Tiến sĩ Đinh Duy Hoà/ Báo VietNamnet
Với tư duy kỹ trị của một Bí thư Tỉnh ủy, ông Phạm Minh Chính đã thực hiện các cải cách quyết liệt, trong đó phải kể đến bốn việc nổi bật.
Một là tìm người giỏi bằng thi tuyển công khai, công bằng. Hai là cải cách hành chính bằng cách thành lập Trung tâm hành chính công đầu tiên của cả nước. Thực hiện đề án tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Hai việc còn lại là hai khâu đột phá để phát triển kinh tế, đó là thực hiện chiến lược quy hoạch địa phương và xây dựng hạ tầng giao thông.
Hiệu quả của các việc trên thì đã rõ, hiện thực về Quảng Ninh hôm nay chứng minh thuyết phục.
Và nhiệm kỳ này, với vai trò là người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ông Phạm Minh Chính sẽ điều hành cơ quan hành pháp như thế nào? Một vị Thủ tướng, một nhà kỹ trị sẽ tạo ra các sản phẩm thể chế và chính sách mới, đưa Việt Nam thành quốc gia cường thịnh.
Với tư cách là một ông chủ của doanh nghiệp tư nhân, tui có niềm tin rằng, Tân Thủ tướng sẽ có những chính sách phù hợp để hỗ trợ, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Chúng ta hãy chờ đợi và hy vọng.
Trần Quí Thanh
Tân Thủ tướng đã được Quốc hội bầu ra. Chặng đường 5 năm tới của Chính phủ phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu.
Rất có thể, tân Thủ tướng sẽ nhanh chóng xác định phương châm hành động chủ yếu của Chính phủ trong thời gian tới. Một Chính phủ hành động, một Chính phủ phục vụ, một Chính phủ năng động, sáng tạo hay một Chính phủ kiến tạo phát triển…?
Định hướng chuẩn, chính sách chuẩn
Cho dù là phương châm nào đi chăng nữa thì đối với người dân không có gì hơn một cuộc sống bình an, công ăn việc làm ổn định, đồng tiền có giá, con cháu được học hành tử tế, có việc ra xã, lên huyện ngày càng dễ chịu hơn và đối với doanh nghiệp, đó là gánh nặng hành chính bớt nặng đi, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, đến cửa quan như đến nhà bạn bè, chiến hữu…
Thủ tướng là người định hướng cho hoạt động của Chính phủ. Định hướng chuẩn của người đứng đầu Chính phủ sẽ ra chính sách chuẩn, chính sách chuẩn sẽ ra thể chế chuẩn và cuối cùng là kết quả chuẩn trong thực tiễn triển khai thể chế. Ngược lại, sẽ là kìm hãm, cản trở sự phát triển của xã hội. Mà Việt Nam ta vẫn đang trong bước chuyển sang kinh tế thị trường, bức tranh lợi ích đầy các sắc thái, cạnh tranh phức tạp… nên sẽ có khá nhiều định hướng hoàn toàn khác nhau cho sự lựa chọn.
Doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều, có cần sự hiện diện của nhà nước đến mức như vậy không hay có thể “buông“ một cách nhẹ nhàng? Phải chăng dẹp bộ máy, chỉnh biên chế, mấu chốt là nhà nước bớt ôm đồm đi rồi mới đến thuật dụng nhân? Chính sách, thể chế đối với kinh tế tư nhân đã thực sự coi đây là một động lực quan trọng trong phát triển của đất nước? Thể chế về đất đai kiểu gì mà khiếu kiện của dân chúng vẫn tập trung ở mảng này…
Chỉ dẫn ra vài vấn đề như vậy đã thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của người đứng đầu Chính phủ trong dẫn dắt con thuyền Chính phủ.
Người dân, xã hội đang trông đợi và cũng đặt ra nhiều kỳ vọng vào người đứng đầu Chính phủ. Cho dù có sự khác biệt lớn về hệ thống chính trị giữa Việt Nam và nhiều nước, nhưng có một điểm chung quan trọng, đó chính là đảng cầm quyền giữ vai trò quyết định trong lựa chọn các nhân sự cấp cao của nhà nước.
Tân Thủ tướng trước hết là sự lựa chọn của ban lãnh đạo cao nhất của Đảng. Tân Thủ tướng có trở thành sự lựa chọn của người dân, của doanh nghiệp, của xã hội hay không phụ thuộc cuối cùng vào hành động và kết quả của Chính phủ dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu trong thời gian tới.
Áp lực quả là không nhỏ và áp lực này có vẻ lại gia tăng trước thực tế người đứng đầu Chính phủ chưa hề có một ngày hoạt động trong Chính phủ.
