Trần Quí Thanh
—–
Chào anh Dr Thanh,
Tui cùng khu phố “ Cầu Bông” ngày xưa với anh đây. Chắc anh anh quên con nhỏ hay đứng chơi trước ngõ nhà anh rồi. Vậy mà hơn nửa thế kỉ rồi, nhanh quá.
Tui vẫn hay vô trang của anh đọc, thấy anh vẫn trả lời mọi người về chuyện làm ăn. Thiệt quí đó anh. Tụi trẻ quí anh lắm.
Nay sắp hết phong toả, trở lại làm ăn. Vì đại dịch các doanh nghiệp cụt vốn nhiều, không biết làm ăn thế nào đây. Anh viết bài bày giúp tụi trẻ làm sao để có vốn làm ăn, không tội nghiệp lắm anh nà.
Chúc anh vạn an.
Ngô Thị Thương Thương (Sài Gòn): thuongthuong_1957_sg@gmail.com
—–
Ngô Thị Thương Thương mến,
Cho đến hôm nay, chúng ta có thể tin chắc một điều, TPHCM sẽ nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10 và mở cửa kinh tế theo từng giai đoạn theo phương châm “an toàn tới đâu, mở rộng tới đó”.
Các địa phương khác trong cả nước cũng vậy, sẽ mở cửa ngay tháng 10 tới, nếu có giãn cách theo Chỉ thị 16, thì cũng chỉ áp dụng trên phạm vi nhỏ nhất, không lock cả phường, cả quận như trước.
Giờ thì cả nước sốt ruột về mở cửa để phục hồi sản xuất, doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng. Hơn nữa, điều kiện hiện nay cho phép chúng ta nới lỏng giãn cách và thực hiện dần các giải pháp mở cửa nền kinh tế trong môi trường an toàn.
Đã nói đến phục hồi kinh tế, thì lực lượng doanh nghiệp đương nhiên sẽ tiên phong cho cuộc mở cửa đầy thử thách cam go này.
Ý chí có đủ, quyết tâm tràn trề, nhưng điều mà doanh nghiệp lo lắng chính là phải có đủ nguồn vốn tối thiểu để tái sản xuất kinh doanh. Đúng như điều mà chị đã nêu ra, đó là “các doanh nghiệp cụt vốn nhiều”. Trên thực tế, không chỉ cụt vốn, mà nhiều doanh nghiệp còn âm vốn nữa.
Có ba dòng vốn mà doanh nghiệp có thể tiếp cận để tái hoạt động:
Một là nhà nước chi gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Năm trước có gói 62.000 tỉ đồng, nhưng triển khai không tốt, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được.
Năm nay, hy vọng sẽ rút kinh nghiệm để thực hiện chính sách này hiệu quả hơn, đồng tiền đến với doanh nghiệp phải đạt hai yếu tố: đúng đối tượng, kịp thời.
Hai là sự hỗ trợ từ các khoản miễn giảm, trong đó có các loại thuế, phí, thuê đất, giảm lãi suất ngân hàng, hoàn trả tiền chi phí cho phòng chống dịch, trong đó chủ yếu là chi phí xét nghiệm.
Tại buổi Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế xã hội của Quốc hội hôm 27.9, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lực thương hiệu và cạnh tranh đưa ra nhận định: “Nhiều doanh nghiệp cho biết họ ít nhất phải mất hai năm mới thu hút được lao động quay trở lại. Cuối cùng là vấn đề cạn kiệt dòng tiền, doanh nghiệp cần phải được hỗ trợ bằng gói tài khóa, hỗ trợ lãi suất”.
Ba là sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp để tạo ra dòng tiền và tiết kiệm tiền. Xin lưu ý là đừng chỉ ngồi chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài mà quên mất nguồn lực từ chính bản thân.
Tiếp tục tinh gọn bộ máy, đây không chỉ là giải pháp về tiết kiệm mà còn là cải cách về nhân sự.
Chuyển đổi số để cắt giảm các khoản chi tiêu chi phí cho hoạt động thủ công như trước.
Huy động vốn từ chính nội bộ doanh nghiệp, các thành viên sáng lập cho đến nhân viên. Có niềm tin để bỏ vốn bổ sung thì sẽ quyết tâm làm việc để bảo vệ đồng tiền và phát triển doanh nghiệp.
Sáng tạo ra cái mới thay thế sản phẩm cũ để thu hút vốn từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Vậy chị Thương nhé, có gì cứ gửi thư cho tui.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)