Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng Tết

Lê Nam – Kinh tế đô thị

Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến gần. Thời điểm này, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống đã dự trữ số lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết. Đáng mừng là hàng Việt chất lượng cao đang chiếm ưu thế trên kệ hàng Tết.

Hàng Việt chiếm tỷ lệ lớn trong siêu thị, chợ dân sinh

Gần một tháng nay, tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trên địa bàn TP Hà Nội như Vinmart, Big C Co.opmart… đã trưng bày nhiều loại hàng hóa, được trang trí bắt mắt. Chiếm phần lớn trong số những mặt hàng như bánh kẹo, nước ngọt, bia, thực phẩm đến từ các thương hiệu Việt như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Cầu Tre, Vissan…

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc vùng miền Bắc chuỗi siêu thị GO!, Big C (Central Retail) Lê Mạnh Phong thông tin, hiện trong cơ cấu hàng hóa của hệ thống siêu thị có đến 90% là hàng Việt Nam chất lượng cao. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, Big C còn giới thiệu tới người tiêu dùng nhiều món ăn đặc trưng của Tết Việt Nam như bánh chưng, bánh Pía, lạp xưởng, giò lụa…

Theo quan sát của phóng viên, tại các siêu thị Vinmart, Co.opmart, Mega  Market, Big C, Hapro Mart… các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước mắm đều có xuất xứ Việt Nam và được trưng bày từng khu riêng biệt để người tiêu dùng dễ lựa chọn.

Theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung, hệ thống siêu thị Co.opmart đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng của Saigon Co.op đáp ứng đủ mọi phân khúc tiêu dùng. Đặc biệt, còn dành riêng một khu vực để các doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam

Không chỉ siêu thị, tại các chợ truyền thống, hàng Việt cũng chiếm ưu thế trong cơ cấu hàng hóa. Những ngày này, trên các tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng bánh kẹo như phố Ngọc Hà, Hàng Buồm, Tây Sơn… điều dễ nhận thấy hầu hết sản phẩm bầy bán được cung cấp từ doanh nghiệp nội. Lý giải nguyên nhân khiến mặt hàng bánh kẹo Việt Nam chiếm ưu thế trước hàng nhập khẩu, các tiểu thương có chung ý kiến, sức tiêu thụ bánh kẹo nội cao cấp vẫn mạnh hơn bánh kẹo ngoại, bởi chất lượng không thua kém nhưng giá chỉ bằng 50 – 60% hàng ngoại.

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nêu rõ, thời gian qua doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh đầu tư dây chuyền sản xuất tạo sự bứt phá trong việc nâng chất lượng sản phẩm, đa dạng chủng loại, bao bì… quan trọng hơn cả là giá bán rẻ hơn hàng ngoại nhập.

Cam kết không tăng giá

Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao, trong khi nguyên liệu đầu vào tăng giá dẫn tới hàng hóa tăng tương ứng. Để hạn chế hiện tượng này, giảm áp lực kinh tế cho người dân, các siêu thị đều cam kết không tăng giá hàng hóa.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thịt gà
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thịt gà

Thông tin từ Tập đoàn Central Group (đơn vị quản lý và sở hữu chuỗi siêu thị GO! BigC) cho thấy, giá hàng hóa chịu tác động của rất nhiều yếu tố như thời tiết hoặc chi phí vận chuyển. Để giải bài toán này, đội ngũ thu mua của Central Retail đã làm việc với nhà cung cấp, ký hợp đồng dài hạn, qua đó yêu cầu nhà cung cấp cam kết trong bất kể tình huống nào, cũng phải giữ giá bán đúng như hợp đồng, để Central Group có thể đưa ra mức giá có lợi nhất cho khách hàng.

Trong khi đó, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Saigon Co.op Lê Văn Liêm thông tin, hệ thống siêu thị Co.op Mart đã lên kế hoạch chuẩn bị khoảng 14.000 tấn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn quốc trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. “Mặc dù cuối năm 2022, nguyên liệu đầu vào tăng giá, nhưng với sự điều chỉnh, chuẩn bị trước về mặt nguồn hàng, nên hệ thống siêu thị Co.op Mart sẽ không tăng giá bán hàng Tết” – ông Lê Văn Liêm khẳng định.

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc thường trực WinCommerce (quản lý chuỗi siêu thị Winmart) Nguyễn Thị Phương chia sẻ, Winmart có nhiều giải pháp vận chuyển, giao hàng tập trung để giảm giá thành. Ngoài ra, đơn vị cũng đã làm việc với hơn 300 nhà cung cấp để tăng sản lượng nguồn hàng, thực hiện các chương trình bình ổn giá trên toàn hệ thống.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Co.opmart. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Co.opmart. Ảnh: Hoài Nam

Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới mặc dù giá đầu vào nguyên liệu tăng hơn so với mọi năm, nhưng công ty đang nỗ lực tìm giải pháp để đưa ra thị trường các sản phẩm với giá cả phù hợp nhất.

Thông tin về chương trình bình ổn giá hàng hóa trong dịp Tết, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội của nhân dân Thủ đô Tết Quý Mão 2023, TP Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022). Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu ít nhất 30% so với kế hoạch của TP, qua đó ngăn chặn tình trạng tăng giá hàng hóa thời điểm cuối năm.

Để giá hàng hóa không tăng cao trong dịp Tết Nguyễn đán Quý Mão các doanh nghiệp, nhãn hàng sẽ triển khai nhiều sự kiện kích cầu mua sắm cuối năm. Hơn nữa TP Hà Nội sẽ phối hợp với các tỉnh để nắm nguồn cung đối với những mặt hàng thiết yếu cho Hà Nội qua đó ngăn chặn hiện tượng tăng giá đột biến.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/hang-viet-chiem-linh-thi-truong-tieu-dung-tet.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *