Gói hỗ trợ: Đừng bỏ sót một ai

TS Nguyễn Minh Hoà/ Báo Tuổi Trẻ

Tại kỳ họp thứ nhất HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua việc xuất ngân sách hỗ trợ những người bị tác động bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí khoảng 886 tỉ đồng.

Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ thứ nhất, lần này gói hỗ trợ mở rộng đối tượng được thụ hưởng ra nhiều hơn, đặc biệt là những người lao động tự do lên đến 230.000 người.

Theo tính toán, 230.000 người được hỗ trợ lần này là người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố, thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; làm công tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe phải tạm ngừng hoạt động. 

Mỗi người được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Số tiền hỗ trợ này rất nhỏ, nhưng “một gói khi đói” vẫn rất quý, trong khi nguồn ngân sách có hạn.

Vấn đề là làm sao số tiền này dù ít ỏi vẫn đến được bà con một cách nhanh nhất và không bỏ sót một ai.

Nếu theo cách làm như hiện nay, tổ trưởng dân phố lập danh sách bà con thuộc diện khó khăn cần hỗ trợ sống trên địa bàn của khu phố, sau đó danh sách này được trình lên hội đồng xét duyệt cấp phường, xã thông qua (thời gian 3 ngày), rồi qua bước thẩm định và phê duyệt tiếp theo ở cấp quận, huyện (2 ngày) thì chắc chắn sẽ có rất nhiều bà con không lọt được vào danh sách thụ hưởng.

Thực tế cho thấy những người lang thang cơ nhỡ, những người bán hàng rong, những người sống bên lề xã hội nhiều hơn con số thống kê mà Sở LĐ-TB&XH đưa ra, bởi họ không thuộc nhóm “cư trú hợp pháp”. 

Rất nhiều người thuộc diện lao động tự do cư trú đã lâu trên địa bàn phường, tổ dân phố đều biết, nhưng họ lại không có giấy tạm trú. 

Một bộ phận dân cư khác không có nơi ở cố định, nay đây mai đó, người làm thợ hồ thì theo công trình, một số người bán hàng rong, chạy xe ba gác, lượm ve chai, bán vé số, thợ “đụng”, ăn xin ngày đi tìm kế mưu sinh, tối tìm đến gầm cầu, vỉa hè ngả lưng qua đêm.

Như thế, đúng là họ không có giấy tạm trú và không có nơi ở cố định nhưng dầu gì họ cũng là người sống trên địa bàn thành phố, nói cho cùng họ cũng có những đóng góp nhất định. Do vậy, việc thành phố hỗ trợ họ trong những ngày dịch này cũng là trách nhiệm và truyền thống của một “thành phố nghĩa tình”.

Đúng là hoàn cảnh ở VN không dễ triển khai các gói cứu trợ này như ở các nước tiên tiến, chỉ sau vài ngày là tài khoản của người dân có ngay số tiền hỗ trợ từ chính phủ do hệ thống tài chính và quản lý xã hội của họ hoàn thiện hơn. 

Tuy nhiên nếu TP.HCM vận dụng linh hoạt, chẳng hạn ngoài hệ thống hành chính, Mặt trận Tổ quốc… còn có thêm các tổ chức thiện nguyện, lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên tham gia thì độ phủ sẽ rộng hơn. 

Người của chính quyền khó đi đến gầm cầu, công viên, vỉa hè (nhất là vào ban đêm), các xóm nhà trọ không có số nhà, người lấy xe ba gác làm giường qua đêm… nhưng các bạn trẻ thiện nguyện sẽ làm được. 

Cách trợ giúp không chỉ là tiền mặt mà có thể là thực phẩm, đồ ăn, có thể biến thành gạo cho các cây ATM, thành suất ăn thiện nguyện… Sự linh hoạt, cơ động ấy có thể có sơ suất, nhưng số người thụ hưởng nhiều hơn, nhanh hơn và chắc là tốt hơn kiểu “đúng mà không trúng”.

Trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng”, rất nhiều người nghèo đã thực sự kiệt sức, không thể trụ thêm được nữa thì một sự tiếp sức từ chính quyền, từ cộng đồng xã hội là điều trân quý biết bao, trước là không đứt bữa, sau là làm cho họ không thấy bị tủi thân là công dân hạng hai đứng ngoài lề xã hội. 

Họ là ai, dù không có tên trong bất cứ danh sách nào trong hệ thống hành chính của TP.HCM thì họ cũng là con dân nước Việt.

NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Gói hỗ trợ…

https://tuoitre.vn/goi-ho-tro-dung-bo-sot-mot-ai-20210708080027581.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *