Mê hồn trận làm luật và sửa luật

Lan Nhi/ TBKTSG

Soạn các văn bản quy phạm pháp luật có mối quan hệ với xây dựng chính sách, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhưng có nhiều dự án luật không dảm bảo chất lượng, nói như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tại cuộc họp rà soát tình hình thực thiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 diễn ra ngày 24.4:

“UB Thường vụ Quốc hội mới đây đã chính thức phê bình chúng ta khi một số dự án luật chuẩn bị chất lượng chưa đảm bảo, nội dung còn sơ sài, chưa đầu tư. Nhiều báo cáo, văn bản trong hồ sơ dự án luật thậm chí như… bản nháp, không ký, không đóng dấu theo đúng quy định”.

Vậy thì dân trong mong gì hơn?

Trần Quí Thanh

—–

Dự án Luật Thuế tài sản mới được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải sự phản ứng của công luận. Không hẳn người dân và các nhà kinh tế phản ứng về sắc thuế mà đa số các ý kiến chưa đồng tình về cách thức làm luật, dù là chỉ mới ở giai đoạn ban đầu, nhất là khi luật này tác động đến đông đảo người dân.

Cho dù cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đăng đàn giải thích, nhưng nhiều người không đồng tình với cách giới thiệu dự án luật theo kiểu “dội bom” như vừa qua.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nguyên tắc xây dựng một dự án luật là phải đảm bảo “tính khả thi” và tuân thủ đúng “trình tự”, “thủ tục”. Những tài liệu được Bộ Tài chính giới thiệu cho thấy quá trình chuẩn bị dự án luật này không đảm bảo nghiêm ngặt các nguyên tắc nói trên khi chỉ có dự thảo, tờ trình và đề cương. Vì vậy thiếu thuyết phục.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu “cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiến hành đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh”, đồng thời đánh giá những tác động tích cực, tiêu cực và so sánh chi phí lợi ích của từng phương án đưa ra…”. Như vậy, dự luật Thuế tài sản hay bất kỳ dự luật nào khác thì việc đánh giá tác động là bắt buộc.

Thậm chí việc đánh giá tính tương thích của luật này với nội dung chính sách có liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở… cũng không có. Mà theo tờ trình đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Luật Đất đai sẽ được sửa đổi, liệu nội dung sửa có theo hướng phù hợp cho việc ra đời Luật Thuế tài sản hay không?

Việc đưa ra dự luật như trên dễ gây ra sự hoài nghi của xã hội về năng lực làm luật hiện nay.

Trong vòng vài năm gần đây, đã có nhiều dự án luật trình mới hoặc sửa đổi vấp phải “vết xe đổ” bị người dân phản ứng, thiếu khả thi. Khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2015 chuẩn bị đến ngày thi hành (1-7-2015) thì Quốc hội phải ra nghị quyết tạm dừng thi hành để sửa do phát hiện có đến 90 lỗi sai sót lớn. Trước đó, Quốc hội phải ra quyết định dừng thực thi điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (2014) để thực hiện theo quy định cũ.

Điều này thể hiện quá trình làm luật ngay từ khâu đầu (thường do các cơ quan Chính phủ thực hiện) đến khâu cuối (giám sát, phản biện, thông qua tại Quốc hội) đều yếu.

Nay, nhìn số lượng các dự án luật mới và sửa đổi hàng năm, người dân đều không khỏi giật mình. Như năm 2017, ban đầu Nghị quyết Quốc hội thông qua việc xây dựng và sửa đổi 27 dự luật, sau đó nâng lên thành 29 dự luật (có 20 dự luật là trình thông qua, một số lượng rất lớn!) Trong số này, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi)… đến nay vẫn đang bị “treo” vì tính khả thi và hiệu quả của việc sửa còn quá nhiều tranh cãi.

Để chuẩn bị cho sự điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018, vào tuần trước Chính phủ đã trình việc xây dựng và bổ sung 22/23 dự luật. Trong số này có một dự án luật thật ra là sửa nhiều luật (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị). Việc này là để “phục vụ” cho việc thi hành Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ năm 2019. Vì Luật Quy hoạch có nhiều nội dung “đụng” với các luật khác nên phải rà soát, sửa đổi các luật có liên quan này.

Vấn đề là, theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật thuộc Quốc hội khi thẩm tra dự án luật được Chính phủ trình thì một số nội dung sửa đổi chính sách lớn đã không có báo cáo, đánh giá tác động. Trong nhóm bốn luật mà theo Chính phủ là cần sửa đổi để tương thích với Luật Quy hoạch nói trên, chỉ cần sửa Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Hai luật còn lại không có nội dung liên quan đến quy hoạch nên không cần sửa. Ngay trong hai luật cần sửa cũng có quá nhiều nội dung ngoài quy hoạch mà Chính phủ kết hợp sửa đổi. Như Luật Xây dựng dự kiến sửa đổi, bổ sung tới 45 điều, bãi bỏ 8 điều, tổng số là 53 điều, chiếm đến 31,55% tổng số điều luật của luật này. Trong khi đó, chỉ cần sửa 11/53 điều là đã thống nhất với Luật Quy hoạch. Với Luật Quy hoạch đô thị, Chính phủ định sửa cả nội dung liên quan đến quy hoạch nông thôn là nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch. Ủy ban Pháp luật thống kê được, trong bốn luật được đề nghị sửa đổi, chỉ cần sửa 19/77 điều đề nghị là đã đồng bộ với Luật Quy hoạch, phần còn lại không liên quan gì.

 

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

Link bài: Mê hồn trận làm luật và sửa luật

(http://www.thesaigontimes.vn/271831/Me-hon-tran-lam-luat-va-sua-luat.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *