Khi đàm phán không ăn nói hai lời

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi chủ blog Trần Quí Thanh

Thưa bác,

Cháu vừa phát hiện ra blog của bác, trong đó có mục “Chat với mọi người” rất rất rất bổ ích vơí các startups. Thật là mừng. Vì vậy cháu vội vàng gửi đến bác câu hỏi này ( Theo yêu cầu “ Hãy viết thư cho tôi” của bác): Cháu làm CEO đã 5 năm nhưng luôn luôn gặp khó khăn trong đàm phán với các đối tác. Bác có thể bật mí bí quyết đàm phán của bác được không ạ?

Kính chúc bác sức khoẻ ạ.

Trần Mai Linh (Hà Nội): mailinh_yeuhanoi@gmail.com

—–

Trần Mai Linh mến!

Đàm phán là một chuyên môn thuộc nhiều ngành nghề, trong đó có ngành kinh doanh. Nói là chuyên môn mới đúng tầm của nó, bởi vì đàm phán không chỉ là kỹ năng, ăn nói hoạt bát như người ta tưởng.

Đã là chuyên môn có nghĩa là bài bản, có tính khoa học, được nghiên cứu, được đúc kết để có những nguyên tắc chung. Từ các nguyên tắc đó, mỗi người vận dụng, sáng tạo tùy theo đối tượng, hoàn cảnh. Lúc đó, đàm phán được nâng lên hàng nghệ thuật.

Bác chia sẻ kinh nghiệm của cá nhân bác, cháu tham khảo nhé.

Sự tự tin: Phải tin vào bản thân mình, dù đối tác là ai, tên tuổi lớn cỡ nào cũng đừng choáng ngợp. Hãy đặt mình bình đẳng trong đàm phán, cho dù mình là một doanh nghiệp nhỏ. Nếu có thời gian, cháu đọc cuốn sách Vượt lên người khổng lồ – Competing With Giants của con gái bác Trần Uyên Phương, trong đó sẽ có những case study về đàm phán không chỉ trong nước mà tầm quốc tế của Tân Hiệp Phát và bác là người trực tiếp đàm phán. Đó là thực tế, không chỉ là lý thuyết về sự tự tin của một người đi đàm phán.

Sự chân thành: Nếu ai đó nói làm ăn là phải mưu mô, lươn lẹo, đàm phán là phải lừa người ta thì đó là sai lầm. Trong đàm phán, đã không nói thì thôi, còn đã nói phải đúng, trung thực, không ăn nói hai ba lời. Thông tin đưa ra cho đối tác không đúng thì đừng bao giờ tìm kiếm niềm tin và sự hợp tác ở nơi họ.

Sự thấu hiểu: Đàm phán không chỉ nói ra, mà còn lắng nghe, phải nghe đối tác nói và thấu hiểu được họ. Có được tình cảm chân thành thực sự giữa hai bên thì chuyện khó mấy cũng thành. Hiểu được khó khăn của đối tác, mong muốn được chia sẻ, xây dựng hình ảnh của đối tác, cân bằng lợi ích của hai bên. Đàm phán mà chỉ nói về mình, không biết đến cảm xúc và suy nghĩ sâu xa của đối tác thì chắc chắn gánh thất bại.

Sách vở hướng dẫn về đàm phán nhiều, cháu có thể tìm đọc, nghiên cứu thêm một số kỹ năng.

Chúc cháu thành công.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *