Khi anh không muốn về nhà

Nhật Dương/ Báo Phụ nữ Tp HCM

Anh tụ tập cùng bạn bè tới khuya để về ngủ, sáng hôm sau lại đi tiếp, vì anh sợ về nhìn mặt chị (Ảnh minh họa)

—–

Ngôi nhà vốn là nơi để trở về, mà có ngày anh cũng thấy sợ, chỉ muốn trốn tránh. Thay vì về nhà sau mỗi giờ tan sở, anh lại tụ tập bạn bè, mãi tới tận khuya mới về.

Trước đây, khi nghe người ta nói hôn nhân là mồ chôn của ái tình, như bao người đang yêu khác, anh chỉ thấy buồn cười. Tình yêu ngọt ngào thế này làm sao mà tắt được. Vậy mà cuộc sống thật khéo lôi người ta theo hướng chẳng ngờ. Vợ anh trở thành người vợ hay cằn nhằn trong truyền thuyết, anh thì mỏi mệt với những trách cứ, thở than của vợ.

Ngôi nhà vốn là nơi để trở về, mà có ngày anh cũng thấy sợ, chỉ muốn trốn tránh. Thay vì về nhà sau mỗi giờ tan sở, anh lại tụ tập bạn bè, mãi tới tận khuya mới về, chỉ để ngủ, và ngày hôm sau lại đi. Vòng luẩn quẩn ấy biến anh thành một gã chồng vô tâm. Nhưng quả thực, cảm xúc của anh đã trơ lì, nước mắt hay câu nói nào của vợ cũng chẳng làm anh xúc động hay vui buồn. 

Trơ lì dường như là cách anh bảo vệ mình. Phụ nữ có nước mắt để giải tỏa cảm xúc, nhưng đàn ông thì khác. Tổn thương hay mỏi mệt cũng chỉ biết lặng im, và xây nên một bức tường kiên cố để tránh những lần “tra tấn” cảm xúc từ vợ. Và vì càng chôn chặt trong lòng, càng trở nên chai sạn. Dần dà, mối quan hệ vợ chồng tụt dốc không phanh. Anh trở thành kiểu ba không: “Không biết, không nghe, không thấy”. Nên vợ càng trách cứ, anh càng xa lánh.

Kỳ thực không có người đàn ông nào muốn người phụ nữ của mình phải khổ, nhưng nếu cố gắng mãi vẫn không khiến họ hài lòng, không vui, không động viên, thì họ cũng sẽ bi quan và buông xuôi, mặc kệ. Khi bước chân ra đường, trách nhiệm trên đôi vai người đàn ông rất lớn. Họ vừa phải đảm bảo vị trí, sự thừa nhận từ xã hội, lại phải gồng gánh gia đình trên vai. Chẳng ai bắt ép, nhưng sinh ra là đàn ông, bản thân hai từ đó đã có sức nặng rồi. Anh không phải đang cố gắng biện minh cho sự vô tâm của mình, nhưng quả thực, anh cũng rất thèm nhận được sự cảm thông, động viên và dịu dàng của vợ.

Cho đến một ngày, một người bạn cũ mời cả nhóm đến nhà ăn tối. Bữa tối diễn ra ấm cúng, người vợ đằm thắm dịu dàng. Vợ chồng bạn cứ như một đôi mới yêu chứ không phải đã có với nhau hai mặt con. Buổi gặp hôm ấy khiến anh suy nghĩ nhiều. Nghĩ lại, vợ anh cũng nhiều ưu điểm, và đã luôn cố gắng chu toàn gia đình. Anh biết vợ cũng mệt mỏi nhiều lắm mới trở nên như vậy. Thời gian qua anh đáng trách, vì đã cố né tránh cảm xúc, không đối mặt, cũng không thẳng thắn trao đổi và thay đổi. Nghĩ vậy, nhưng mới để đó thôi, vì bức tường vô hình bấy lâu nay, đâu phải ngày một ngày hai mà phá vỡ. 

Mới đây, có dịp gặp nhau hàn huyên khá lâu, trong cuộc nói chuyện anh có lời khen dành cho gia đình của bạn. Cậu bạn liền bật cười: “Cậu biết bí quyết của tớ là gì không? Chỉ 30 phút cuối mỗi ngày thôi. Tớ sẽ hỏi han vợ và lắng nghe cô ấy nói”.

30 phút mỗi ngày nghe vợ nói, các anh làm được không? (Ảnh minh họa)

Anh như được “giác ngộ”. Đàn ông hay quên, nên hay để trôi đi những cơ hội trò chuyện. Im lặng lâu, chuyện không thành có, chuyện bé xé ra to. Vợ chồng gần gũi cũng xa cách, rồi xa lạ… Lập “thời gian biểu” hẳn hoi như vậy là cần thiết, để không có công việc hay bạn bè nào giành mất thời gian anh trò chuyện với vợ.

Anh bắt đầu sửa sai với 30 phút mỗi ngày như vậy. Những cuộc chuyện trò như một liều thuốc. Vợ anh đã dịu dàng hơn. Cô đã chịu cười – nụ cười mà lâu rồi anh tưởng đã tắt. 

Phụ nữ tưởng phức tạp hóa ra lại rất giản đơn. Hạnh phúc chỉ từ sự quan tâm nhỏ nhoi đó có khi còn khiến họ ấp ủ đến tận hôm sau. Chỉ 30 phút so với 24 giờ mỗi ngày, thật là một cái giá quá rẻ cho một hạnh phúc vững bền. 

 

NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM

Link bài: Khi anh…

https://www.phunuonline.com.vn/khi-anh-khong-muon-ve-nha-a1420601.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *