Hiểu sao cho đúng ‘team building’

Vũ Thành Huy/ Báo DNSG

—-

Thuật ngữ team building trở nên rất phổ biến ở Việt Nam. Xu hướng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, du lịch hay các sự kiện team building có thời điểm đã bùng lên mạnh mẽ trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc nhận thức và ứng dụng team building ở Việt Nam đều đang tồn tại những bất cập.

Team building là gì?

Team building cơ bản được hiểu là quá trình giúp các đội nhóm (team) làm việc hiệu quả hơn; quá trình đó bao gồm những hoạt động, bài tập, trò chơi được thiết kế có hệ thống với chủ đích nhằm cải thiện mối quan hệ và hiệu quả làm việc của các đội nhóm. Team building ngày càng trở nên phổ biến trong các đội nhóm thuộc mọi lĩnh vực như thể thao, giáo dục, y tế, hàng không và sản xuất, kinh doanh.

Song team building không chỉ đơn thuần là công cụ hướng tới giải quyết các vấn đề cho mỗi đội nhóm riêng lẻ nữa, mà còn là biện pháp can thiệp không thể thiếu để cải thiện chất lượng mối quan hệ và năng lực phối hợp giữa các đội nhóm trong nội bộ tổ chức với nhau. Điều ấy đòi hỏi các nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp hiện đại nên tiếp cận khái niệm team building theo hai cấp độ:

– Cấp độ ở từng đội nhóm, giúp cải thiện mối quan hệ giữa các cá nhân trong một đội, đáp ứng nhu của các cá nhân trong đội; cải thiện quy trình làm việc của đội, từ đó giúp các đội trở nên gắn kết và hiệu quả hơn.

– Cấp độ trên phạm vi doanh nghiệp, giúp các đội nhóm trong doanh nghiệp tương tác và phối hợp với nhau hiệu quả hơn, tránh tình trạng các đội nhóm bị cô lập, làm việc rời rạc, phối hợp kém hiệu quả hoặc xung đột với nhau.

Team building đang bị hiểu sai và làm sai như thế nào?

Hiện nay, cả những người cung cấp và người sử dụng dịch vụ team building đều đang có cách hiểu và ứng dụng team building chưa phù hợp. Cụ thể, một số  đơn vị quá đề cao vai trò của các sự kiện lớn, xem nhẹ các phiên team building thường xuyên. Trong doanh nghiệp, nhiệm vụ giúp mỗi đội nhóm riêng lẻ trở nên gắn kết và hiệu quả hơn hay giúp mạng lưới các đội nhóm tương tác và phối hợp với nhau tốt hơn đều không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai. Đó chắc chắn phải là kết quả của một quá trình lâu dài và đầy thử thách chứ không chỉ thông qua vài sự kiện rời rạc. Điều ấy có nghĩa là team building cần được triển khai thường xuyên trong nội bộ doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời vấn đề nảy sinh trong mỗi đội nhóm hoặc giữa các đội nhóm với nhau.

Tuy nhiên, khi trao đổi với những lãnh đạo doanh nghiệp hoặc những quản lý phụ trách nhân sự trong doanh nghiệp, nhiều người thường hình dung team building là những chương trình với những hoạt động và trò chơi vui nhộn; vui chơi, tương tác với nhau. Một số vẫn chủ yếu xem trọng các chuyến du lịch, nghỉ dưỡng, các sự kiện gắn với các trò chơi hoặc hoạt động trải nghiệm.

Về phía bên cung cấp dịch vụ, nhiều người cũng gặp phải vấn đề tương tự. Team building được họ đồng nghĩa với các sự kiện có quy mô lớn, những chuyến đi gắn với trải nghiệm. Không những thế, không ít công ty đào tạo, tư vấn và các công ty du lịch có cung cấp dịch vụ team building còn “thần thánh hóa” vai trò của các sự kiện team building do họ cung cấp. Không ít hoạt náo viên, người dẫn chương trình sự kiện, hướng dẫn viên du lịch lấn sân qua làm team building thì nghĩ rằng mình sẽ huấn luyện, truyền lửa cho nhân sự của các tổ chức và giúp họ lột xác, giúp họ trở nên xuất sắc hơn, gắn kết hơn.

