Bức tâm thư của tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi các nhà giáo ngay sau ngày nhậm chức có nhiều thông điệp. Thế nhưng, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, vẫn còn những điều trăn trở khác.
Cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng coi “Giáo dục như một trận đánh lớn” và đưa ra 8 nhiệm vụ khi nhậm chức hồi tháng 4.2010. Người tiếp nối là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì lại nói: “Tôi quan niệm giáo dục không phải là một trận đánh, giáo dục là con người”, nhưng ông cũng nói thêm, rằng “Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì lúc đó mới thắng lợi, còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn là thất bại”.
Nghĩa là vẫn có chuyện “thắng- bại” trong giáo dục.
Với tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, lại là hai chữ “Vinh quang”. Thầy viết “Ngành giáo dục, nghề làm thầy của chúng ta là một nghề vinh quang. Nhiệm vụ càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, yêu cầu càng cao thì vinh quang đó càng lớn”.
Không ai phủ nhận vinh quang ấy, nhưng nó sẽ được vun đắp từ đâu?
Bởi vì vẫn còn đó những thầy cô tự coi mình là những thợ dạy chứ không phải là những “kỹ sư tâm hồn”.
Bởi vì vẫn còn đó những thầy cô sáng lên lớp, chiều đội nón bán rau, tối soạn giáo án.
Bởi vì vẫn còn đó những thầy cô phải “lén lút” dạy thêm…
Tất cả là bởi lương giáo viên chưa đủ sống.
Nhiệm kỳ trước Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã công bố trước Quốc hội: Cả nước có khoảng 1 triệu giáo viên, trong đó có 400.000 giáo viên tiểu học với mức lương, kể cả phụ cấp chỉ khoảng 5 triệu/người mỗi tháng. Đó là căn nguyên cho những lá đơn nghỉ việc, hoặc cho nhiều giáo viên quyết tâm bám trụ lại thì đành phải dạy thêm “chui” hoặc, ban ngày thì lên bục giảng, buổi tối lên mạng bán hàng online.
Đòi hỏi ở các thầy cô “sự cố gắng, gương mẫu, trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn” để có niềm tin của xã hội và vinh quang là rất cần thiết.
Nhưng “vị thế của nhà giáo, sự tôn nghiêm của nghề giáo” sẽ chỉ là đòi hỏi quá sức nếu không giải quyết sự thiệt thòi về thu nhập cho lực lượng giáo viên hiện nay.
Bởi thế, rất cần thêm những cam kết từ thầy Bộ trưởng. Trong đó quan trọng là cam kết về đồng lương cho đội ngũ nhà giáo, cam kết về một môi trường giáo dục nhân văn, không tiêu cực, không bạo lực học đường để các thầy cô yên tâm cống hiến.
Vinh quang chỉ trọn vẹn khi thầy hạnh phúc, học trò hạnh phúc.
Tin rằng khi viết dòng cuối cùng trong tâm thư, chúc các thầy cô “yêu nghề yêu đời và ngày càng được đời yêu” là thầy Bộ trưởng đã có cam kết của chính mình.