Trần Quí Thanh
………………………………….
Kính gửi chú Trần Quí Thanh,
Đọc blog chú nhiều giờ cháu mới mạnh dạn gửi thư hỏi chú.
Thưa chú, bất cứ ai khi thật sự điều hành một công ty, cũng đều có khát khao đưa công ty mình bước lên tầm vĩ đại. Nhưng vĩ đại đâu phải chuyện đùa. Cháu đọc cuốn quyển sách kinh điển Từ Tốt Đến Vĩ Đại của Jim Collins, lời mở đầu có ngay một câu làm cháu giật mình: “Tốt là kẻ thù của Vĩ Đại”.
Cháu mong chú giảng giải ý nghĩa của câu đó được không ạ?
Rất mong chú hồi âm
Lê Thị Minh Thuý (Vinh): minhthuychanhvaham@gmail.com
………………………….
Cháu Lê Thị Minh Thúy mến,
Cháu đọc sách của các nhà lý luận trứ danh như Jim Collins, giảng viên khoa Kinh tế của Đại học Stanford đương nhiên cháu sẽ có những ngạc nhiên vì cách đặt vấn đề của tác giả. Và cháu biết đó, cuốn Từ tốt đến vĩ đại nằm trong số 20 tác phẩm có ảnh hưởng nhát thế giới về quản trị trong vòng 20 năm qua theo bình chọn của Tạp chí Forbes.
Vĩ đại là một khái niệm rất dễ bị lạm dụng, và tất nhiên nó cũng là một thứ ảo mà con người ta dễ bị hoang tưởng nhất. Như thế nào là vĩ đại, và đã vĩ đại rồi thì cần gì phải làm nữa, còn đỉnh nào nữa để vượt lên, còn đích nào nữa để vươn tới, vậy thì liệu nó có cần thiết cho sự phát triển của một công ty hay không.
Tốt lại là một khái niệm dễ nhận diện, dễ định hình khi đối chiếu với các hoạt động dịch vụ cũng như sản phẩm khác trên thực tế. Đối với con người cũng vậy, người tốt đã là quá đủ, huyền thoại hóa một nhân vật có khi trở thành xa lạ với con người, phải không cháu?
Jim Collins viết: “Tốt là kẻ thù của Vĩ Đại. Và đó là một trong những lý do chính giải thích vì sao có rất ít điều vĩ đại. Chúng ta không có những trường học vĩ đại chính vì chúng ta đã có trường học tốt. Chúng ta không có những chính quyền vĩ đại vì chúng ta đã có những chính quyền tốt. Rất ít người sống cuộc đời vĩ đại, vì người ta chấp nhận một cuộc sống tốt. Đa số các công ty không bao giờ trở thành vĩ đại chính là vì đa số đã trở nên khá tốt”.
Về quá trình hoạt động và phát triển của một doanh nghiệp, theo tinh thần của Jim Collins, đó là đặt nặng giá trị và vai trò của con người. Con người cá nhân của nhà lãnh đạo và những cộng sự, đồng hành trên chuyến tàu chung.
Tốt trước hết là có một nhà lãnh đạo doanh nghiệp có trí tuệ, nhiều tham vọng, có năng lực điều hành và có tầm nhìn xa rộng. Nhà lãnh đạo đó hy sinh vì việc chung, vì sự tốt đẹp cho công ty và cho mọi người, không phải cho cá nhân.
Tốt là xây dựng một đội ngũ gồm những con người tài năng để chèo lái công ty. Đối với những con người đó không có đích nào là không đến, không có bến bờ nào là không tới. Chú xin lấy ví dụ, một doanh nghiệp đang làm ăn thịnh vượng, nhưng giao vào tay một nhóm người khác điều hành, khả năng đổ vỡ, sập tiệm là rất cao. Cho nên vấn đề không phải là “cái gì?” mà là “ai?”. Khi đã có “ai” rồi thì “cái gì” sẽ theo sau.
Công ty tốt tất nhiên phải có những con người có tài năng, tuy nhiên còn có thêm phảm chất rất cao quý, đó là có lòng can đảm đối phó với nghịch cảnh. Sẽ không bao giờ chúng ta đi trên con đường bằng phẳng, cho nên chúng ta không thể “trốn chạy được thực tại”. Đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, vượt qua bằng ý chí và niềm tin của mình, đó là điều không phải ai cũng làm được.
Những con người thông minh, tài năng sẽ tìm ra cái mạnh nhất của mình. Một doanh nghiệp phát triển mà không biết đâu là thế mạnh nhất, đâu là gót chân Achilles thì không chết trước cũng ngã sau.
Chú bàn loanh quanh như vậy để nói với cháu một điều, đừng nghĩ tới sự vĩ đại vì nó quá gần với sự hoang tưởng. Cháu hãy xây dựng một công ty với giá trị “tốt” là quá đủ.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)