Sức mạnh team building nội bộ

Thực tế, doanh nghiệp và các đội nhóm còn cần rất nhiều các yếu tố khác để nâng cao hiệu quả làm việc của các đội nhóm như xây dựng văn hóa làm việc đồng đội, thống nhất hệ giá trị, xác lập mục tiêu, phân định vai trò, trang bị kỹ năng cho nhân sự, nâng cao năng lực lãnh đạo… Vì vậy, bên cạnh những sự kiện lớn mang tính thời điểm, các doanh nghiệp cần nhìn nhận đúng vai trò của các phiên team building nhỏ được triển khai thường xuyên. Đó có thể là các buổi thảo luận, diễn thuyết ngắn để khích lệ tinh thần hoặc cải thiện năng lực nhân sự; các phiên thảo luận nhằm giải quyết mâu thuẫn, các phiên brainstorming để tìm ý tưởng sáng tạo hoặc tìm giải pháp…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thường thuê ngoài các dịch vụ tư vấn, đào tạo hay dịch vụ triển khai team building trong trường hợp cần giải quyết các vấn đề phức tạp hay tổ chức chương trình team building có quy mô lớn. Tuy nhiên, bên cạnh các dịch vụ thuê ngoài gắn với các sự kiện cụ thể thì các phiên team building được tổ chức thường xuyên trong nội bộ cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Những ưu điểm của team building nội bộ là tính kịp thời, chính xác và chi phí thấp. Không ai hiểu đội nhóm, hiểu các thành viên trong đội nhóm, hiểu nội dung công việc cũng như các vấn đề mà đội nhóm đang đối mặt hơn chính những người trong cuộc, đặc biệt là những người đang giữ trách nhiệm quản lý và lãnh đạo các đội nhóm đó. Vì vậy, chính các phiên team building do họ triển khai là giải pháp hữu hiệu vừa ít tốn kém vừa nhanh chóng đi thẳng vào giải quyết các vấn đề nảy sinh hằng ngày trong các đội nhóm.

Ngược lại, việc thuê chuyên gia và dịch vụ team building từ bên ngoài lại tiềm ẩn những hạn chế nhất định. Nhiều trường hợp, các doanh nghiệp đầu tư rất tốn kém cả tài chính, công sức và thời gian nhưng chỉ nhận được những dịch vụ không liên quan đến team building hoặc không giải quyết triệt để được các vấn đề mà doanh nghiệp đang vướng mắc.

Lập đội nhóm không chỉ để giải trí

Hiện nay, tình trạng quy chụp các dạng sự kiện, các chương trình trải nghiệm, vui chơi, giải trí thành team building diễn ra khá phổ biến. Phần lớn đơn vị rao bán dịch vụ team building sẽ có một số kịch bản được xây dựng sẵn với những trò chơi hay hoạt động trải nghiệm có sẵn. Khi bán dịch vụ, dù khách hàng của họ có nhu cầu như thế nào, đang gặp vấn đề gì thì họ đều cung cấp những chương trình với kịch bản na ná nhau gồm những hoạt động, trò chơi được xào xáo, điều chỉnh lại mà thôi. Rõ ràng là những người trong cuộc đang lấy các trò chơi, các hoạt động trải nghiệm làm trọng tâm cho các chương trình team building. Đó là quan niệm sai. Bên cạnh đó, dường như tiêu chí vui vẻ, giải trí cũng đang được đặt ở vị trí quá cao và trở thành cái đích của team building, vì vậy rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ quy cả những hoạt động vui chơi, giải trí đơn thuần, những chuyến du lịch gắn với một chủ đề nào đó thành team building. Họ đánh đồng team building với các chương trình như Tri ân đối tác, Tri ân khách hàng, Lửa trại, Ngày hội thể thao, Ngày hội gia đình, các trò chơi chuyển thể từ những gameshow truyền hình nổi tiếng…

Thực tế, các chương trình team building cứ được tổ chức hoàng tráng, vui vẻ, giải trí thì được xem là chương trình team building. Các chương trình chỉ được xem là team building nếu hướng tới giải quyết các vấn đề cho một đội nhóm hoặc vấn đề giữa các đội nhóm, như: giúp đội làm rõ mục tiêu chung cũng như mục tiêu cho từng thành viên, phân định rõ vai trò và trách nhiệm giữa các thành viên, xây dựng niềm tin, xây dựng sự tin tưởng, cải thiện giao tiếp, xử lý mâu thuẫn, giải quyết xung đột… và  phải được triển khai theo một quy trình tổ chức khoa học từ khâu thu thập thông tin, đánh giá nhu cầu, lên kế hoạch, triển khai và đánh giá mức độ chuyển tác động của team building vào đội ngũ để họ áp dụng vào môi trường làm việc thực tế. Do đó, chúng thường tác động trực tiếp, rõ ràng, cụ thể đến mối quan hệ giữa các nhân sự cũng như kết quả, hiệu quả làm việc của các đội nhóm. Ngược lại, tác động của các chương trình giải trí dán nhãn team building thì rất chung chung, thường chỉ dừng ở mức tạo ra sự vui vẻ, sự gắn kết tức thời trong doanh nghiệp và chúng nhanh chóng phai nhạt khi mọi người quay lại với môi trường làm việc hằng ngày.

Thiết nghĩ, đã đến lúc trả team building về đúng vị trí của nó – một công cụ quản lý không thể thiếu đối với các tổ chức nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

 

NGUỒN:  Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn

Link bài: Hiểu sao…

https://doanhnhansaigon.vn/giao-duc/hieu-sao-cho-dung-team-building-1103215.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *