn mạnh.

Nêu một số giải pháp cần tập trung trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, có nhiều yếu tố tác động đến đầu vào của hoạt động đầu tư công.

Thứ hai, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.

Thứ ba, khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.

Thứ tư, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2023, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra.

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hình thức hợp tác công tư. Thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt trong năm 2023 các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch.

Thứ năm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Cuối cùng, cần thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện công tác lập kế hoạch để nâng cao nhận thức của đội ngũ này, cập nhật các chính sách, chế độ, phương pháp lập kế hoạch mới.

Nguồn: https://baodautu.vn/go-giai-ngan-dau-tu-cong-truoc-het-la-sua-ngay-cac-bat-cap-da-phat-hien-d180458.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *