Không thể lắp ráp ốc vít hiện đại vào cỗ máy quá cũ

Trần Quí Thanh

Chào anh Thanh!

Tôi vốn là giáo viên người Sài Gòn, rời Tổ quốc lâu năm nhưng bao giờ cũng theo dõi rất kĩ tình hình đất nước. Tôi đọc blog mấy tháng nay, rất thích và cảm phục anh bận rộn như thế vẫn lập được blog rất có chất, vẫn viết đều những bài viết hay.

Biết anh quan tâm đến giáo dục  nên gửi tới anh câu hỏi này, ngõ hầu tìm được tương giao:

Nghe nói Bộ GD& ĐT đang đem chương trình giáo dục tiểu học Phần Lan vào Việt Nam, nhiều người tỏ ra lo ngại trong đó có tôi. Giáo dục Phần Lan tất nhiên là tốt rồi nhưng dùng nó cho giáo dục Việt sẽ rất bất cập. Sự khác biệt văn hoá, chế độ xã hội dẫn đến nền giáo dục khác nhau. Bất cập lớn nhất là chỗ đó. Khéo không trẻ con Việt bị ăn nồi lẩu văn hoá không hợp thời, lợi bất cập hại.

Xin anh cho ý kiến về vấn đề này.

Kính

Lê Minh Tư (Chicago): tu_le_minh07@gmail.com

 —–

Anh Lê Minh Tư thân mến,

Anh trao đổi về giáo dục là tui ưng bụng lắm, đặc biệt là vấn đề nóng hổi đang được xã hội quan tâm là nhập khẩu chương trình giáo dục của Phần Lan.

Lê Minh Tư ở Mỹ chắc quá hiểu về chương trình giáo dục của các nước tiên tiến khác xa với Việt Nam. Cái khác đó không đơn giản chỉ là ý chí của nhà làm giáo dục, mà còn phụ thuộc vào chế độ chính trị, năng lực của nền kinh tế quốc gia của mỗi nước.

Hệ thống giáo dục của Phần Lan và các nước Bắc Âu thì khỏi bàn, sự tiến bộ của nó được thế giới thừa nhận, nhưng bạn biết đó, bởi vì nó là Phần Lan.

Chúng ta không thể lấy một bộ phận cơ khí hay ốc vít quá hiện đại để lắp ráp vào một cổ máy quá cũ hoặc khác hệ thống vận hành. Cho nên, áp dụng toàn bộ chương trình giáo dục của Phần Lan vào Việt Nam chắc chắn không phù hợp.

Tui xin lấy ví dụ cụ thể, mấy năm nay có nhiều ý kiến đề xuất cho xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, chống độc quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa. Các cá nhân, tổ chức có năng lực có quyền biên soạn sách giáo khoa theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo định ra. Thế nhưng đến nay, tình trạng độc quyền sách giáo khoa chưa được phá bỏ.

Nhưng ở Phần Lan, thầy trò của họ có quyền chọn sách giáo khoa mà họ muốn. Chỉ chừng đó sự khác biệt thôi cũng không “lắp ráp” hai hệ thống lại được.

Còn nữa, Chính phủ Phần Lan có đủ tiền lo cho công dân của họ như mẹ chăm sóc con, bao cấp toàn bộ, cho nên nền giáo dục của họ được thiết kế dựa trên những điều kiện tốt nhất về tài chính.

Và, sự khác biệt lớn nhất là một bên theo lối giáo dục áp đặt, một bên có triết lý giáo dục khai phóng.

Nếu học họ, thì chỉ có thể lựa chọn cái gì phù hợp với điều kiện của mình, thế thôi anh Tư nhỉ!

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

 

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *