Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?

Thiên Nhan/ Báo Zing

 

Nguồn hình: Internet

—-

Các dấu hiệu phổ biến cảnh báo bạn bị ngộ độc thực phẩm là bụng khó chịu, buồn nôn, tiêu chảy, sốt.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính khoảng 48 triệu người bị ngộ độc thực phẩm mỗi năm tại quốc gia này. 128.000 ca nhập viện vì rơi vào tình trạng nghiêm trọng và 3.000 người tử vong. Theo CDC, năm 2018, 5 độc tố chính gây ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm tại Mỹ là Norovirus, Campylobacter, Clostridium perfringens, Staphylococcus aureus, Salmonella.

Triệu chứng của người bị ngộ độc thực phẩm

CDC Mỹ cho hay triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc độc tố bệnh nhân bị lây nhiễm. Các dấu hiệu phổ biến cảnh báo bạn bị ngộ độc thực phẩm là bụng khó chịu; co thắt dạ dày; buồn nôn và nôn; tiêu chảy; sốt.

Dưới đây là những vi khuẩn gây ngộ độc phổ biến do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ thống kê:

– Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng): Các triệu chứng khởi phát từ 30 phút đến 6 giờ sau khi ăn phải thực phẩm có độc. Tụ cầu vàng có thể gây nhiễm khuẩn huyết. Người bệnh sẽ bị buồn nôn, nôn, co thắt dạ dày và tiêu chảy (không điển hình).

– Clostridium perfringens: Các triệu chứng xuất hiện 6-24 giờ sau khi nhiễm độc. Bệnh nhân bị tiêu chảy, co thắt dạ dày, nôn mửa và sốt (không điển hình). Các dấu hiệu thường xuất hiện đột ngột và kéo dài dưới 24 tiếng.

– Salmonella: Đây là vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc, bệnh nhân sẽ có biểu hiện sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy và ho khan. Tuy nhiên, một số trường hợp có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập cơ thể, trung bình 8-14 ngày.

Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm có thể gặp các tình trạng về đường tiêu hóa, nôn mửa, tiêu chảy hoặc ảnh hưởng tới thận, não, cơ. Ảnh: Freepik.

– Clostridium botulinum: Sau 18-36 giờ ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn, bệnh nhân có triệu chứng như sụp mi, nói lắp, khó nuốt, khó thở và khô miệng. Nặng hơn, người nhiễm độc tố Clostridium botulinum bị yếu, liệt cơ.

Vibrio parahemolyticus: Loại này có thể gây hoại tử cân cơ rất nhanh, do đó còn được gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”. Các triệu chứng khởi phát sau 1-4 ngày ăn phải đồ có độc, bệnh nhân bị tiêu chảy, phân kèm nước, buồn nôn, co thắt dạ dày, sốt, ớn lạnh. Vibrio parahemolyticus trú ẩn nhiều trong các động vật biển có vỏ, điển hình là hàu.

– E.coli (Escherichia coli): Bệnh nhân bị đau bụng dữ dội, tiêu chảy, phân kèm máu và nôn mửa sau 3-4 ngày. Khoảng 5-10% người nhiễm khuẩn E.coli gặp biến chứng nguy hiểm, tiên lượng tử vong.

– Cyclospora: Các triệu chứng khởi phát sau một tuần bệnh nhân bị nhiễm độc. Dấu hiệu điển hình là tiêu chảy, phân kèm nước, chán ăn, đau dạ dày, đầy hơi, buồn nôn và mệt mỏi.

– Listeria: Triệu chứng khi nhiễm khuẩn Listeria khởi phát từ 1-4 tuần sau ăn. Phụ nữ mang thai thường bị sốt, mệt mỏi, đau cơ. Nhiễm khuẩn Listeria khi mang thai có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, thậm chí sẩy thai. Những người cao tuổi bị ngộ độc thường gặp phải tình trạng nhức đầu, cứng cổ, lú lẫn, mất thăng bằng, co giật kèm theo sốt và đau cơ.

Nhiều vi khuẩn, độc tố tiềm ẩn trong các thực phẩm không được nấu chín. Ảnh: Medicinenet.

Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm

Để loại bỏ các chất độc còn sót lại trong cơ thể, nếu bệnh nhân tỉnh táo, cần được kích thích nôn.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo nếu gặp các triệu chứng ngộ độc thực phẩm (tiêu chảy hoặc nôn), nguyên tắc quan trọng là bù nước cho bệnh nhân. Người nhà nên cho nạn nhân uống nước, dung dịch có chất điện giải.

Người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu cần được bổ sung các dung dịch chứa glucose và chất điện giải. Trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ hoặc sữa công thức như bình thường.

Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm cần nghỉ ngơi, tránh các loại thực phẩm như sữa, đồ uống có cồn, gas. Thức ăn có vị cay và nhiều chất béo cũng là thực phẩm cần tránh. Người nhà nên cho bệnh nhân ăn các món dễ tiêu hóa, ít chất béo.

Người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị khi xuất hiện các triệu chứng như phân có máu; sốt cao (trên 38,8 độ C); nôn nhiều dẫn đến mất nước; tiểu ít, khô miệng và cổ họng, chóng mặt khi đứng lên; tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày.

Hầu hết vi khuẩn, độc tố có thể bị tiêu diệt khi đun nấu ở nhiệt độ cao. Do đó, CDC khuyến cáo người dân cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm sau đây:

– Bảo quản thịt sống, gia cầm, hải sản và trứng tách biệt với các thực phẩm khác.

– Rau sống, hoa quả cần được rửa dưới vòi nước sạch trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản.

– Tay, thớt, dao, nồi phải rửa sạch bằng xà bông và nước trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm.

– Không rã đông thực phẩm trong nhiệt độ phòng, thay vào đó, chúng ta sử dụng lò vi sóng hoặc tủ lạnh ngăn mát.

– Nấu chín thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp. Cụ thể, thịt bò, lợn, bê và cừu cần được nấu chín ở 63 độ C (sau đó để thịt nghỉ 3 phút trước khi cắt hoặc ăn); thịt lợn, bò xay là 71 độ C; gia cầm, thực phẩm để qua đêm là 73 độ C; hải sản: 63 độ C hoặc nấu đến khi thịt chuyển sang trắng đục.

 

NGUỒN:  Theo Báo Zing

Link bài: Làm gì…

https://zingnews.vn/lam-gi-khi-bi-ngo-doc-thuc-pham-post1126962.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *