Phiên An / theo Bloomberg, Reuters
Ba yếu tố quan trọng về nguồn cung có dấu hiệu bớt căng thẳng, mở ra hy vọng giảm tốc cho lạm phát toàn cầu.
Theo hãng nghiên cứu InSpectrum Tech, giá vật liệu bán dẫn – thước đo chi phí của các sản phẩm điện tử như máy tính xách tay, máy rửa bát, bóng đèn LED hay thiết bị y tế trên toàn thế giới – hiện chỉ còn bằng nửa mức đỉnh xác lập tháng 7/2018, và giảm 14% so với giữa năm ngoái.
Cùng với đó, chỉ số giá phân bón của Green Market cho biết giá tại Bắc Mỹ đã thấp hơn 24% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 3. Chỉ số này là một trong những thước đo mức độ lạm phát lương thực toàn cầu.
Ngoài ra, Drewry Shipping Consultants cũng ghi nhận chỉ số giá vận chuyển container giảm 26% kể từ kỷ lục hồi tháng 9/2021. Drewry World Container Index (WCI) của công ty này đo lường biến động giá cước vận tải biển hai tuần một lần của các container 40 feet trên 7 tuyến đường hàng hải chính. Vào thời điểm ngày 31/5, mức giá trung bình ghi nhận là 7.600 USD, giảm mạnh so với đỉnh là 10.400 USD.
Cụm cảng Long Beach – Los Angeles tại California, Mỹ ngày 7/4/2021. Ảnh: Reuters
Lạm phát hiện đã vượt 8% ở khu vực đồng euro. Dữ liệu của Mỹ dự kiến công bố cuối tuần này cũng có thể trên mức đó. Nhiều nước châu Á cũng không nằm ngoài xu hướng, khiến các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới phải tích cực tìm giải pháp kiềm chế lạm phát.
Khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, nhiều nhà kinh tế bắt đầu đánh giá rằng đỉnh lạm phát đã qua. Với áp lực từ phía cung giảm bớt, các ngân hàng trung ương có thể giảm tốc chính sách thắt chặt tiền tệ.
Các chuyên gia cho biết, do độ trễ trong quá trình sản xuất, người tiêu dùng hiện chưa cảm nhận được giá cả đi xuống. Một số gã khổng lồ bán lẻ như Walmart vẫn đang phải vật lộn giải phóng hàng tồn kho, do người mua sắm kém nhiệt tình hơn khi giá cả tăng cao.
Theo cuộc thăm dò mới từ Wall Street Journal và NORC thuộc Đại học Chicago, khoảng 83% số người Mỹ được hỏi cho biết tình trạng nền kinh tế kém hoặc không quá tốt. Đây là mức độ không hài lòng cao nhất kể từ năm 1972 – khi NORC – một trong những tổ chức nghiên cứu độc lập lớn nhất ở Mỹ – bắt đầu thực hiện cuộc thăm dò.
“Khi lạm phát ở một số nơi trên thế giới vẫn chưa đạt đỉnh, ít nhất cũng có một số dấu hiệu cho thấy chúng ta không còn cách bước ngoặt quá xa nữa”, Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu Châu Á tại ANZ Singapore đánh giá.
Giá sản xuất của Trung Quốc đạt đỉnh cuối năm 2021 và đang bắt đầu điều chỉnh ở mức vừa phải. Các nhà kinh tế dự báo giá hàng hóa xuất xưởng trong tháng 5 sẽ tăng 6,5% so với một năm trước đó, nhưng giảm so với mức 8% trong tháng 4.
Theo Goh, đây là tiến triển đầy hứa hẹn để giảm lạm phát hàng hóa nhập khẩu trên toàn thế giới. Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) gần nhất cũng phản ánh giá cước vận chuyển container thấp hơn và thời gian giao hàng được cải thiện, tạo triển vọng nới lỏng các nút thắt giao nhận vào cuối năm nay.
Dù vậy, giá dầu – một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến lạm phát – được dự báo vẫn sẽ cao. Hôm qua (6/6), Citi Research thậm chí còn nâng dự báo giá nhiên liệu này, do nguồn cung bổ sung từ Iran bị trì hoãn, khiến thị trường tiếp tục căng thẳng.
Citi Research đã nâng dự báo giá dầu Brent trong quý II thêm 14 USD, lên 113 USD mỗi thùng. Giá quý III và IV cũng tăng thêm 12 USD, lên lần lượt 99 USD và 85 USD mỗi thùng. Ngân hàng này ước tính giá dầu Brent đạt trung bình 75 USD mỗi thùng vào năm 2023, cao hơn 16 USD so với dự báo trước đó.
Nguồn: https://vnexpress.net/lam-phat-toan-cau-co-tin-hieu-ha-nhiet-4473214.html