Hãy lễ độ với di sản

Trần Quí Thanh

Hình ảnh dinh Thượng Thơ xưa – Theo Báo Tuổi trẻ.

Dinh Thượng Thơ không được chính quyền TPHCM đưa vào trong danh mục bảo tồn, cho nên tòa nhà này sẽ bị đập bỏ để lấy đất nâng cấp xây dựng trụ sở UBND TPHCM.

Nhiều ý kiến của kiến trúc sư, các chuyên gia về di sản, khảo cổ lên tiếng phản đối, đề nghị không được đập bỏ công trình này. Mới đây, một nhóm trí thức trẻ đưa ra Bản kiến nghị bảo tồn dinh Thượng Thơ và được cộng đồng ủng hộ.

Tui là người ngoại đạo đối với ngành bảo tồn xét về mặt khoa học, nhưng tui đến với di tích bằng cảm xúc của trái tim. Mà cảm xúc thì không cần cố gắng, nó đến tự nhiên, thật thà như dòng máu chảy trong cơ thể mình. Đứng trước một công trình kiến trúc cổ như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, dinh Thượng Thơ tui thấy có cảm xúc, và thấy đẹp, đẹp khác biệt với những building nhà kính hiện đại gần đó.

Nếu xây dựng các building để làm công việc của thời hiện đại, phục vụ đòi hỏi của phát triển, thì cũng phải bảo tồn những công trình cổ có giá trị để phục vụ cho sinh hoạt, đồng thời tô điểm cho đô thị bằng vẻ đẹp văn hóa. Nói cách khác là giữ phần hồn cho cơ thể đô thị.

Những lần đi công tác nước ngoài, dạo trong một thành phố, tui thường thích thú ngắm nhìn những công trình cổ hơn là những tòa nhà chọc trời. Tui có sự rung động trước những ngôi nhà mà ở đó có câu chuyện của quá khứ, của lịch sử. Nó có hồn vía, và vì thế nó tạo ra cảm xúc.

Những công trình cổ còn là những trang lịch sử được viết bằng ngôn ngữ kiến trúc. Và qua đó, du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là con cháu đọc được lịch sử ở một không gian khác ngoài học đường và sách vỡ, đó là không gian đô thị.

Ví dụ như dinh Thượng Thơ, còn gọi là Bureaux du Directeur de l’intérieur (Văn phòng giám đốc nội vụ, 1863-1891) hay Bureaux du Secrétariat du gouvernement de la Cochinchine (Văn phòng ban thư ký chính phủ Nam Kỳ, 1894-1945) dưới thời Pháp thuộc. Dinh Thượng Thơ là tòa soạn báo quốc ngữ đầu tiên; là nơi tài trợ các nghệ nhân, nghệ sĩ đi Pháp; là nơi cấp tiền cho các lễ hội; là nơi cấp bằng sáng chế ở Nam kỳ.

Tui không phải là người bảo thủ, để cho rằng cái gì cũ là cổ, là cần phải giữ lại, nhưng cái gì quý giá thì phải giữ, còn những công trình bình thường thì nếu cần phải bỏ đi để phục vụ cho phát triển.

Riêng với dinh Thượng Thơ, công trình này cũng như nhiều di sản khác, phải được bảo tồn, trùng tu. Di sản ngoài giá trị lịch sử và văn hoá còn có yếu tố tâm linh cao cần tôn trọng. Lễ độ với di sản không chỉ là làm văn hóa cho ngày hôm nay, mà lưu giữ vốn liếng cho con cháu mai sau.

Sài Gòn 13/05/2018

TQT

Bài đọc thêm,Link: Không chỉ dinh Thượng Thơ, bảo vệ di sản cần hệ thống và lâu dài

(https://tuoitre.vn/khong-chi-dinh-thuong-tho-bao-ve-di-san-can-he-thong-va-lau-dai-20180512092526348.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *