Hai bài học từ một cuộc cạnh tranh

Nguồn: Internet

Thưa anh,
 
Em là nhà giảng viên kinh tế, chuyên bàn luận các vấn đề nảy sinh trên thương trường ở các tạp chí kinh tế trong và ngoài nước. Anh là một tỉ phú dollar chắc chắn có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề kinh doanh. Em muốn hỏi anh một câu hỏi thôi ạ.         

Cuộc cạnh tranh giữa các hãng taxi truyền thống với Uber, Grab đã đến hồi khốc liệt. Với kinh nghiệm của người làm doanh nghiệp lâu năm, anh dự đoán taxi truyền thống sẽ có đọ lại với Uber, Grab hay không? Qua cuộc cạnh tranh này anh rút ra được bài học gì?
 
Rất mong hồi đáp của anh.
 
Kính
 
Hoàng Thị Thư (Hà Nội): thuhotay2007@gmail.com
 

—–

Chào chị Thư,
 
Câu hỏi của chị rất hay, đụng đến vấn đề tui đang quan tâm. Chẳng phải tỉ phú, triệu phú gì đâu, tui vốn hay quan sát thị trường. Cứ mỗi lần quan sát đời sống của thị trường, những chuyển biến của các doanh nghiệp, tui suy nghĩ và ghi lại đôi điều, từ đó tự rút ra bài học cho mình.

Vì thế tui từng đưa ra dự đoán taxi truyền thống sẽ không đọ lại với Uber, Grab. Dự đoán này không khó, ai cũng nhìn thấy điều đó, đặc biệt là chính các doanh nghiệp kinh doanh taxi.

Đơn giản vì, taxi truyền thống chịu nhiều quy định của các cơ quan quản lý, nhưng Uber, Grab thì không. Ví dụ, các hãng taxi truyền thống phải đảm bảo việc điều chỉnh giá khi xăng dầu lên xuống, phải kiểm tra định đồng hồ tính tiền,  đồng phục, logo, thuế…  còn Uber và Grab thì vô tư. Một anh công chức có xe hơi, sau giờ đi làm có thể tham gia vận chuyển khách, không chịu sự quản lý nào của cơ quan nhà nước.
 
Vì bỏ qua được các quy định, cho nên cước phí của Uber, Grab đương nhiên thấp hơn, khách hàng sẽ lựa chọn Uber hoặc Grab thay cho taxi truyền thống. Đó là quy luật về giá trên thương trường, không có gì phải ngạc nhiên. Chưa kể, khi một sản phẩm dịch vụ ra đời, mang lại lợi ích cho cộng đồng, đó cũng là một sự đóng góp hữu ích, còn chuyện quản lý làm sao để tạo sự công bàng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường và không để thất thu thuế là việc của cơ quan quản lý.
 
Câu hỏi thứ hai của chị, xin nói luôn tui cũng đã rút ra hai bài học như sau:
 
Trước hết là sức mạnh của công nghệ. Từ trước đến nay, đã có nhiều cuộc cách mạng công nghệ làm đảo lộn thế giới, nhiều sản phẩm truyền thống chết đột tử không kịp trăn trối. Tui lấy ví dụ như hãng phim Kodak của Mỹ từng là ông vua của thế giới, nhưng khi máy ảnh kỹ thuật số ra đời, Kodak chết ngay lập tức. Diện thoại di động Nokia cũng vậy, khi điện thoại thông minh xuất hiện, coi như Nokia đưa đi khâm liệm không một tiếng kèn đưa tiễn.
 
Vậy thì, sẽ không ai thể cưỡng lại sức mạnh của công nghệ tiên tiến, những sản phẩm lỗi thời với kỹ thuật công nghệ  lạc hậu dù có cố bảo vệ bằng chính sách của nhà nước cũng không thể tồn tại được. Quy luật phát triển loại trừ tất cả những giá trị cũ, và đó cũng là mong ước của con người.
 
Như vậy, thay đổi công nghệ, tìm ra cái mới là sự cốt tử của doanh nghiệp. Nếu không chịu thay đổi, chắc chắn sẽ bị loại trừ.
 
Bài học thứ hai là khoa học quản trị, và cách quản trị này cũng sinh ra từ sản phẩm công nghệ. Nếu như taxi truyền thống xây dựng một bộ máy cồng kềnh để tổ chức kinh doanh, quản lý tài xế, tính toán cước phí, thì Uber và Grab sử dụng  một phần mềm. Chỉ thế thôi thì đã biết ai ăn ai trên thị trường.
 
Từ góc nhìn đó, tui thấy nếu như mình không thay đổi cách quản trị, hay nói đúng hơn không tiếp cận được những công nghệ hiện đại số  để sản xuất kinh doanh và quản lý doanh nghiệp thì sẽ bị các đối thủ mạnh hơn lấn lướt. Tân Hiệp Phát đầu tư công nghệ sản xuất nước uống số 1 thế giới mới tồn tại được như hôm nay, cạnh tranh ngang hàng  với những gã khổng lồ như Coca Cola và Pepsi. Nhưng tui vẫn luôn tìm tòi, quyết tâm thay đổi không ngừng.
 
Sẽ không nhà nước nào cứu được doanh nghiệp nếu như chính mình không tự nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, không tiếp cận công nghệ mới, không có một hệ thống quản trị hiện đại và hiệu quả. Vậy đó, thưa chị. 
 
Cảm ơn chị Thư đã hỏi để tui có cơ hội nói lên quan điểm của tui.
 
Chúc chị vui khoẻ.
 
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)
 
P/S: Gửi chị bài báo về vấn đề mà chị quan tâm.

Link bài: Taxi truyền thống "chết" không phải do Uber, Grab mà vì chính sách

 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *