Thanh Tuyền/ Báo Tuổi Trẻ
Dịp lễ 30/4-1/5 vừa rồi có một đề tài được bàn luận sôi nổi trên báo chí cũng như mạng xã hội, đó là “nên hay không đi chơi ngày lễ?”.
Nói vậy thôi, chứ xin hỏi không đi chơi ngày lễ thì đi chơi ngày nào?
Dịp lễ vừa qua có lịch nghỉ kéo dài 4 ngày, đó là cơ hội cho nhiều người đi chơi, nhất là sau hơn một năm bị dịch COVID-19 cầm chân.
Những người không chọn dịp lễ này để đi chơi, có lẽ là do họ không có nhu cầu, hoặc họ có nhiều điều kiện để đi chơi vào những dịp khác. Còn phần đông, đi chơi dịp nghỉ lễ là đương nhiên.
Điều mà tui quan sát và suy nghĩ là chuyện khác, đó là hạ tầng giao thông của Việt Nam.
Từ Sài Gòn đi Đà Lạt chỉ 300 km, nhưng bình thường đi mất 6 -7 tiếng, còn khi kẹt xe thì vô chừng, đó là do hạ tầng. Bao nhiêu năm nay không làm nổi đường cao tốc, chỉ sử dụng quốc lộ 20 đã quá lạc hậu, thì làm sao phát triển du lịch, phát triển kinh tế được.
Tương tự, đường đi Phan Thiết, mới chỉ có đoạn cao tốc Sài Gòn – Dầu Giây, đoạn tiếp theo đang làm, chưa biết khi nào xong.
Sài Gòn đi Vũng Tàu, cũng chỉ mới một đoạn cao tốc đến Long Thành, còn lại cũng “con đường xưa em đi”.
Có cao tốc nhưng hệ thống đường kết nối lạc hậu thì cũng vô ích, cao tốc thành thấp tốc.
Bởi vì, xe cộ từ cao tốc ra quốc lộ bị nghẽn, ùn ứ lại hàng cây số, thì cao tốc cũng chẳng khai thác được. Từ phía Vũng Tàu về Sài Gòn, mắc ở đầu ra đường Mai Chí Thọ, coi như xe nằm hết trên cao tốc.
Cho nên, vấn đề không phải là đi du lịch bị kẹt xe, mà là nền kinh tế bị “mắc kẹt” vì hạ tầng giao thông. Trong nền kinh tế chung đó có kinh tế du lịch.
Trần Quí Thanh
—–
Có rất nhiều nguyên nhân khiến kỳ nghỉ lễ trở thành đợt “hành xác” khi hàng vạn người chôn chân trên đường. Nào là do trạm thu phí đường cao tốc không xả trạm, nhiều xe vẫn thu phí có dừng, đặc biệt là lượng xe tăng đột biến…
Còn có nguyên nhân mà mọi người phải chịu đựng dài dài, đó là đường kết nối TP.HCM với các tỉnh thành khác quá tệ.
Dù đã có nhiều quy hoạch nhưng đến nay phần lớn đường kết nối TP.HCM với các tỉnh thành đều là đường độc đạo hoặc nghẽn cổ chai. Ngày bình thường, các tuyến đường này cũng nghẽn, ùn tắc, nói chi ngày nghỉ lễ.
Hàng vạn người dân đi chơi lễ đã thấm thía cảnh kẹt xe, càng chia sẻ những vất vả mà giới tài xế chở khách, hàng hóa giữa các tỉnh thành phải chịu đựng nhiều năm qua. Thật khó hình dung vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp hơn 45% GDP và 42% tổng thu ngân sách cả nước lại có hệ thống hạ tầng “vừa đi vừa nghỉ” thế này!
Vì sao đến nay từ TP.HCM đi Vũng Tàu chỉ có quốc lộ 51? Vì sao đường về Bình Dương, qua quốc lộ 13 chỉ rộng rãi ở Bình Dương nhưng đủ loại “cổ chai” ở TP.HCM? Vì sao đường cao tốc Bến Lức – Long Thành góp phần giảm áp lực cho xe từ Vũng Tàu, Đồng Nai về ĐBSCL không phải qua TP.HCM vẫn dở dang nhiều tháng qua? Bao giờ hoàn thành các tuyến đường vành đai 3 (có qua TP.HCM – Đồng Nai – Bình Dương – Long An) và đường vành đai 4 (trong đó đi qua TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu), dù hai dự án này được Chính phủ xác định là hai dự án trọng điểm quốc gia, vốn lên cả trăm ngàn tỉ? Rồi kế hoạch mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây khi nào mới rục rịch?…
Chỉ kể tên dự án thôi cũng đã ngổn ngang, nói chi thực hiện. Ai cũng thấy hạ tầng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn yếu kém, nhưng phá thế độc đạo hay mở rộng thêm đường còn khó hơn cả thay trời làm mưa. Bao nhiêu cuộc họp, rất nhiều hội thảo kết nối vùng, hàng loạt chỉ đạo, “tối hậu thư” được đưa ra nhưng vẫn ít thấy mở thêm đường!?
Vừa rồi, vì sốt ruột, TP.HCM và nhiều tỉnh thành xung quanh cũng muốn làm đường kết nối. Nhưng muốn là một chuyện, triển khai là chuyện khác. Cứ nhìn vào tiến độ triển khai các dự án đường vành đai sẽ thấy giữa sốt ruột, bức xúc với triển khai là một khoảng trống mênh mông…
Có hai cái lo lớn rất khó vượt qua đó là vốn và giải phóng mặt bằng. Về vốn, các phương thức sử dụng vốn xã hội hóa đang dần bị thui chột, khi có rất ít nhà đầu tư bỏ vốn làm đường vì xã hội “dị ứng” với BOT và cho vay để làm BOT không còn nằm trong diện “ngó ngàng” của ngân hàng. Thứ hai là giải phóng mặt bằng, giá đất cứ lao lên thế này, sau này đền bù sẽ gặp muôn vàn khó khăn, chẳng biết khi nào mới có được đất sạch.
Cứ thế này, giao thông ở phía Nam còn nhiều bức xúc và dịp nghỉ lễ vừa rồi chỉ là một phần của bộ phim dài nhiều tập “đường sá quá tệ”. Nếu Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, chính quyền các địa phương không làm việc gấp nhiều lần những gì đã làm trong thời gian qua, và làm nhưng phải có hiệu quả, phải “có sản phẩm”, ví dụ như chốt quý 2-2021 hoàn tất đền bù để bàn giao mặt bằng, hoặc 30-4, rồi 2-9 thông xe… thì người dân, nhất là cánh tài xế vẫn mãi mơ được một ngày “bon bon” đi Vũng Tàu, về miền Tây hay đến Bình Dương…
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Không thể….
https://tuoitre.vn/khong-the-