Nhìn lại lịch sử, từ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến các vị thủ tướng sau này đều đã kinh qua hoạt động trong Chính phủ, giữ nhiều chức vụ trong Chính phủ, từ phó thủ tướng rồi mới trở thành thủ tướng.
Con đường “truyền thống“ này lần đầu tiên thay đổi và biết đâu cái áp lực, cái “ngoại lệ“ này lại là sự thách thức lớn để người đứng đầu Chính phủ tạo ra những kỳ tích mới. Suy đến cùng, lãnh đạo Chính phủ cũng vẫn là lãnh đạo con người – các thành viên Chính phủ và xét rộng ra là lãnh đạo cả 63 người đứng đầu hành chính các tỉnh, thành trong cả nước vốn là cái đã được thử thách và khá thành công nơi tân Thủ tướng trên nhiều trọng trách công tác thời gian qua.
Từng bộ trưởng phải chứng minh năng lực của mình
Nói đến Chính phủ không thể không nói đến các vị bộ trưởng. Trước khi gia nhập “gia đình” Chính phủ, mỗi vị bộ trưởng đều để lại sau mình một hành trang chính trị đủ mạnh, đủ sức thuyết phục để ban lãnh đạo cao nhất của Đảng lựa chọn họ là thành viên Chính phủ: Người là bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh, người công tác tại ban Đảng Trung ương, người đã từng là bộ trưởng một nhiệm kỳ…
Giờ đây, cùng với tân Thủ tướng, từng bộ trưởng phải chứng minh năng lực của mình, trước hết là năng lực tư lệnh ngành, lĩnh vực. Nhìn lại nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua với lần lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội và đặc biệt là với cảm nhận của dân chúng từ thực tiễn dễ dàng cho thấy ai là bộ trưởng giỏi và ai là bộ trưởng kém.
Xây dựng và hoàn thiện thể chế được xác định là một trong các đột phá chiến lược thì đây chính là “chiến trường” kiểm nghiệm năng lực của các vị tư lệnh ngành. Thể chế về kinh tế, tài chính, đất đai, môi trường, công chức, công vụ, giáo dục, y tế… liên quan trực tiếp tới các vị bộ trưởng tương ứng. Hy vọng nhiệm kỳ này sẽ có sự kiểm nghiệm thực sự năng lực này của các vị bộ trưởng.
Kế đến là trách nhiệm của từng vị bộ trưởng đóng góp vào hoạt động chung của Chính phủ.
Thực tiễn cho thấy dường như các vị bộ trưởng đều cố gắng, đều đặt trọng tâm vào làm tròn vai của mình với tư cách là tư lệnh ngành, còn các hoạt động khác của tập thể Chính phủ đương nhiên là cái sau cái trọng tâm. Chính phủ thảo luận và thông qua một dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét thì sự quan tâm của các bộ trưởng cũng có mức độ, bởi việc đó thuộc trách nhiệm chuẩn bị của một bộ khác, không phải bộ mình. Đây là một trong các nguyên nhân chủ yếu làm cho chất lượng thể chế, chính sách còn thấp. Và đây cũng là điểm phát hiện ra từ lâu nhưng chưa có sự chuyển biến đáng kể.
Sự liên kết trong Chính phủ số
Mặt khác, sự giữ mình, tính “cục bộ“ của các thành viên Chính phủ như vậy lại càng bất ổn trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự liên kết, hội nhập, thâm nhập lẫn nhau giữa các ngành, lĩnh vực ngày càng sâu đậm hơn, chi phối và tác động lẫn nhau hơn.
Chỉ xem xét vài ngành, lĩnh vực là thấy ngay vấn đề này. Công nghệ thông tin, kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số không còn là xa vời và vì vậy, chất lượng quản lý, các quyết định, thể chế, chính sách của tư lệnh ngành Thông tin – truyền thông đang chi phối mạnh tới hoạt động của các tư lệnh ngành khác.
Chất lượng giáo dục đang tác động tới tất cả các ngành, lĩnh vực do các bộ khác ngoài Bộ Giáo dục – Đào tạo. Đầu ra của giáo dục sẽ là một phần quan trọng của đầu vào công vụ. Đầu ra này mà kém thì chẳng bao giờ hy vọng tư lệnh ngành Nội vụ có được một đội ngũ người nhà nước ngon lành. Mà đội ngũ này như vậy thì làm sao có thể yên tâm về thể chế, chính sách, về một bộ máy trong sạch, về một nền hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả.
NGUỒN: Theo Báo VietNamnet
Link bài: Kỳ vọng…
https://vietnamnet.vn/vn/