Giữ chân người tài

Michael Nguyễn Minh / VNExpress

Mỗi năm, trường đào tạo quản lý uy tín hàng đầu thế giới INSEAD đều có Báo cáo đánh giá mức độ cạnh tranh về nhân tài trên toàn cầu (Global talent competitiveness index) của 134 quốc gia.

Có bốn tiêu chí chủ yếu để đánh giá một quốc gia có thu hút, khai thác sử dụng được nhân tài hay không, gồm: Hỗ trợ (phát hiện) nhân tài; Thu hút nhân tài; Bồi dưỡng nhân tài và Giữ được nhân tài.

Nơi tôi sinh sống, Singapore, luôn đứng ở nhóm thứ hạng cao nhất. Theo Báo cáo INSEAD năm 2021, Singapore đạt 79.4 điểm, xếp thứ hai toàn cầu và là quốc gia châu Á duy nhất trong nhóm này. Kết quả có được là nhờ chính sách tổng thể về trọng dụng nhân tài vốn không ngừng được cải thiện của chính quyền Singapore từ khi lập quốc (1965) tới nay.

Cũng theo Báo cáo, Việt Nam đứng thứ 82, đạt 40.85 điểm, xếp sau các nước trong khu vực như Thái Lan (68) Philippines (70) và Indonesia (82). Báo cáo độc lập của INSEAD có dịp cho chúng ta thấy rõ hơn Việt Nam đang ở đâu trong việc thu hút và sử dụng nhân tài so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tại thành phố năng động, đông dân và có môi trường kinh doanh được cho là tốt nhất Việt Nam, chương trình “thí điểm” thu hút nhân tài trong năm năm (2018-2022) của TP HCM sẽ hết hạn vào cuối năm nay, với kết quả: 14 trong số 19 nhà khoa học rời đi sau khi được chiêu mộ, và trong ba năm gần đây không thu hút được một nhân tài nào.

Như vậy là TP HCM không đạt bất cứ tiêu chí nào trong bốn tiêu chí đánh giá độ cạnh tranh về nhân tài nêu trên, hay nói một cách khác: Chính sách đã thất bại.

Chính sách thất bại giai đoạn này, chúng ta sẽ phải đối mặt với những cạnh tranh rất lớn từ các nước trong khu vực và trên thế giới sau đại dịch, thời điểm rất cần các chuyên gia, nhà quản lý giỏi để phục hồi, xây dựng và phát triển kinh tế.

Từ 31/5, chính phủ Anh đã áp dụng chính sách thị thực mới, cấp cho “High Potential Individuals”, cho phép người nước ngoài có tiềm năng phát triển cao và sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các trường đại học trong top 50 trên thế giới được tới Anh làm việc, kèm theo gia đình họ, mà không cần thư mời của công ty nhận vào làm. Trước đó chính quyền Anh cũng cho phép sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, dạy nghề của Anh được ở lại tới hai năm để tìm việc. Quyết định mới của chính phủ Anh là một phần chính sách thu hút nhân tài trên thế giới, nhằm phục hồi nền kinh tế Anh.

Gần Việt Nam hơn, Singapore đã lên kế hoạch “Vượt lên mạnh mẽ hơn” ngay khi đại dịch được kiểm soát, bằng cách thu hút nhân tài trong nước và trên khắp thế giới giúp họ thực hiện điều đó. Bộ Giáo dục Singapore, sau một thời gian giảm bớt số lượng học bổng cấp cho sinh viên trong khu vực (ASEAN Scholarship) và sinh viên quốc tế, đã bổ sung tối đa số học bổng này trong năm học 2021-2022. Một số lớn học bổng ASEAN lần này dành cho sinh viên và học sinh Việt Nam theo học tại hai trường đại học công lập lớn của Singapore. Từ những năm 1990, sinh viên quốc tế tại các trường đại học công lập có thành tích tốt được Bộ Nội vụ Singapore mời nhận thị thực thường trú nhân (cư trú dài hạn), là bước trung gian để tiến tới nhập quốc tịch Singapore.

Tựu trung lại, các nước như Anh và Singapore tập trung được số nhân tài trong nước nhờ hai nguồn chính: Thứ nhất, thu hút nhân tài có sẵn từ nước ngoài. Thứ hai, phát hiện (hỗ trợ), bồi dưỡng các tiềm năng trong nước, đào tạo sinh viên học sinh quốc tế từ các trường lớp uy tín, chất lượng cao ở chính trong nước rồi giữ chân họ lại bằng môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ tốt.

So sánh chế độ đãi ngộ dành cho nhà khoa học, nhà quản lý giỏi và môi trường làm việc của Anh, Mỹ hay Singapore với Việt Nam, chắc chắn chúng ta không theo kịp họ, và vì vậy chiến lược thu hút nhân tài từ bên ngoài về nước không thành công là một điều đoán trước được.

Phải chăng đã đến lúc xem lại chính sách đang bị coi là xây dựng từ nóc, không hiệu quả hiện nay. Có thể cần chuyển hướng tập trung vào cách tiếp cận thứ hai, chính là một giải pháp căn bản, bền vững hơn: Phát hiện (hỗ trợ) nhân tài tiềm năng, bồi dưỡng nhân tài, và giữ chân nhân tài trong nước.

Cách tiếp cận này đòi hỏi một chiến lược toàn diện, xuyên suốt, từ việc xây dựng các cơ sở đào tạo chất lượng cao, đến hoàn thiện môi trường làm việc sao cho cá nhân phát huy được đúng, đầy đủ vai trò và khả năng của mình.

Người Việt tài năng, thông minh và ở ngay trong nước, không phải tìm kiếm đâu xa. Theo trang đánh giá worldwide IQ test – xếp hạng chỉ số IQ với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới năm 2022 – thì người Việt đứng ở vị trí rất cao – xếp thứ 9 thế giới. Những học sinh, sinh viên người Việt tôi quen biết đang học tập ở Singapore phần lớn đạt thành tích rất tốt, vượt qua các sinh viên người bản địa và sinh viên quốc tế ở các môn khoa học hiện đại hay quản lý tại Đại học Quốc gia và Đại học Công nghệ Nam Dương.

Họ là một thế hệ người Việt trẻ, năng động và tài giỏi. Họ xứng đáng được phát hiện kịp thời, hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng và giữ gìn ngay trên đất nước Việt Nam.

Nguồn: https://vnexpress.net/giu-chan-nguoi-tai-4471311.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *