Linh Khoa/ Báo Doanh nhân Saigon
—–
Sau vụ gạo ST 25 của kỹ sư Hồ Quang Cua bị đe dọa cướp thương hiệu, các doanh nghiệp Việt Nam mới giật mình khi nghĩ về sản phẩm của mình. Tất nhiên là đối với sản phẩm trí tuệ, có hàm lượng chất xám cao.
Mấy hôm nay, các bạn trẻ gửi thư cho tui, trao đổi về đề tài này rất sôi nổi, đó là tín hiệu vui. Với kinh nghiệm của mình trong mấy chục năm làm doanh nghiệp và sở hữu nhiều sản phẩm sáng tạo, xin chia sẻ với các bạn vài kinh nghiệm.
Khi có sản phẩm trí tuệ, công trình nghiên cứu, thì việc đầu tiên là đăng ký sở hữu trí tuệ. Không ai biết tất cả, cho nên phải hợp đồng với công ty luật chuyên ngành để có sự tư vấn hiệu quả nhất.
Phải biết tài sản trí tuệ của mình là gì và phải biết định giá tài sản đó. Khi định giá được thì phải biết cách bảo vệ tài sản của mình.
Bảo hộ thương hiệu cũng là một cách để bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Nếu như không có sự chuẩn bị nghiêm túc, thực hiện đúng pháp luật quốc tế và thông lệ của sân chơi thế giới, thì sẽ mất chính tài sản của mình, và gạo ST 25 của kỹ sư Hồ Quang Cua là điển hình sinh động.
Trong giới khởi nghiệp hiện nay và sắp tới, chủ yếu là tạo ra các sản phẩm trí tuệ, và chỉ có sản phẩm trí tuệ mới giúp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bứt phá lên “top” đầu thế giới, đồng thời để cho nền kinh tế quốc gia có mặt trên bản đồ kinh tế của các quốc gia phát triển. Cho nên, sự bảo đảm về tài sản trí tuệ là điều phải tính đến, bằng một chiến lược riêng của từng doanh nghiệp và chiến lược chung của quốc gia.
Tui muốn nói đến chiến lược quốc gia về bảo vệ tài sản trí tuệ chính là yêu cầu sự hỗ trợ từ các cơ quản quản lý nhà nước, các cơ quan đó phải có trách nhiệm hướng dẫn, giúp cho doanh nghiệp biết cách tự bảo vệ mình.
Đừng quên rằng, tài sản trí tuệ của một cá nhân, một doanh nghiệp chính là tài sản của đất nước này.
Trần Quí Thanh
—–
Theo ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý KH&CN Cơ sở – Sở KH&CN TP.HCM, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM chưa thể khai thác tài sản trí tuệ, thậm chí không ít doanh nghiệp chưa định hình được hoạt động sở hữu trí tuệ là chức năng thuộc bộ phận/phòng ban nào trong sơ đồ tổ chức đơn vị.
“Số liệu cho thấy việc hạch toán tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp đang còn rất hạn chế, dù số lượng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở TP.HCM đang chiếm đến 40% tổng số đơn cả nước”, ông Sơn nhấn mạnh.
Thực tế, trở ngại lớn nhất khiến doanh nghiệp không mặn mà với tài sản trí tuệ là do thủ tục đăng ký trước đây có phần phức tạp, chia theo quốc gia bảo hộ nên tốn nhiều chi phí. Điều này cũng dẫn đến việc doanh nghiệp “ngại” xuất khẩu công nghệ ra thị trường nước ngoài.
Chuyên gia Willimott Peter, đến từ văn phòng Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Singapore đồng quan điểm đó, và đồng thời cho rằng trở ngại nêu trên đã không còn là vấn đề khó bởi WIPO đang triển khai nhiều hệ thống đăng ký tài sản trí tuệ như Patent Cooperator Treaty (ở 153 quốc gia), Madrid Protocol (ở 124 quốc gia), Hague (ở 91 quốc gia), Lisbon (ở 34 quốc gia).
Theo đó, doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ cần nộp một đơn, đóng phí là có thể tìm kiếm sự bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nhiều quốc gia, tạo lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ ở quy mô toàn cầu.
Cơ hội chào bán tài sản trí tuệ
Được biết, từ việc tăng cường nhận diện và biết cách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhiều giảng viên tại Việt Nam sau khi có nghiên cứu khoa học thành công, đã bắt đầu đủ tự tin thành lập doanh nghiệp, tạo sản phẩm mẫu để tăng cơ hội chào bán tài sản trí tuệ. Sự thay đổi bắt nguồn từ những chương trình tập huấn sở hữu trí tuệ, tăng tốc startup của TP.HCM dành cho nhóm đối tượng là giảng viên – sinh viên các trường đại học – cao đẳng.
Tại tọa đàm, bà Hoàng Thu Yến, Giám đốc công ty Cổ phần thương mại sản xuất Hoàng Thu Yến chia sẻ trường hợp doanh nghiệp của mình từng gặp rất nhiều khó khăn khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ vì quá trình đăng ký có nhiều hồ sơ, thủ tục nên phải thuê dịch vụ bên ngoài. Tuy nhiên, việc thuê ngoài này lại dẫn đến việc bị tư vấn sai lệch, kết quả đăng ký thất bại.
“Vậy có cách nào để đơn giản hóa quy trình đăng ký hay không?”, bà Yến nêu vấn đề. Giải đáp thắc mắc này, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết hiện nay Cục đã phát triển chương trình “LA HAY”giúp các doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát quy trình, hồ sơ đăng ký bảo hộ không những trong mà còn ở ngoài nước, để có thể xác định đúng đối tượng, hạng mục cần đăng ký các doanh nghiệp nên trực tiếp gửi yêu cầu tư vấn đến Cục. Tuy nhiên vì mang tính pháp lý cao nên việc hồ sơ cần chuẩn bị phức tạp là điều khó tránh khỏi, đây là các căn cứ để bảo vệ quyền của chủ sở hữu trong các trường hợp tranh chấp.
Gần hai năm trước, rào cản về kế hoạch kinh doanh lẫn kinh nghiệm thương mại hóa tài sản trí tuệ đã buộc ông Trần Chí Thành – Công ty TNHH MTV Sắc Mộc Tinh phối hợp với nhiều bên để đưa ra thị trường sản phẩm nghiên cứu của mình. Điều này khiến lợi ích mà nhà khoa học thu được không đáng kể so với công trình sáng tạo đã tìm ra. Sau khi tham gia các buổi tập huấn về sở hữu trí tuệ và hỗ trợ startup tăng tốc do Sở KH&CN TP.HCM triển khai, ông Trần Chí Thành và cộng sự quyết định tự mình khởi nghiệp ở sản phẩm BS.Râu, tạo lợi thế cạnh tranh bằng chiến lược bí mật công thức sản xuất, chỉ giới thiệu sản phẩm mẫu để quảng bá nhằm tránh bị lộ công thức trong hồ sơ gọi vốn.
“Công thức bí mật hiện được doanh nghiệp này chào bán với mức giá không dưới 10 tỷ đồng”, đại diện công ty Sắc Mộc Tinh chia sẻ.
Ảnh minh họa
Tương tự như ông Trần Chí Thành, ông Lưu Xuân Cường (Công ty Cổ phần Quốc Tế AOTA) và cộng sự quyết định làm chủ quy trình sản xuất khép kín tinh dầu, trong đó giữ độc quyền công nghệ phân đoạn. Thông qua các chương trình hỗ trợ của TP.HCM về đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và giao thương, doanh nghiệp này hiện không bán quy trình công nghệ, chỉ tập trung cầu tìm đối tác để phối hợp mở rộng sản xuất và phát triển kinh doanh.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: Hạch toán…
https://doanhnhansaigon.vn/