Khi doanh nghiệp “nửa nạc nửa mỡ”

Trần Quí Thanh

Nút thắt của thị trường mua bán than sản xuất điện năng hiện nay nằm ở sự can thiệp giá và hạn chế nguồn cung. Ảnh: THÀNH HOA (Báo TBKTSG)

—–

Chúng ta nói về kinh tế thị trường nhiều nhưng trên thực tế, còn nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh rất phi thị trường và xung đột giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) là một ví dụ điển hình.

Trước việc khan hiếm than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, lãnh đạo TKV khẳng định đã cung cấp đủ than cho ngành điện, ngược lại lãnh đạo EVN lại cho rằng TKV chưa cung cấp đủ than cho EVN.

Hai doanh nghiệp cãi nhau trong vụ này không đơn giản là việc riêng của họ, thiên hạ ngồi nghe chơi cho vui, mà ảnh hưởng tới nguồn điện cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất của cả nước. Tui không dám lạm bàn ai đúng ai sai vì đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chỉ xin nói đến nguyên nhân và hệ lụy của nó.

Nói thẳng cho nó khỏi mất thời gian bạn bè, nguyên nhân là hoạt động kinh doanh của cả hai doanh nghiệp này nửa nạc nửa mỡ, có nghĩa là nửa thị trường, nửa kế hoạch bao cấp.

Sự can thiệp vào thị trường của các cơ quan nhà nước hay các quyết định mang tính chỉ đạo sẽ làm méo mó thị trường, và sẽ tạo các kẽ hở cho các nhóm lợi ích khai thác.

Khi doanh nghiệp còn thuộc quốc doanh hay cổ phần hóa nhưng chủ yếu vốn nhà nước, thì đó vẫn là môi trường sinh sôi các nhóm lợi ích.

Kinh doanh trong môi trường toàn cầu, không quốc gia nào lại có thể tách rời khỏi quy luật của thị trường toàn cầu, và than cũng vậy. Chúng ta không thể chơi kiểu “săn, bắt, hái, lượm”, trong nước sản xuất than rồi dành để xài trong nước, khoán trắng cho ngành than cung cấp than cho ngành điện, điều này quả là phi thị trường.

Toàn cầu, hội nhập về kinh tế thì theo quy luật cung cầu của toàn cầu. EVN có thể chủ động nhập khẩu than từ nhiều thị trường khắp thế giới để có nguồn nguyên liệu tốt nhất, giá cạnh tranh nhất để sản xuất điện.

Và TKV cũng vậy, chủ động tìm kiếm thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, ký hợp đồng ngắn hoặc dài hạn, nhưng trên cơ sở lợi ích cho doanh nghiệp.

Quy luật cạnh tranh gay gắt của thị trường bắt buộc các doanh nghiệp phải “động não” để thích nghi, về năng lực dự báo, kế hoạch sản xuất, thay đổi công nghệ để tối ưu hóa hoạt động sản xuất, đạt đến chi phí sản xuất thấp nhất. Và hội nhập toàn cầu còn đòi hỏi doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường cho trái đất này.

EVN và TKV đều đang rơi vào tình trạng đã cao tuổi nhưng chưa trưởng thành, luôn có sự chỉ bảo phải làm như thế này, phải làm như thế khác.

Phải thoát ra khỏi cái vỏ bao cấp bằng cách cổ phần hóa, nhưng dù trong chiếc áo mới mang tên cổ phần hóa cũng chưa chắc đã thoát được tư duy cũ.

 

Sài Gòn ngày 12/12/2018

TQT

Đọc thêm bài, Link:  Khủng hoảng điện than: Khi thị trường còn bị can thiệp giá

(https://www.thesaigontimes.vn/282519/khung-hoang-dien-than-khi-thi-truong-con-bi-can-thiep-gia.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *