Khi được tin và yêu (Phần 2)

Trần Quí Thanh

—–

30 tết tui có chia sẻ với các bạn về KHI ĐƯỢC TIN VÀ YÊU – tui mượn bóng đá để nói chuyện kinh doanh. Hôm nay mời các bạn theo dõi tiếp nghe.

Tui nghĩ đã là kinh doanh thì không ai không nỗ lực cả. Ai mà chẳng muốn mình thành công. Nhưng ngoài chuyện thành công về tiền bạc, những doanh nghiệp lớn luôn bị thôi thúc với màu cờ, sắc áo hay trách nhiệm với dân tộc mình. Và tôi nghĩ người chiến thắng là người không bao giờ bỏ cuộc. Thậm chí càng khó khăn, thách thức thì họ càng phát huy hết năng lực tiềm ẩn ở bên trong để chiến thắng. Và những lúc đó, chỉ cần một sự động viên khích lệ, chỉ cần được tin và yêu, họ càng có thêm sức mạnh để chiến thắng. Tinh thần “chiến đấu” hay chấp nhận “thử thách” là điểm chung dễ nhận ra của kinh doanh và bóng đá. Có được tinh thần đó thì mới có quyết tâm để đi đến tận cùng.

Dù có nhiều điểm chung như vậy nhưng cuộc chiến đấu trên sân cỏ và ngoài thương trường khác nhau nhiều lắm. Trong kinh doanh, ngoài cam kết mục tiêu không bỏ cuộc thì đòi hỏi quá nhiều kỹ năng. Tuy nhiên, điều mà làm cho nhiều doanh nghiệp chưa bức phá lên vị thế cao hơn, một trong những lý do là họ chưa đặt ưu tiên cho việc thoả mãn khách hàng lên hàng đầu nên dùng toàn lực để nâng cao chất lượng, dịch vụ và xây dựng thương hiệu thông qua việc đầu tư chiều dài, chiều sâu.

Cũng như trong thế hệ bóng đá vàng hiện nay, tôi nghĩ trong kinh doanh một trong những yếu tố cần thiết là đầu tư về con người để xây dựng lực lượng kế thừa. Cái khác biệt giữa những doanh nghiệp với nhau là tạo sự bền vững về đầu tư con người.

Đa số chúng ta thất bại khi tuyển nhân sự vào là tuyển sai người. Câu hỏi trăn trở của rất nhiều doanh nghiệp trong đó có tui là sao để tuyển đúng? Cái tui cần tìm là những người cùng văn hoá – cần thống nhất với nhau cái gì là đúng.

Tất nhiên phải có chuyên môn tối thiểu nhưng quan trọng hơn là “tinh thần làm chủ” để chủ doanh nghiệp giao nguồn lực cho họ. Vấn đề là họ có làm chúng ta tin để giao cho họ không? Tin cái gì? Họ có tính chính trực không? Họ có luôn tìm cách thỏa mãn khách hàng không? Hoặc chúng ta có kiểm tra sự kiên định, sự tuân thủ của họ không? Chứ mới vô làm mà có sai phạm thì luôn tìm cách đổ lỗi và bào chữa thì sớm muộn gì cũng thất bại thôi.

Đào tạo chuyên môn dễ hơn. Cái khó hơn là đào tạo thái độ, xây dựng văn hoá hành xử theo giá trị cốt lõi. Một số công ty đưa ra khái niệm quản lý tài năng. Tân Hiệp Phát (THP) không chọn đào tạo theo kiểu quản lý tài năng mà xây dựng tài năng qua thái độ và hành xử theo giá trị cốt lõi. Họ phải nắm được giá trị cốt lõi của THP để là hình mẫu cho nhân viên của họ và là đại sứ của THP. Mỗi cấp đều phải xây dựng lực lượng kế thừa. Tất cả mọi việc làm đều phải được viết ra hết, thông qua quy trình, hướng dẫn công việc. Đánh giá lớn nhất là thái độ. Cái gì chúng ta cho là đúng, cái đó mới quan trọng. Tất nhiên nó còn thuật lãnh đạo, và tính sở hữu công việc… Để làm được những chuyện này không dễ và cũng có khi ban quản trị điều hành được thuê vào không có phẩm chất đó thì làm sao hiểu được và phát triển công ty đúng hướng?

Cuối cùng, tui nghĩ trong đào tạo bóng đá cũng như doanh nghiệp, để thành công chúng ta cần có bốn yếu tố chính của văn hóa:

+ Thái độ: Không gì là không thể.

+ Tinh thần toàn vẹn : Nói gì làm nấy và làm đúng cách, đúng thời gian.

+ Tinh thần sở hữu công việc: Giao cho anh thì anh cần làm chủ nguồn lực đó. Luôn làm với thái độ của người chủ cho dù ở vị trí bảo vệ. Anh ta luôn coi đó là sở hữu của mình, biến thành của mình.

+ Tinh thần chăm sóc khách hàng: mọi tổ chức, mọi phòng ban đều lập ra để thỏa mãn khách hàng chứ không chỉ bộ phận bán hàng. Phải luôn luôn nghĩ anh thành lập ra để phục vụ người ta chứ không phải người ta phục vụ anh.

Trần Quí Thanh

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *