Di Linh/ Báo DNSG
—–
Có những câu chuyện vốn chẳng liên quan, mọi người cứ hay vơ vào mình để thở dài về “thế thái nhân tình”. Tôi thì nghĩ khác, thích coi cuộc sống như một hũ đậu, hạt đỏ hạt đen, hạt tốt hạt xấu. Tôi học cách đếm “đậu đỏ” để luôn nhớ và răn mình những bài học tốt đẹp trong cuộc sống…
Hạt đậu thứ nhất
Sáng đi làm, qua ngã Tư Sở. Gần chỗ cầu vượt thì gặp một chuyện buồn cười: Hai em gái đi xe đạp ngược chiều te tái chạy lại. Một thanh niên đi xe máy, cố rướn lên phía trước, chặn đầu chiếc xe đạp của hai em gái kia. Không hiểu chuyện gì. Nhiều người đi đường cũng dừng lại, ngoái lại xem… Ra là, tờ 100.000 đồng của ai đó đánh rơi, bị gió cuốn. Cơn gió tai hại đã điều khiển cùng lúc cả chục con người, tranh nhau chộp lấy tờ 100.000 đồng rơi ở trên đường.
Nghĩ vừa cười, vừa buồn: Buồn cho hai cô gái, buồn cho anh thanh niên chạy xe máy, buồn cho đám người dừng lại hỗn loạn chỉ để nhặt tờ tiền rơi.
Bài học vỡ lòng với tất cả mọi người khi còn cắp sách đến trường, nhưng một số người lại quên ngay khi bước ra cuộc sống: Không tham của rơi.
Hạt đậu thứ hai
Lại một chuyện khác: Lỉnh kỉnh khuân vác một đống đồ đạc chuyển nhà mới. Xong việc, mình ra chợ, mua một ít đồ về thắp hương nhà mới. Anh bán hàng hoa quả bán một quả bưởi da xanh 75.000 đồng. Mình ngại mặc cả, đưa tờ 200.000 đồng. Anh ấy đưa nắm tiền lẻ trả lại, mình cũng không nhìn, nhét túi tính rồ ga chạy. Bị giữ lại. Anh chủ hàng bảo: “Còn nữa, anh đang tìm tờ 100.000 đồng trả lại”. Nếu anh không nhắc, chắc mình cũng không nhớ được. Anh ấy bảo: “Tớ bán hàng không thích lấy tiền của khách, chứ đầy người toàn tính nhầm tiền cho tớ”. Anh lại tiếp: “Tớ không lấy thừa của ai cái gì, vì nếu mình tính lận, tính gian, mình sẽ bù lại vào một chỗ khác, cho người khác, mà có khi còn mất nhiều hơn được”.
Câu chuyện này ngược với câu chuyện bên trên: Tính thật thà, trung thực luôn được đề cao, tôn trọng. Đặc biệt, nó không phụ thuộc nhiều vào học vấn của vị trí mỗi người trong xã hội. Tự dưng thấy, cuộc sống này vẫn còn có cái để mỉm cười.
Hạt đậu thứ ba
Mình lang thang đi dọc triền đê sông Đuống, vẫn triền đê cổ kính đầy gió, những làng quê hiền hòa bình yên, xuôi thêm nữa là mạn Kinh Bắc với những cái tên Bút Tháp, Chùa Dâu, Sen Hồ, Thuận Thành.
Những triền đê cỏ xanh mướt, có mấy đàn bò trốn nắng trong rặng tre già chân đê. Lúa đang bắt đầu chuyển màu vàng óng ả. Xa xa, Phật Tích mờ mờ với bức tượng Phật khổng lồ tọa trên ngọn núi. Những đền đài miếu mạo ở Bắc Ninh, phần lớn đều quay ra sông, sát mặt sông, mát mẻ và phong thủy đến thế. Mình yêu mảnh đất này, tình yêu thành thật. Thế nên, bụng vẫn bảo dạ, vẫn muốn lởn vởn về cái đất này, chén bát mì tôm có hai cái trứng cùng một chút rau cải vừa dỡ ở vạt ruộng lên, do chị chủ quán ở ngay trước cổng chùa Bút Tháp làm cho. Rặng nhãn lùn cổ thụ xanh mát và tươi tốt phủ trước cổng chùa. Thích!
Ôi Kinh Bắc… Sống đê cổ, năm nào mình cũng 1-2 lần lăn qua, lăn lại, mà mỗi lần, lại trĩu nặng một nỗi buồn, chẳng nỗi buồn nào giống nỗi buồn nào. Như là cảm giác tự thán trước sông dài, trời rộng, cây cỏ, bến bãi đìu hiu, hoang vắng…
Có lẽ tình yêu quê hương, xóm làng là bài học ngọt ngào nhất với mọi người khi còn cắp sách đến trường. Bài học được giáo dục cẩn thận đó, theo năm tháng, lớn lên đi theo hành trang cuộc sống mỗi người.
Tôi luôn tin, còn rất nhiều hạt đậu đỏ giữa cuộc đời này, chỉ là “kém mắt” hay vội đi nhanh mà ta lãng quên chưa nhìn thấy…
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: Học đếm “đậu đỏ”
(https://doanhnhansaigon.vn/