Hoàng Thắng/ Báo TBKTSG
—–
Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để trao đổi các vấn đề liên quan đến mở cửa kinh tế, trong đó sự chuyển hướng phòng chống dịch sang thích ứng đã quá rõ.
Nhưng “thích ứng an toàn” mới là bài toán cần có lời giải, còn mỏ cửa để rồi phải đóng ngay lại vì dịch tái bùng phát thì cũng chẳng nên mở để làm gì.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là Việt Nam có an toàn hay không?
Trước tiên hết là tiêm vaccine, nếu như từ giữa năm 2021 được xem là tiêm chủng chậm, thì tính đến đầu tháng 10, tiêm hơn 40 triệu mũi một, và khoảng 10 triệu người đạt mũi hai.
Riêng TPHCM, gần như 100% người dân từ 18 tuổi trở lên đều được tiêm vaccine.
Về xét nghiệm, tại TPHCM trong mấy ngày liền, với hơn 1 triệu mẫu xét nghiệm mỗi ngày, tỉ lệ dương tính chỉ khoảng 0,2%, điều này cho thấy ca nhiễm đang giảm mạnh.
Về vùng xanh, mỗi ngày có thêm nhiều tỉnh xanh, quận huyện xã phường xanh. TPHCM có thêm quận Phú Nhuận và Gò Vấp đạt chuẩn xanh.
Với tất cả các điều kiện đó, Việt Nam có thể tự tin để “thích ứng an toàn”.
Như vậy, cứ bình tĩnh mở cửa nền kinh tế, ai đã có thông hành vaccine thì tự do đi lại, buôn bán làm ăn.
Nhà nước có gói hỗ trợ nghe đâu có thể lên gần 40.000 tỉ đồng, đây là nguồn lực rất lớn giúp cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Nhưng, sự hỗ trợ nhanh, tích cực, hiệu quả nhất là mở cửa cho dân làm ăn, với điều kiện chấp hành quy định phòng dịch cùng với thông hành vaccine.
Khi hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi thì đúng là “dân tự nuôi nhau”, hay nói đúng hơn là dòng tiền chảy mạnh trên thị trường thì tiền sẽ đẻ ra tiền mà thôi.
Trần Quí Thanh
—–
Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, áp dụng biện pháp hạn chế di chuyển một cách thông minh và tăng cường hỗ trợ đối tượng yếu thế. Điều này sẽ giúp Việt Nam sớm ‘thích ứng an toàn’ với Covid-19, theo các chuyên gia.
Những tồn tại trong nền kinh tế
Chia sẻ tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế – xã hội do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 27-9, ông Jacques Morisset – Kinh tế trưởng và quản lý Chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam – đánh giá Việt Nam đã chuyển từ vị trí một “ngôi sao” xuống dưới mức trung bình trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021 với một số nguyên nhân: tình hình y tế xấu đi; các chương trình tiêm chủng tiến hành chậm ngay cả khi đã được thúc đẩy tăng tốc; chính sách hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn; chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng; các chương trình trợ giúp xã hội vẫn còn hạn chế hoặc được triển khai một cách rụt rè.
Tương tự, TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – cho biết các địa phương đang áp dụng những quy định về giấy tờ đi lại trong thời gian giãn cách xã hội và phương thức chống dịch rất khác nhau. Điều này, theo ông Dũng, giống như “vòng kim cô” cho các lãnh đạo đứng đầu.
“Chúng ta áp quy định buộc người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để bùng dịch, nên chỉ cần có 1-2 ca là địa phương sẽ tiến hành “khóa cứng”. Như TPHCM khóa cứng không cho chợ dân sinh, đầu mối mở cửa, chỉ cho phép siêu thị hoạt động thì người nghèo họ không tiếp cận được, sẽ sống khốn khổ như thế nào?”, ông Nguyễn Sĩ Dũng băn khoăn.
Còn TS. Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia – nêu 3 điểm bất cập phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh.
Thứ nhất, chính sách thiếu nhất quán, giật cục, thay đổi nhanh khiến doanh nghiệp bị động. Nhưng khi sửa đổi thì lại quá chậm gây tăng chi phí, tạo ra đứt gãy chuỗi cung ứng ở nhiều thời điểm.
Thứ hai, tốc độ cải cách thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế có dấu hiệu chững lại. Tương tự, tốc độ cổ phần hóa suy giảm trong năm 2021. “Nếu làm tốt cổ phần hóa, tái cơ cấu thì chúng ta sẽ có thêm 39.000 tỉ đồng”, ông Lực nói.
Thứ ba, thu ngân sách thiếu bền vững, thất thu do doanh nghiệp khó khăn. Còn số thu từ hoạt động giao dịch đất đai và thu từ chứng khoán tăng nhanh, nhưng khó ổn định.
Linh hoạt khi áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển
Để Việt Nam sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”, ông Jacques Morisset đề xuất Việt Nam đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 do các quốc gia có chương trình tiêm chủng tích cực hơn dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2021. Ngoài ra, nên tiếp tục tăng cường xét nghiệm hàng ngày vì những người được tiêm vaccine vẫn có khả năng lây nhiễm dịch bệnh.
Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cũng đề xuất áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển một cách thông minh để cân bằng mối quan tâm về an toàn và kinh tế. Cụ thể, chính quyền nên thực hiện giám sát chặt chẽ và chia sẻ thông tin để điều chỉnh các biện pháp hạn chế di chuyển. Đồng thời, duy trì một số hạn chế di chuyển vì mọi người đều có thể làm lây nhiễm Covid-19 dù đã được tiêm chủng.
