Thu Hoài/ Báo Điện tử VOV
Một nghiên cứu về chính sách mới đây của Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế cho thấy, kinh tế thế giới có thể tránh được kịch bản lạm phát phi mã nhưng cái giá phải trả có thể sẽ là đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn, thậm chí là suy thoái. Các ngân hàng trung ương đang đứng trước lựa chọn có thể một lần nữa phải đưa ra những phản ứng chính sách mạnh mẽ hơn nhiều so với dự đoán.
Lạm phát toàn cầu đã tăng trong năm qua từ dưới 2 – 6%, cao nhất kể từ năm 2008. Lạm phát hiện nay đang vượt quá mục tiêu của ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và các thị trường mới nổi. Theo Giám đốc truyền thông của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Gerry Rice, cuộc xung đột tại Ukraine được dự báo sẽ làm tăng hơn nữa rủi ro lạm phát trong năm nay.
“Xung đột Nga- Ukraine đã gây ra sự gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là đối với thực phẩm và năng lượng, dẫn tới tăng chi phí sinh hoạt, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Và nếu xuất hiện các dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ cao trong trung hạn, tôi cho rằng các ngân hàng trung ương có thể sẽ buộc phải phản ứng nhanh hơn dự đoán bằng cách tăng lãi suất. Sự gián đoạn trong các lĩnh vực đầu nguồn sẽ có tác động vượt ra ngoài các mối quan hệ đối tác thương mại song phương” – Giám đốc truyền thông của Quỹ tiền tệ quốc tế nói.
Cơ quan thống kê Liên bang Nga mới đây biết tỷ lệ lạm phát tại nước này đã lên đến 16,7% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2015, trong khi giá thực phẩm thậm chí còn tăng mạnh hơn.
Tại Mỹ, nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang phải đối mặt với những lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ lạm phát có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái. Lạm phát của nước này là 7,9% trong tháng 2, cao nhất trong 40 năm.
Hi vọng duy nhất lúc này là Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tìm ra cách tăng lãi suất và giảm nhẹ đầu tư kinh doanh, cũng như chi tiêu tiêu dùng. Tuy nhiên, theo GS. Robert Pollin tại Đại học Massachusetts, điều này sẽ không hề dễ dàng.
“Vấn đề là những gì chúng ta gặp phải bây giờ là sự kết hợp của việc tăng lương khiến giá cả tăng lên, bên cạnh các vấn đề chuỗi cung ứng do Covid-19 và các vấn đề liên quan đến dầu mỏ. Và Cục Dữ trữ liên bang cũng vậy. sẽ không thể giải quyết tất cả những điều này” – GS. Robert Pollin nêu ý kiến.
Tại châu Âu, các nước Liên minh châu Âu cũng đang phải tính đến chuyện thay đổi kế hoạch chi tiêu và phục hồi quốc gia chỉ chưa đầy 1 năm sau khi được thông qua do tác động cả xung đột và lạm phát. Theo ước tính sơ bộ của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) lạm phát hàng năm của Khu vực đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) tăng lên mức kỷ lục 7,5% vào tháng 3, cao nhất kể từ năm 1997. Người tiêu dùng tại châu Âu cũng ngày càng cảm nhận được rõ những tác động của lạm phát.
Châu Á dù chưa đến mức khủng hoảng, song một số nhà kinh tế không loại trừ áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Tiến trình phục hồi hậu đại dịch không chắc chắn, cùng với xung đột Nga-Ukraine đã làm gia tăng lo ngại về nguồn cung lương thực dài hạn và giá cả trong tương lai.
Theo Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, các ngân hàng trung ương như Cục dự trữ liên bang Mỹ đã rút ra bài học từ tình trạng lạm phát kéo dài trong những năm 1970, đủ để “kịch bản đen tối” không xảy ra một lần nữa. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương có thể sẽ lựa chọn đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái hơn là tình trạng lạm phát kèm suy thoái và sau đó là một cuộc suy thoái tồi tệ hơn nhiều./.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-toan-cau-truoc-moi-lo-kep-lam-phat-va-suy-thoai-post936392.vov