Trần Quí Thanh
—–
Điều gì giúpTHP thành công trong giai đoạn khởi nghiệp? Phải trả giá rất cao, chịu áp lực cao và luôn luôn áp dụng câu thần chú: “Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”. Muốn được vậy thì phải học, học liên tục, không được hài lòng. Học từ công việc, học từ nhân viên, học từ trường lớp. Điều quan trọng là học xong rồi hành, không bao giờ tin lý thuyết, chỉ dùng lý thuyết để chứng minh thực tại. Sau khi thành công với thực tại rồi thì đẻ ra lý thuyết mới với những kinh nghiệm của mình để điều chỉnh sâu hơn, độc lập.
Trí nhớ tôi rất kém nhưng tại sao tôi nhớ dai? Tại vì tôi không nhớ kết quả nhưng tôi luôn nhớ logic lý luận. Cho nên khi kết quả không đúng ý tôi, thì phải kiểm tra lại lý luận. Phải có khả năng lắng nghe rất dữ. Kể cả những đứa học việc cũng phải lắng nghe nó. Mặc dù chủ yếu bọn nó nói tầm bậy. Nhưng trong cái tầm bậy ấy có những cái đáng để lắng nghe. Mình không công kích cái nói bậy đó, vì nó tư duy một cách ngây thơ thì gợi cho ta nhiều thứ mà do thói quen cũ ta không nhìn thấy.
Không có “cơ may” đi làm thuê, nhưng trong quá trình khởi nghiệp đó tôi học được từ tất cả mọi người. Khi tôi dạy họ làm thì tôi cũng suy nghĩ về điều đó luôn. Và bản thân mình cũng phải nỗ lực để hay hơn, để có cái dạy lại chúng nó. Trong khi dạy thì tôi bắt phải nói, phải phát biểu, vì mình trả tiền cho nó nói mà. Và sau đó phải không ngừng điều chỉnh rồi thu thập từ rất nhiều thông tin để sửa đổi, xem học được cái gì mới không. Từ đó tạo cho chúng ta một khả năng tư duy độc lập. Không cần phải bắt chước đối thủ. Cái gì đúng logic thì xài, không đúng logic thì loại ra một bên.
Đối với tôi, nhân viên làm sai, thất bại cũng không sao cả, với điều kiện anh phải đưa ra logic tại sao làm như vậy. Khi có logic mà làm sai thì chẳng sao cả, ta có cách để điều chỉnh. Ngay bản thân mình cũng sai hoài mà, nhưng phải luôn luôn rút được bài học quý báu từ sự sai lầm đó, thì “hôm nay mới hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai” được chứ!
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)