Hành trình thực hiện ước mơ của cô thợ may có hoàn cảnh đặc biệt

Thanh Châu/ Báo Phụ nữ Tp HCM

Với ý chí và nghị lực phi thường, cô gái bị liệt nửa người là nguồn truyền cảm hứng tới biết bao người khuyết tật và cả những người bình thường khác.

Phạm Thị Thắm (xã Đông Lĩnh, TP.Thanh Hóa) bị liệt nửa thân dưới khi mới lên 9 tuổi bởi căn bệnh viêm tủy cắt ngang.

Dù được gia đình đưa đi chữa trị khắp các bệnh viện ở Hà Nội trong khoảng 10 năm nhưng không có kết quả và đành chấp nhận sự thật Thắm sẽ gắn bó hết cuộc đời với chiếc xe lăn.

Không thể đi lại được nữa, Thắm bắt đầu định hướng con đường tương lai, làm một nghề gì đó để có thể tự nuôi bản thân. Và cơ duyên đã đưa Thắm đến với nghề may và thiết kế trang phục.

Từ những ngày còn bé, ăn cơm bệnh viện nhiều hơn cơm nhà và người bạn duy nhất mà Thắm có được chính là con búp bê và những mảnh vải vụn của những người chị gửi cho. Suốt thời gian nằm viện, Thắm tự cắt những mảnh vải vụn rồi khâu thành những bộ váy của búp bê và ước mơ trở thành cô thợ may cứ thế lớn dần theo năm tháng.

Phạm Thị Thắm luôn nở nụ cười tươi trên môi. Ảnh: THP cung cấp

Tuy nhiên quá trình thực hiện ước mơ gặp không ít khó khăn vì máy may phải đạp ga bằng chân, nhưng đôi chân của Thắm thì bị liệt. Phải mất một tuần để Thắm nghĩ ra cách sử dụng được chiếc máy may. Thắm may bằng cách dùng cùi tay bên phải để nhấn ga và may bằng 10 đầu ngón tay như người bình thường.

Thắm mua thêm sách dạy may về tự học, sau khi cảm thấy tự tin ở bản thân mới đi xin học việc. Hành trình đi xin việc không dễ dàng gì với một người khuyết tật như Thắm. Đi bảy, tám nơi nhưng ai cũng từ chối và có một câu nói làm Thắm nhớ mãi “người ta bảo rằng người bình thường còn khó làm được nghề này, huống gì một cô gái ngồi xe lăn như cháu”. Chính câu nói này đã làm động lực để Thắm chứng minh cho người ta thấy mình có thể làm được và làm tốt hơn rất nhiều.

May mắn đến với Thắm khi trong một lần kết bạn trên Facebook, Thắm quen được một người và đây chính là người thầy dạy may đến tận bây giờ của cô, “trao tặng” cho Thắm một cái nghề để có thể tự mưu sinh.

Thắm đã thực hiện được ước mơ của cuộc đời mình. Ảnh THP cung cấp

Thắm chia sẻ: “Nhiều khi người khuyết tật bị xem là bên lề của cuộc sống, bên lề của xã hội. Mọi người nghĩ người khuyết tật không có khả năng làm được những điều mà người bình thường có thể làm được. Nên khi làm được tà áo dài tôi cảm thấy rất tự hào vì đôi tay này có thể làm nên một sản phẩm mang cái hồn của Việt Nam”.

Vượt qua định kiến, vượt qua mọi sự từ chối, Thắm đã có thể chạm tay vào ước mơ của mình. Trải qua thấu hiểu và đồng cảm với người khuyết tật khi muốn sống với những đam mê, Thắm quyết định mở lớp dạy may cho mọi người và ở đó người khuyết tật khó khăn, sẽ được học miễn phí. Không chỉ là kỹ thuật may, Thắm còn truyền tới những học viên nguồn năng lượng tích cực.

Bên cạnh mở lớp dạy may miễn phí, Thắm còn làm các clip trên YouTube để dạy mọi người vì có rất nhiều người ở xa không thể trực tiếp đến được nên Thắm đã nghĩ ra cách này để chia sẻ trải nghiệm với mọi người về những cách may vá.

Trong một lần xem chương trình Nối trọn yêu thương trên VTV1, Thắm đã chủ động liên hệ với chương trình để chia sẻ về câu chuyện của mình. Trở thành một mảnh ghép của chương trình, Thắm cho biết: “Mình rất vui khi được trở thành nhân vật của chương trình. Mình là một người thường xuyên xem chương trình, từ số đầu tiên xem chương trình thấy các nhân vật đã cho mình rất nhiều năng lượng tích cực để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”.

Hướng dẫn cho các học viên tại cơ sở may của mình. Ảnh: THP cung cấp

Cảm kích trước nghị lực của Thắm, chị Trần Uyên Phương – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã gửi đến cho Thắm một món quà bất ngờ cùng lời nhắn nhủ: “Xin chào Thắm, chị rất vui khi nhận được tin nhắn của em cho chương trình và chị cảm thấy một nguồn năng lượng rất mạnh mẽ từ em. Dù đối diện trước những biến cố, khó khăn trong cuộc sống nhưng em luôn có niềm tin và yêu cuộc sống của mình. Em đã rất sáng tạo, cũng như truyền cảm hứng cho chị và tất cả mọi người. Hy vọng rằng món quà của Tân Hiệp Phát đem đến cho em sẽ là một sự ghi nhận và giúp ích cho em nhiều hơn trong cuộc sống”.

Với món quà đầy ý nghĩa này, Thắm sử dụng để phát triển cửa hàng may của mình tốt hơn, cũng như mở lớp dạy may miễn phí cho người khuyết tật và chăm chút cho kênh YouTube để có nhiều video hữu ích hơn.

Khó khăn thử thách là điều tất nhiên trong cuộc sống, nhưng bên cạnh đó, chúng ta còn có những món quà tuyệt vời và gia đình là món quà tuyệt vời nhất, thông qua chương trình, Thắm mong mọi người sẽ yêu quý gia đình của mình nhiều hơn.

 

NGUỒN:  Theo Báo Phụ nữ Tp HCM

Link bài: Hành trình…

https://www.phunuonline.com.vn/hanh-tri-nh-thuc-hie-n-uoc-mo-cua-co-tho-may-co-hoan-canh-dac-bie-t-a1419214.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *