Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi bác Dr Thanh,
Cháu thật bất ngờ bác đã trả lời cháu một cách gần như tức thì, cảm phục bác vô cùng. Và cảm ơn bác thật nhiều.
Còn một câu hỏi nữa cháu muốn gửi tới bác: Các startup thường lúng túng khi các nhà đầu tư hỏi câu hỏi này: Em (cháu) cần bao nhiêu vốn cho dự án này? Phần lớn bị “đánh trượt” vì đưa ra con số quá lớn hoặc quá nhỏ. Theo bác, về nguyên tắc cần phải trả lời nhà đầu tư thế nào để không bị “đánh trượt”? Mong bác trả lời giùm cháu.
Kính chúc bác vui khoẻ và may mắn.
Lý Hoài Miên (Hải Phòng): haiphongcuatoi19@gmail.com
—–
Lý Hoài Miên mến!
Đối với phần lớn startup, huy động vốn là việc khó khăn vì không dễ thuyết phục các nhà đầu tư. Startup nào cũng cho rằng sản phẩm của mình là độc đáo, sẽ thành công, nhưng các nhà đầu tư có kinh nghiệm không dễ chạy theo cảm xúc.
Cháu nên nhớ là hiện nay, có quá nhiều startup chào mời các nhà đầu tư, cho nên bị lẩn vào đám đông đó, không bao giờ huy động vốn thành công. Cháu phải tạo sự khác biệt mới gây được sự chú ý của các nhà đầu tư và tạo được niềm tin để họ tham gia.
Sách vở nói về gọi vốn quá nhiều, bác không quan tâm đến mớ lý thuyết đó, mà rút ra bài học từ chính cuộc đời mình, từng mời gọi vốn và từng được người ta gọi mời lại mình. Bác đưa ra 3 nguyên tắc này để cháu tham khảo nhé.
Trước hết là minh bạch: Nói đúng sự thật về sản phẩm và tình trạng kinh doanh. Các startup trẻ thường hăng máu, quá “nổ” về sản phẩm của mình để đưa ra giá cao. Chỉ cần nghe con số trên trời là các nhà đầu tư chán nản, không cần quan tâm nữa.
Bảo đảm chắc chắn, không nói hai lời: Cháu đưa ra số vốn cần huy động, ví dụ 1 triệu USD, nhà đầu tư thắc mắc vì sao nhiều như vậy. Cháu nói để tôi kiểm tra lại. Câu trả lời này coi như vứt. Cháu phải trả lời, chứng minh một cách rạch ròi từng con số, từ chi phí doanh nghiệp đến dòng tiền lưu động, làm sao để nhà đầu tư thấy rằng đúng chính xác là cần sử dụng 1 triệu USD.
Xây dựng kế hoạch chi tiết: Kế hoạch hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là thước đo đối với các nhà đầu tư. Cháu chia ra bao nhiêu giai đoạn, mỗi giai đoạn bao nhiêu tháng và đưa ra cam kết thực hiện đúng kế hoạch. Căn cứ vào kế hoạch, nhà đầu tư chỉ góp vốn giai đoạn đầu, nếu cháu kinh doanh thành công theo kế hoạch thì đóng tiếp vòng sau. Đồng vốn huy động được chia từng giai đoạn để giảm áp lực cho nhà đầu tư và tăng tính hiệu quả trong sử dụng vốn. Khi cháu đã có được niềm tin vì thực hiện đúng cam kết đối với từng vòng gọi vốn, thì càng về sau cháu không cần phải lo gì nữa. Các nhà đầu tư sẽ hỏi cháu cần bao nhiêu để họ đưa cho cháu, đơn giản vì cháu đã cho họ thấy năng lực thực sự của cháu và quan trọng là niềm tin. Trong kinh doanh, khi tạo được niềm tin thì đã thành công một nửa.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)