Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi chú Trần Quí Thanh,
Thưa chú, cháu năm nay 40 tuổi, ba lần khởi nghiệp, ba lần thất bại. Người ta vẫn hay khuyên: Hãy đứng dậy sau mỗi lần thất bại và rút ra bài học từ thất bại đó. Nhưng đứng dậy ra sao và rút ra bài học thế nào là câu hỏi khó mà cháu không tự trả lời được. Kính mong chú giúp đỡ ạ.
Cảm ơn chú nhiều.
Kính chú,
Hoàng Thanh Tú (Hà Nội): tudangyeu_hn1985@gmail.com
—–
Hoàng Thanh Tú mến!
Nói thiệt với cháu là chú cũng không nhớ là đã từng thất bại bao nhiêu lần trong cuộc đời kinh doanh của mình.
Nếu học hành ra trường, đi xin việc trong một công ty làm công ăn lương, hay kiếm một chân công chức nhà nước, thì cuộc đời cứ thế mà lẳng lặng trôi đi. Làm việc giỏi thì nhanh thăng tiến, an phận thì “sáng cắp ô đi tối vác về”.
Còn khi đã bước chân vào con đường kinh doanh, thì phải chấp nhận thất bại. Đừng vẽ cho mình một bức tranh quá hoành tráng để rồi suy sụp.
Có nhiều bạn trẻ mở công ty, làm giám đốc, đi ô tô sang, xài điện thoại xịn. Nhưng chỉ một thời gian sau là không có tiền đổ xăng, khi đó mới thấm thía một điều: “kinh doanh không phải trò đùa”.
Cho nên, chuẩn bị tâm thế thất bại không phải để luôn luôn thất bại, mà để bình tĩnh rút ra bài học đi đến thành công. Cha ông nói “thất bại là mẹ thành công”, có nghĩa là thất bại để rồi thành công, chứ không phải thất bại để rồi thất bại.
Vậy thì bí quyết của nó là gì, theo kinh nghiệm của chú, từ bản thân đến quá trình tiếp xúc với các start up, có thể rút ra kinh nghiệm như sau:
Hãy soát xét lại toàn bộ quá trình thực hiện khởi nghiệp, xem đâu là nguyên nhân thất bại. Do sản phẩm, do quản trị hay do nhân sự.
Đa số start up cứ cho rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của mình quá hay, quá tốt, nhưng quên rằng, đó là thứ mình thích, hay làm ra cái mà thị trường cần. Nếu khiêm tốn và khách quan nhìn nhận thì sẽ cùng nhau thay đổi, dám mạnh dạn bỏ đi cách cũ, để làm ra cái mà thị trường cần.
Thứ hai là quản trị. Không ít start up thất bại là do không có kỹ năng, kinh nghiệm và chuyên môn về quản trị. Lập công ty, điều hành theo cảm tính, thiếu khoa học và quản lý thì thất thoát, thâm hụt, rối rắm, chưa kể có ngày vào tù vì vi phạm pháp luật mà không biết.
Hãy cùng xem xét lại toàn bộ quá trình kinh doanh, sẽ thấy rõ điều đó. Khắc phục bằng cách mời chuyên gia giỏi về quản trị, xây dựng hệ thống quản lý hiện đại, chuyên nghiệp.
Đặc biệt, phải luôn luôn cập nhật các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để điều hành doanh nghiệp, tiếp cận khoa học công nghệ, không để cho doanh nghiệp lạc hậu, “mãi mãi là người đến sau”.
Nhân sự là yếu tố cốt tử. Khởi nghiệp sẽ gặp thất bại khi trong chuỗi mắt xích cán bộ chủ chốt có một mắt xích kém. Cũng có thể tất cả mọi người đều giỏi, nhưng không thống nhất, không đoàn kết, không lắng nghe nhau.
Hãy chấp nhận cắt đi nhân sự kém, tìm người giỏi và xuất sắc thay thế. Không có cá nhân xuất sắc, không thể có sự thành công nổi trội.
Trên đây là những bài học căn bản, có thể gặp một trong ba bài học, hoặc có thể gặp cả ba. Cháu tham khảo nhé.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)