Trần Quí Thanh
—–
Nhiều nền văn minh trên thế giới được sinh ra từ dòng sông, như nền văn minh sông Nin, nền văn minh sông Hằng, nền văn minh Lưỡng Hà…
Nhiều đô thị trên thế giới sinh ra bên những dòng sông, có những con sông nổi tiếng đã làm cho thành phố đó nổi tiếng. Ví dụ, đọc về sông Hương là nói đến Huế, nhắc đến Huế là nói về sông Hương. Paris của nước Pháp không thể tách rời khỏi hình ảnh của sông Seine, hay London của Anh quốc không thể bỏ qua sông Thames…
Và thật may, nước Việt mến yêu được thiên nhiên ban tặng cho nhiều con sông đẹp, không chỉ sông Hương, sông Trà Khúc, sông Hàn hay sông Gianh, hình như địa phương nào cũng có nhiều con sông lớn nhỏ, đẹp vô cùng.
Nhưng đáng tiếc là chúng ta đã khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này không hiệu quả. Khai thác hiệu quả có nghĩa là làm gia tăng giá trị từ sông và bảo tồn, phát huy giá trị của sông. Khai thác không có nghĩa là phá, là làm tổn thương những dòng sông.
Bao nhiêu thứ ô nhiễm đổ xuống những dòng sông, rác, chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, thậm chí chất thải công nghiệp đều đổ ra sông.
Theo thông tin từ các cơ quan chuyên môn, mức độ ô nhiễm của sông Sài Gòn vượt qua tiêu chuẩn cho phép, nhiều dòng sông khác quá nhiều rác, vượt qua khả năng tự làm sạch của tự nhiên.
Giá trị của con sông không chỉ là nguồn nước, là vận tải dường thủy, mà còn là cảnh quan hai bên sông. Và thật buồn là nhiều con sông bị bao vây bởi các công trình, hãy nhìn những tòa nhà bên sông Sài Gòn, sẽ thấy tức mắt. Nhiều thành phố như Seoul, giữ một khoảng cách rộng hai bờ sông không cho xây nhà cao tầng.
Bờ sông đẹp đẽ, làm nên không gian thở của sông, và cũng là khoảng không cho con người cùng thở. Ngắm nhìn, chia sẻ, trò chuyện với thiên nhiên là nhu cầu tinh thần của con người. Nhưng không gian ấy bị mất đi, thay vào đó là bê tông cốt sắt, là những building chọc trời.
Rất may là sông Hương không bị quá nhiều công trình che khuất, chỉ có vài khách sạn đoạn từ cầu Tràng Tiền đến Đập Đá, còn lại là công viên, cây xanh và bóng mát hai bên sông.
Còn sông Sài Gòn, tui nghĩ không mấy ai là công dân Sài Gòn tự hào về dòng sông, du khách không thể có ấn tượng về dòng sông, bởi vì sông không là trung tâm thu hút đời sống tinh thần, văn hoá của con người.
Hãy trả lại cho sông Sài Gòn không gian đôi bờ. Có những công trình thuộc về “sai lầm lịch sử” có thể khó xử lý, nhưng ít nhất là đừng phạm thêm sai lầm.
Dọn sạch những công trình lấn chiếm lớn nhỏ hai bên sông, xây dựng công viên, đường đi bộ dọc theo bờ sông Sài Gòn, chắc chắn Sài Gòn sẽ có một gương mặt đô thị khác.
Và quan trọng là các gia strij đó là chung của mọi người, ai cũng có thể thụ hưởng, không như những công trình chỉ dành riêng cho một nhóm hoặc số ít người hưởng lợi.
Sài Gòn ngày 12/09/2019
TQT
Đọc thêm bài, Link: Sông Sài Gòn – nguồn lợi cho ai
(https://tuoitre.vn/song-sai-gon-nguon-loi-cho-ai-20190910234814227.htm)