Không tự ti về thân phận nhược tiểu

Em Nguyễn Lê Hoài Anh, một học sinh lớp 12 ở tỉnh miền núi Lào Cai, được học bổng toàn phần trị giá 6,5 tỉ đồng vào Trường Đại học Stanford danh tiếng của Mỹ.

Đối với một tỉnh miền núi xa xôi ở phía Bắc, có một học sinh giỏi như vậy là một niềm tự hào. Lào Cai tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng cho em. Tui là người yêu mến những tấm gương học giỏi, dù ở tận trong Nam, cũng vui như người ở quê nhà em vậy.

Nguyễn Lê Hoài Anh không chỉ khơi nguồn cảm hứng cho học sinh tỉnh nhà, mà cho học sinh, sinh viên cả nước. Bất kỳ ai, dù ở thị thành hay nông thôn, nếu quyết tâm học hành, rèn luyện, thì sẽ đến ngày đặt chân đến những trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới. Nguyễn Lê Hoài Anh còn truyền ngọn lửa niềm tin cho giới trẻ Việt Nam, người Việt Nam thông minh thật sự, có thể ngang tài ngang sức với bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Tại sao chúng ta lại không tin tưởng một cách mãnh liệt như vậy.

Khi được hỏi những yếu tố nào khiến em được hội đồng tuyển sinh ĐH Stanford chấp nhận? Hoài Anh đáp: “Em nghĩ yếu tố quyết định việc em được nhận vào Stanford là sự quyết tâm”.

Câu trả lời về sự quyết tâm khơi nguồn cảm hứng và niềm tin không chỉ cho giới trẻ mà cho cả cộng đồng, ví dụ như giới doanh nhân của thời kỳ hội nhập.

Chúng ta không thể tự ti về thân phận nhược tiểu, mà dám nghĩ lớn, làm lớn, đạp sóng cả để ra biển lớn. Một học sinh cấp 3 quyết tâm chinh phục học bổng vào Stanford, thì tại sao một doanh nhân không quyết tâm chinh phục thị trường nước ngoài hay cạnh tranh được với sản phẩm của nước ngoài ngay tại trên đất mình.

Tui nhớ năm 2003, khi đưa ra tầm nhìn công ty, có một giám đốc của công ty tui cho rằng xây dựng Tân Hiệp Phát tầm nhìn châu Á là không thể, vì làm sao cạnh tranh được với Coca và Pepsi. Tui nói người Mỹ có Coca, Pepsi, Hà Lan thì có Unilever, mỗi đất nước có sự tự hào của họ. Tui không tin người Việt Nam chúng ta kém hơn họ, chúng ta phải có thương hiệu ra thế giới chứ, chẳng lẽ đất nước này chỉ để cho người ta đến thuê mình gia công. Và kết quả là, năm 2003, sản phẩm Number 1 chiếm 1% thị phần, nhưng hiện nay chiếm 18%, trong lúc Coca chỉ chiếm 12% thị phần.

Tui kể chuyện này không phải để khoe khoang, mà muốn gửi gắm một điều, chúng ta đừng tự ti, hãy tự tin về trí tuệ và phẩm cách của người Việt.

Cám ơn học sinh Nguyễn Lê Hoài Anh đã cho tui cảm hứng để chia sẻ suy nghĩ cùng các bạn.

Trần Quí Thanh

Nguyễn Lê Hoài Anh (sinh năm 1999) giành học bổng toàn phần 6,5 tỷ đồng từ ĐH Stanford mùa này
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *