Khát vọng lớn nhất là viết nên một huyền thoại

Trần Quí Thanh 

Nguồn hình: internet

—–

Dạ, Đan xin chào Chú với tất cả sự khâm phục của 1 độc giả “Chuyện Nhà Dr. Thanh”.

Con xin chúc Chú luôn mạnh từ tinh thần đến sức khỏe. Chú cứ thong thả trả lời giúp con một số chuyện của cty gia đình con nha Chú.

Bên con phân phối điện lạnh: tủ đông, mát, cây nước nóng lạnh, máy lạnh…tương đối gọi là thành công với doanh số mỗi năm vài trăm tỷ. Có được như hôm nay là công sức của Ba và Má con hết, nhà có 4 anh em đều cùng quản lý cty mỗi người 1 khâu đó Chú.

Chú, nếu gia đình quản lý mỗi người một ý, thì mình làm sao để thống nhất được đây Chú. Ví dụ, đứa 1 làm Kinh Doanh, đứa 2 làm Nhân Sự thì cái lương luôn là gây lộn nhau để được mức lương cao hơn barem lương hiện tại của cty khi cần thay người. Cái này luôn là vấn đề khi Kinh Doanh thay đổi Sale đó Chú.

Hiện tại cty có các phòng ban như: nhập khẩu, kinh doanh, kho, bảo hành, nhân sự, showroom, kế toán trên dưới 250 người. Thật sự mà nói, tụi con quản cty chưa tốt vì rất nhiều lý do. Con đang rất sợ, cái cảnh như slogan của Chú, không thay đổi là chỉ có chết, không bây giờ thì là bao giờ, nên con lo lắm. Tụi con chỉ dưới quyền Ba và Má nên làm được nhiều việc. Nhưng con cần là mình phải làm đúng việc và đi đúng hướng để đi lên. 

Chú chỉ con cách sử dụng tư vấn như thế nào là an toàn. Khi con nói mình rất cần tư vấn thì nhà con lại sợ thông tin cty bị bán ra ngoài. Khi con nói cần kiểm toán lại cũng sợ như vậy. Hiện tại Phòng Kế Toán chỉ kiểm tra chéo thôi Chú. Vừa rồi, sinh nhật đứa kế toán mà phòng Kinh Doanh tặng 1 lẳng hoa bự luôn. Tự nhiên con thấy không ổn.

Nếu mình dùng tư vấn thì nên là tư vấn nguyên 1 cty hay từng khâu, từng bộ phận vậy Chú.

Tết sắp đến, lại đau đầu với công nợ đây Chú. Có 1 nhà sỉ, 1 nhà bán điện máy lớn ở Sài Gòn, luôn luôn cố tình giữ mức nợ 9 tỷ, 10 tỷ…quanh năm. Đến cuối năm, trả nợ chừng 50% hay 60% của số nợ đó mà còn ép bên con phải chi lại 1.5% mới chịu trả 1 cục vậy. Ba con ức lắm, nhưng để bán được hàng thì phải chìu họ. Phải làm sao đây Chú.

Con còn nhiều lắm sẽ hỏi Chú thêm vào lúc khác. Cảm ơn Chú đã tạo điều kiện cho con được hỏi và học hỏi.

Thân mến

Uyên Đan (Sài Gòn): danikaemail@yahoo.com

—–

Cháu Uyên Đan mến!

Trước hết, cháu phải hiểu rõ được khái niệm công ty gia đình thì mới điều hành đúng và có các phương pháp quản trị đúng.

Công ty gia đình là một mô hình doanh nghiệp chứ không phải là một gia đình. Cũng giống như hãng hàng không giá rẻ có nghĩa là một mô hình kinh doanh, không phải là rẻ rúng.

Mô hình doanh nghiệp gia đình khác với các doanh nghiệp khác đó là, một cá nhân trong dòng họ khởi nghiệp, sáng lập, và chính thành viên trong gia tộc đó quản lý, điều hành doanh nghiệp. Đã là doanh nghiệp gia đình thì cha truyền con nối.

Tuy nhiên, khi hoạt động doanh nghiệp, thì tách rời giữa việc cá nhân trong một gia đình với cá nhân trong một doanh nghiệp. Nhập nhằng giữa hai vị trí này là phá nát doanh nghiệp ngay lập tức. Gia đình có gia phong, gia quy, doanh nghiệp có quy tắc, điều lệ, có văn hóa doanh nghiệp. Quan hệ ứng xử của một doanh nghiệp khác với quan hệ ứng xử của một gia đình.

Nói thật cụ thể, ở nhà, vợ là vợ, con là con, nhưng ở công ty, vợ giữ vị trí trưởng phòng là trưởng phòng, con phó tổng giám đốc là phó tổng giám đốc, điều hành và xử lý công việc theo vị trí, trách nhiệm, quyền hạn đúng với vị trí được phân công. Không có chuyện mẹ con hay anh em gì ở đây hết. Nếu như vì cả nể để bỏ qua trách nhiệm, thì công ty đó sớm muộn cũng phá sản, về húp cháo với nhau.

Ở một doanh nghiệp bình thường đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong quản trị một, thì doanh nghiệp gia đình còn đỏi hỏi gấp đôi, gấp ba, bởi vì nếu không thì dễ dàng bị tình cảm cũng như quan hệ gia đình chi phối.

Vì thuộc tính cha truyền con nối, cho nên phải tìm kiếm tài năng quản lý bên trong gia đình và giao quyền, phân quyền ở từng vị trí thật rõ ràng, chịu trách nhiệm cụ thể, thưởng phạt công bằng, không xuê xoa cho qua, gây bất công ngay đối với những thành viên trong gia đình cũng như đối với người ngoài gia đình.

Doanh nghiệp gia đình phát triển mạnh, trở thành tập đoàn lớn, sở hữu tài sản lớn thì phải xây dựng bản đạo luật gia đình, quy định minh bạch về sở hữu tài sản, chuyển giao, thừa kế, đồng thời quy định về những điều được làm và không được làm và nhiều quy định khác. “Nước có quốc pháp, nhà có gia quy” rất đúng trong trường hợp này.

Kế thừa trong một doanh nghiệp gia đình không phải là ôm tài sản để hưởng thụ, mà nhận trách nhiệm, nhận sứ mệnh của người sáng lập, của gia tộc để phát triển, tạo ra danh tiếng, lợi ích cho xã hội, cho đất nước.

Chú đã từng nói, trách nhiệm của những người thừa kế trong gia tộc Trần Quí Thanh là có tầm nhìn, có tư tưởng, khát vọng lớn nhất là để lại một huyền thoại, một động lực cho thế hệ sau.

Cho nên, khi mỗi thành viên đều suy nghĩ, đều mang triết lý đó đi theo hành trình kinh doanh của mình, thì sẽ nỗ lực để làm việc lớn, để viết nên huyền thoại, không còn tính toán những chuyện ích kỷ, nhỏ nhen theo kiểu “lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp, giấc mơ con đè nát cuộc đời con” (Chế Lan Viên).

Chúc cháu thành công.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1956@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

One Comment

  • Thiệt cảm ơn lời khuyên của Chú, trước tiên phải là bản đạo luật gia đình. Quá đúng Chú ạ! Chúc Chú mạnh nha Chú Thanh!

    Reply

Bình luận

Required fields are marked *