Bên cạnh đó, cần thực hiện cách ly có mục tiêu để bảo đảm hiệu quả cao nhất khi sử dụng chi phí.
Để ổn định kinh tế vĩ mô, ông Jacques Morisset khuyến nghị Chính phủ và Quốc hội tập trung nhiều hơn cho chính sách tài khóa vì đây là công cụ để kích cầu trong ngắn hạn và cung trong dài hạn, trong khi dư địa tài khóa trong hiện tại và ngắn hạn đều có thể thực hiện.
Ngoài ra, cần hạn chế áp dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tạm thời cho doanh nghiệp vì hiệu quả không cao. Chính sách này còn tăng rủi ro tài chính do nợ xấu tăng cao và thiếu minh bạch trong những gói giải cứu.
Tăng cường hỗ trợ đối tượng yếu thế
Với hoạt động an sinh xã hội, kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam khuyến nghị cần hiệu quả hơn để giảm bớt gánh nặng kinh tế, trong đó Việt Nam cần tăng cường khả năng phục hồi thông qua một hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt.
Theo đó, cần phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội từ chính sách tài khóa. Đồng thời, xây dựng một cơ quan đăng ký xã hội quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật số để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, cần mở rộng quy mô thanh toán điện tử để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.
Ông Terence Jones – quyền Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam – đề xuất nhanh chóng có chính sách hỗ trợ tiền mặt cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Lý giải đề xuất này, ông Ternce Jones cho biết các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 và Nghị quyết 68 là kịp thời, giúp giảm bớt khó khăn cho các hộ gia đình không có thu nhập do mất việc làm hoặc mất thu nhập từ công việc tự do. Nhưng hai gói này không đủ lớn và không đủ rộng về phạm vi để bảo vệ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khỏi bị mất thu nhập do phong tỏa và giãn cách xã hội.
Vì vậy, chính sách hỗ trợ tiền mặt cho đối tượng yếu thế sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế, đạt mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế. Cụ thể, cần áp dụng ngay gói trợ cấp này với các đối tượng gồm 11 triệu trẻ em từ sơ sinh tới 6 tuổi với điều kiện xuất trình được giấy khai sinh chứng minh độ tuổi; phụ nữ mang thai; 11,5 triệu người từ đủ 60 trở lên, bao gồm cả người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên với điều kiện họ không có lương hưu; người khuyết tật.
“Chính phủ có thể triển khai ngay gói hỗ trợ tiền mặt quy mô khoảng 5% GDP một quí và giải ngân ngay trong 3 tháng cuối năm nay. Số tiền này sẽ tạo ra hiệu ứng cấp số nhân với việc gia tăng tiêu dùng và tổng sản lượng kinh tế”, ông Ternce Jones nói.
Tương tự, TS. Cấn Văn Lực đề xuất cần bổ sung thêm gói hỗ trợ mới với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40.000 tỉ đồng, tương đương 0,62% GDP năm 2020. Cụ thể, mở rộng đối tượng hỗ trợ tới tất cả lao động phi chính thức với mức trợ cấp 1 triệu đồng mỗi người. Gói hỗ trợ này nằm ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68 với giá trị khoảng 29.300 tỉ đồng.
Với gói này, ông Lực dự kiến 29,3 triệu người, chiếm 53,7% lực lượng lao động là lao động tự do sẽ nhận được hỗ trợ.
Để bảo đảm chính sách hỗ trợ tiếp cận được từng người dân, ông Lực kiến nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu đăng ký, thẩm định và chuyển tiền cho dân với các giải pháp gồm cho phép đăng ký qua mạng; tận dụng hệ thống thông tin, dữ liệu hiện có và tham khảo/đối chiếu qua hệ thống dữ liệu của các tổ chức khác và tổ chức đoàn thể địa phương (nếu cần) để xác định đối tượng nhanh, trúng và đầy đủ hơn; kết hợp nhiều kênh chuyển tiền cho dân như tài khoản ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ tiền di động – mobile money.
Ngoài ra, việc thu thập thông tin đối tượng cần hỗ trợ nên được tổng hợp, đối chiếu từ nhiều nguồn nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận nhanh chóng và chính xác quyền lợi của mình.
Còn việc tổng hợp danh sách đối tượng cần hỗ trợ nên được kết hợp từ các nguồn gồm đăng ký tại địa phương, người dân tự đăng ký, đối chiếu thông tin từ danh sách người tham gia BHXH, danh sách cử tri và nguồn khác.
“Điều này sẽ hạn chế việc thu thập thiếu hoặc chậm trễ như hiện nay. Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn, cập nhật thường xuyên phục vụ công tác an sinh xã hội, cứu trợ; có sự liên thông, chia sẻ được với cơ sở dữ liệu định danh quốc gia”, ông Lực nhận định.
3 giai đoạn phục hồi kinh tế
Về kịch bản phục hồi kinh tế sau làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) – đề xuất chương trình phục hồi với 3 giai đoạn, gồm nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách. Cụ thể:
- Giai đoạn 1 (đến quí 1-2022): ưu tiên phòng chống dịch Covid-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô và thúc đẩy giải ngân đầu tư công để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn. Đồng thời, duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
- Giai đoạn 2 (đến hết năm 2023): Tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế và tạo “sức bật” cho doanh nghiệp sau khi kiểm soát dịch Covid-19.. Ngoài ra, cần duy trì việc đổi mới và cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp.
- Giai đoạn 3 (sau năm 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Làm gì…
https://thesaigontimes.vn/lam-gi-de-nen-kinh-te-thich-ung-an-toan-voi-covid-19/