Làm chính sách tốt sẽ chữa được bệnh “sợ trách nhiệm”

Trần Quí Thanh

Minh hoạ của Ngọc Diệp/ Báo Dân trí

—–

Chào anh Trần Quí Thanh,

Trước hết chúc mừng Tân Hiệp Phát đã lọt vào “Top 10 Sự kiện, Nhân vật nổi bật của Kinh tế Việt Nam năm 2018” do báo Soha bình chọn. Sau nữa cám ơn anh đã trả lời rất nhanh thư meo của tôi. Bài viết “Nghị định 20 là một loại điều kiện kinh doanh phi lý” thật mạnh mẽ, trung thực, xác đáng. Cảm phục anh.

Nay tôi lại tâm sự với anh một chuyện khác. Hồi tôi làm CEO DNNN không sợ gì chỉ sợ cán bộ, nhân viên của mình mắc bệnh “sợ trách nhiệm”. Đó là bệnh xã hội lây nhiễm rất nhanh vào các DNNN, thực tế không sao chống được căn bệnh này. Thế nhưng tại sao tư nhân chống được,Tân Hiệp Phát là một ví dụ.

Xin anh cho ý kiến, chúc anh vui khỏe.

Ông Đức Khả (Đà Nẵng): Kha_da_nang1952@gmail.com

—–

Anh Ông Đức Khả mến!

Trước hết xin gửi tới anh lời chúc mừng năm mới.

Bệnh sợ trách nhiệm tồn tại trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và ngày càng có dấu hiệu trầm trọng hơn, vì nguyên nhân sau đây.

Một người năng động, dám nghĩ, dám làm, nhưng trong hệ thống pháp luật rối rắm, không rõ ràng, minh bạch thì việc phá rào rất nguy hiểm. Nếu làm thành công thì không sao, nhưng thất bại thì bị quy kết đủ điều, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thậm chí, vào thời điểm này làm thành công thì được khen ngợi, nhưng sau đó, khi liên quan đến một vụ việc nào khác, bị lôi ra, xem xét trách nhiệm, bị cho rằng đã làm sai nguyên tắc, không đúng quy định của pháp luật. Trên thực tế, có nhiều người đã dám phá rào, và họ đã chịu nhiều phen lên bờ xuống ruộng.

Những khái niệm như “linh động” trong xử lý công vụ, kinh doanh trong hệ thống doanh nghiệp quốc doanh rất dễ gặp rủi ro. Muốn linh động vì các quy định ràng buộc không làm việc được, nhưng sẽ phải trả giá vì sự linh động đó.

Những vụ án vừa đưa ra xét xử gần đây cho thấy, nhiều bị cáo trình bày trước tòa rằng thời điểm đó quy định không rõ ràng, nên họ vận dụng để giải quyết công việc, không nhận thức đầy đủ đó là hành vi vi phạm pháp luật. Trong một số trường hợp, khi theo dõi vụ án, tui tin rằng họ nói đúng bản chất của vụ việc. Họ phải chịu trách nhiệm nhưng không phải do họ cố tình làm sai.

Chính vì thực tế đó, nên nhiều người thấy “gương tày liếp” của người khác nên không dám làm, không dám linh động hay vận dụng, ngồi yên, làm đúng theo quy định cho nó chắc. Và chính vì tư duy này, nên mọi việc cứ trì trệ, trong giải quyết công vụ cũng như kinh doanh của doanh nghiệp quốc doanh.

Cũng từ bệnh sợ trách nhiệm này, nhiều người lấy cớ để không làm việc, không năng động, họ luôn cho rằng, làm tốt thì là việc chung, nhưng có sai sót thì một mình gánh chịu. Không làm thì không sai, ngồi yên là an toàn nhất. Có nhiều người lên chức cao ngất, chỉ nhờ vào sự khôn lõi này.

Trong khối doanh nghiệp tư nhân, không phải sợ trách nhiệm với nhà nước mà chỉ với ông chủ. Ban điều hành thực hiện sản xuất kinh doanh và chịu trách nhiệm với hội đồng quản trị, tất cả được quy định rõ ràng trong điều lệ, trong hợp đồng của hai bên. Đối với nhà nước, mất một đồng cũng coi như vi phạm pháp luật, nhưng với tư nhân, đó là tiền của tư nhân, họ chịu trách nhiệm với chính họ. Doanh nghiệp tư nhân có thế mạnh hơn doanh nghiệp nhà nước chính là điểm này đây.

Để chữa căn bệnh này, chỉ có liệu pháp duy nhất là xây dựng hệ thống pháp luật có chất lượng điều chỉnh minh bạch tất cả mọi hành vi, để người thi hành căn cứ vào các quy định của pháp luật mà thực hiện nhiệm vụ. Khái niệm nhà nước pháp quyền chinh là điều hành xã hội bằng pháp luật.

Một giám đốc doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, nhưng các hoạt động kinh doanh đúng luật thì họ không vi phạm hay sai phạm, họ chỉ là một doanh nhân kém trên thương trường.

Nói cho đến cùng, thì vấn đề chỉ ở chỗ kiến tạo chính sách, làm chính sách tốt sẽ giải phóng được mọi nguồn lực trong xã hội cũng như trong bộ máy nhà nước. Và đó cũng là thuốc chữa trị bệnh “sợ trách nhiệm”.

Chào anh, chúc anh khỏe, giữ liên lạc nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *