Không bao giờ nói lời dối trá

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

—–

Kính gửi bác Trần Quí Thanh

Chúng cháu cảm ơn bác đã có blog Trần Quí Thanh để cho các start up như chúng cháu ngày ngày vào kiếm bài học tập.

Thư này chúng cháu gửi bác câu hỏi: Muốn giao tiếp tốt cần phải làm sao ạ? Chúng cháu hỏi bác câu này sau khi đã đọc hàng chục bài dạy về giao tiếp, càng đọc càng bối rối bác ạ.

Chờ bác trả lời, cảm ơn bác

Chúc bác và đại gia đình THP đại an, đại phát.

Kính

Lê Nguyên- Hoàng Thuý Hà (vợ chồng CEO đó bác)

Email: nguyenyeuhalamlam@gmail.com

—–

Lê Nguyễn – Hoàng Thúy Hà mến!

Hình như bác cũng có trao đổi với một nhóm bạn nào đó về đề tài giao tiếp rồi, trả lời với nhiều bạn với rất nhiều đề tài nên bác không nhớ hết nữa, nhưng bác vẫn dành thời gian trao đổi với hai cháu.

Hai vợ chồng cháu là doanh nhân, có doanh nghiệp và chồng là CEO, thì giao tiếp không chỉ giới hạn trong quan hệ xã hội bình thường, mà giao tiếp như một công cụ trong hoạt động quản lý điều hành và kinh doanh.

Người giao tiếp thu hút được sự chú ý và tình cảm của người khác trước hết là biết lắng nghe. Bất cứ ai, khi trò chuyện với người khác, mà thể hiện sự chia sẻ bằng cảm xúc thật lòng thì sẽ có ấn tượng tốt.

Nhưng đó là chuyện xã giao ngoài đời, còn khi mình làm sếp, là một CEO, thì việc chịu khó, kiên nhẫn lắng nghe cấp dưới  và nhân viên là một sự khó khăn không dễ vượt qua. Thường thì sếp “luôn luôn đúng”, vì thế dân công sở có chuyện hài hước rằng: “Điều 1 sếp luôn đúng. Điều 2 nếu sếp sai, xem lại điều 1”. Có nghĩa là, rất nhiều sếp bảo thủ, tự cho mình là số 1, nên không còn khả năng lắng nghe.

Công sở thì được, còn công ty mà không lắng nghe thì xong. Cho nên, cháu phải “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Nghe được ý kiến của cấp dưới, chia sẻ khó khăn của nhân viên bằng cả tấm lòng thì đó là sức thuyết phục cao nhất.

Chưa kể, khi biết lắng nghe, cháu sẽ khai thác được nhiều ý kiến hay, nhiều sáng kiến bất ngờ. Đừng quên rằng, đôi lúc chỉ cần một sáng kiến xuất sắc, sẽ thay đổi vận mệnh của một doanh nghiệp.

Đó là giao tiếp đối nội, còn đối ngoại lại cần thêm nhiều kỹ năng khác, trong đó là tạo được niềm tin với đối tác. Có nhiều người ăn nói lưu loát, nhưng không thuyết phục, vì trong những lời nói đó người ta thấy có sự đãi bôi, không thật.

Trong làm ăn, khi giao tiếp với đối tác, có thể cháu không nói hết những gì thuộc về doanh nghiệp của mình để bảo đảm an toàn thông tin, bí mật kinh doanh, nhưng khi nói ra thì không bao giờ nói sai, nói lời dối trá.

Làm doanh nhân, chính khách hay nhà thường dân, thì tiêu chuẩn cao nhất vẫn là làm một người tử tế. Hãy nói điều hay, làm việc đúng, cam kết thì thực hiện, hứa thì giữ lời. Khi đã sống được như vậy thì đã có mấy phần thành công trong cuộc đời.

Chào hai cháu nhé, có gì cứ gửi thư cho bác.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *