Trần Quốc Hùng– Kinh tế gia Mỹ (*)/ Báo TBKTSG
Sống chung với dịch Covid-19 là như thế nào? Làm sao để Việt Nam có thể “sống chung” lâu dài với dịch theo nghĩa đó?
Biến chủng Delta của SARS-CoV-2 có khả năng truyền nhiễm cao hơn gấp đôi so với nguyên chủng ở Vũ Hán (Trung Quốc), chủ yếu là vì có tải lượng virus cao hơn 1.000 lần và thời gian ủ bệnh ngắn hơn (từ sáu còn bốn ngày). Hiện nay biến chủng Delta đang hoành hành ở 124 nước và sẽ còn lan ra thêm.
Các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội có vẻ bớt hiệu lực hơn năm ngoái. Cụ thể là TPHCM đã bắt đầu giãn cách xã hội từ ngày 31-5-2021 theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, tiếp đến là nâng cấp giãn cách vào ngày 9-7 theo Chỉ thị 16, và mới đây kéo dài thời gian giãn cách đến ngày 1-8 rồi đến ngày 15-8 với biện pháp mạnh hơn (Chỉ thị 16+). Thế nhưng, độ lây nhiễm vẫn tăng mỗi ngày lên mức kỷ lục, chưa thấy dấu hiệu đạt đến đỉnh.
Chuyển từ sách lược “zero Covid” thành “sống chung với dịch”
Trong tình hình như thế – với mức lây nhiễm do biến chủng Delta tăng cao nhưng tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn trước nhiều – nhiều nước, đa số ở châu Á, đang tính chuyển sách lược đối phó từ “zero Covid” (bằng biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới để dập dịch) thành “sống chung với Covid”. Nhưng sống chung với dịch là như thế nào?
Hậu quả lâu dài của Covid mãn tính cho thấy quan điểm cứ để lây nhiễm bệnh lan tràn để đạt mức miễn nhiễm cộng đồng một cách tự nhiên là nguy hiểm. Hơn thế nữa, một số nhà khoa học cho rằng không thể đạt đến tình trạng miễn nhiễm cộng đồng hoàn toàn… |
Có một số mô hình đối phó với Delta/Covid-19 để tham khảo và học kinh nghiệm.
Anh: có tỷ lệ tiêm chủng cao (70% dân tiêm một liều, 55% hai liều) đã bỏ hoàn toàn các quy định của chính phủ về giãn cách xã hội vào ngày 19-7 sau sáu tháng giãn cách với nhiều mức độ khác nhau. Trong năm ngày sau khi bỏ giãn cách, số ca nhiễm mới giảm xuống còn 29.173/ngày so với hơn 46.000 ngày 20-7. Tuy nhiên, còn quá sớm để kết luận là chính sách này thành công hay không. Cần phải chờ 1-2 tuần để xem các cuộc tụ tập thể thao hay giải trí rất đông người có làm lây nhiễm bệnh tăng đột biến không.
Úc: có tỷ lệ tiêm chủng thấp (khoảng 30% dân tiêm một liều, 12,6% hai liều) và số ca nhiễm chủng Delta đang tăng cao, nên một số thành phố lớn như Sydney và Melbourne đã tái áp dụng giãn cách xã hội, nhưng sau hơn hai tuần, số ca lây nhiễm tăng lên mức kỷ lục trong năm nay ở bang New South Wales.
Các nước đang phát triển nói chung chậm triển khai tiêm ngừa (chủ yếu là vì không có vaccin), tỷ lệ dân được tiêm hai mũi rất thấp từ vài phần trăm đến dưới 20%, nên độ lây nhiễm các biến chủng mới tăng cao với số tử vong cao ở một số nước. Trong thời gian tới, các nước này bắt buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.
Trước mắt, không thể chỉ chú ý vào việc tập trung người nhiễm bệnh để chữa trị, mà còn phải tăng tốc độ tiêm ngừa, duy trì giãn cách xã hội ở các mức độ nghiêm ngặt khác nhau thích hợp với hoàn cảnh… và áp dụng các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ để duy trì các sản xuất cần thiết, cung cấp nhu yếu phẩm cho dân chúng và trợ cấp các hộ gia đình nghèo. |
Israel và Singapore là hai trong số ít nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới (Israel 64% một liều, 57% hai liều; Singapore 74% và 51%), nhưng vẫn áp dụng biện pháp kiềm chế mềm mỏng chứ không bãi bỏ giãn cách hoàn toàn như Anh. Tương tự như thế, Đức có tỷ lệ tiêm chủng khá cao (61% một liều, 49% hai liều) nhưng vẫn giữ giãn cách xã hội.
Đặc biệt là Serbia đã triển khai tiêm chủng rất sớm từ tháng 1-2021, dùng nhiều loại vaccin khác nhau (nhiều nhất là Sinopharm, sau đó là Sputnik V, AstraZeneca và BioNTech/Pfizer), đạt mức 49% dân tiêm một liều, 38% hai liều.
Nhờ tiêm chủng sớm, Serbia có số người nhiễm Covid-19 và tử vong dưới mức trung bình ở châu Âu; việc lây nhiễm bởi chủng Delta rất thấp – chỉ 3% so với đỉnh thay vì 71% ở Anh và 84% ở Nga. Ngoài ra, Serbia bị tác động kinh tế tiêu cực ít nhất so với các nước châu Âu.
Theo kinh nghiệm các nước này và cả trên thế giới, rõ ràng là việc tiêm chủng Covid-19 đóng vai trò quyết định: tỷ lệ tiêm chủng cao cho chính phủ nhiều chọn lựa các biện pháp đối phó (như giảm mức độ, bỏ hay giữ phong tỏa); tỷ lệ tiêm chủng thấp trong khi lây nhiễm tăng cao thì chính phủ không có nhiều chọn lựa (phải dựa vào phong tỏa và giãn cách xã hội để bớt lây nhiễm nhưng phải chịu ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế và xã hội). Nói chung, chọn biện pháp đối phó sao cho thích hợp cần dựa trên và cân bằng ba yếu tố sau đây:
Thứ nhất, tiến độ lây nhiễm bệnh và tỷ lệ nhập viện và tử vong so với khả năng y tế, nhất là bệnh viện, để bảo đảm tránh tình trạng quá tải. Cần để ý là ngay cả khi tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp, nhưng nếu độ lây nhiễm cao trong thời gian dài thì số nhập viện và tử vong vẫn lên cao.
Như ở TPHCM, khả năng y tế và bệnh viện các cấp đang bắt đầu bị quá tải; vì vậy thành phố đã quyết định đưa người đã mắc bệnh, tức F0 (từ các bệnh viện dã chiến) và người mới mắc bệnh nhưng có triệu chứng nhẹ hay không có triệu chứng cách ly tại nhà, và mở rộng ra toàn thành phố việc để người tiếp xúc gần, tức F1, cách ly ở nhà. Tuy nhiên, điều kiện quan trọng trong việc giảm tải bệnh viện là phải bảo đảm theo dõi người là F0, F1 cách ly tại nhà (bằng mọi phương tiện, kể cả sử dụng các ứng dụng y tế điện tử) và có khả năng đưa xe cấp cứu chuyển họ vào bệnh viện khi cần thiết.
Thứ hai, tiến độ tiêm ngừa dịch để đạt mức miễn nhiễm cộng đồng (ít nhất là 85% dân số để an toàn hơn chứ không phải là dập dịch hoàn toàn). Tới ngày 2-8, Việt Nam đã nhận hơn 18,7 triệu liều vaccin (cập nhật của tòa soạn); đến cuối năm có 105 triệu liều đã ký hợp đồng và có cam kết. Ngoài ra Chính phủ Việt Nam cũng đang đàm phán và có khả năng ký hợp đồng nhập 70 triệu liều nữa.
Như thế, dự tính đến cuối năm nay/đầu năm 2022 sẽ có khoảng 175 triệu liều (và hơn thế nữa khi vaccin Nanocovax của Việt Nam được cấp giấy phép sản xuất). Tuy nhiên, tính đến thời điểm viết bài này (26-7-2021), cả nước chỉ mới tiêm khoảng 4,4 triệu liều. Tốc độ tiêm như thế quá chậm. Từ đầu tháng 7 đến thời điểm viết bài, chỉ tiêm được 20.000-40.000 liều/ngày – với tỷ lệ tiêm ngừa rất thấp: 4,3% dân đã tiêm một liều và 0,4% hai liều.
Để so sánh, Thái Lan đặt chỉ tiêu tiêm ngừa 500.000 liều/ngày và trong thời gian qua đạt khoảng 200.000-300.000 liều/ngày. Nhờ đó Thái Lan đạt tỷ lệ tiêm một liều là 17,4%, hai liều là 5,2%. Việt Nam phải tăng tốc độ tiêm ngừa lên ít nhất 250.000 liều/ngày (và bảy ngày một tuần) thì mới hy vọng đạt chỉ tiêu tiêm ngừa 70% dân số vào tháng 4-2022 mà Chính phủ đặt ra – và ngay chỉ tiêu này cũng còn xa mới tới mức miễn nhiễm cộng đồng.
Thứ ba, đánh giá khả năng chịu đựng của nền kinh tế và xã hội với dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội. Lây nhiễm cao và kéo dài, phong tỏa và giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài thì sẽ làm tê liệt các hoạt động kinh tế và thương mại, làm xáo trộn đời sống dân chúng, gây tâm lý khủng hoảng bất an trong xã hội.
Cần phải cân nhắc ba yếu tố nói trên để có quyết định đúng đắn về các biện pháp đồng bộ về tiêm chủng, phong tỏa và giãn cách xã hội với các mức nghiêm ngặt thích hợp cũng như đủ linh hoạt để giúp các hoạt động sản xuất cần thiết và cung cấp nhu yếu phẩm, trợ cấp cho dân.
Việt Nam cần tăng bội chi ngân sách nhiều hơn để tài trợ các chương trình chống dịch, yểm trợ sản xuất nhu yếu phẩm và cứu trợ dân chúng – nhằm giới hạn hậu quả tiêu cực lâu dài trên nền kinh tế và xã hội. |
Covid-19 nguy hiểm hơn dịch cúm mùa
Khi nói đến sống chung với dịch, có người so sánh dịch Covid-19 với dịch cúm mùa thông thường. Ý nghĩ này sai lầm và rất tai hại. Covid-19 nguy hiểm vì hai lý do.
Thứ nhất, virus SARS-Cov-2 dễ biến thể nhiều lần vì được cấu tạo bằng RNA đơn dòng (ít ổn định hơn virus DNA hai dòng xoáy nhau), vì thế có thể gây nhiều đợt sóng lây nhiễm, truyền từ nước này sang nước khác. Các biến chủng như Alpha, Beta và Delta đều có khả năng truyền nhiễm cao hơn nguyên chủng. Trước mắt, ngoài Delta, Việt Nam cần phải đề phòng biến chủng Delta-plus và Lambda hiện đang lây nhiễm ở một số nước và có khả năng đe dọa cao.
Delta-plus có thể lây nhiễm cao hơn Delta, bám chặt hơn vào protein thụ thể ACE2 trên tế bào phổi và có thể trốn tránh các kháng thể do vaccin hay nhiễm bệnh gây ra. Bộ Y tế Ấn Độ đã coi Delta-plus là biến chủng đáng lo ngại (variant of concern) nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa công nhận đánh giá này. Biến chủng này hiện mới bắt đầu lây nhiễm ở một số nước như Ấn Độ, Nepal, Canada, Đức, Nga, Nhật, Anh và Mỹ.
Biến chủng Lambda hiện đang lây nhiễm ở 29 nước phần lớn ở châu Mỹ Latinh, đặc biệt là Peru – chiếm 90% ca nhiễm mới ở nước này. Peru cũng dựa vào các biện pháp giãn cách xã hội để kiềm chế dịch Covid-19 và chậm triển khai tiêm chủng. Đến nay chỉ có 21% dân số Peru tiêm một liều và 12% hai liều. Peru có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, với 5.848 ca chết/một triệu dân. WHO đã coi Lambda là biến chủng cần chú ý (variant of interest).
Thứ hai, cần lưu tâm đến Covid mãn tính (long Covid). Theo nghiên cứu mới nhất, khoảng 25% số người bị nhiễm Covid sau khi lành bệnh vẫn có các triệu chứng hậu Covid trong thời gian dài, như mệt mỏi, thở gấp, đầu óc không sáng suốt (brain fog)… Các chuyên gia đã ghi nhận khoảng 200 triệu chứng hậu Covid trên các bộ phận nội tạng như não, phổi, tim, gan, ruột… Các triệu chứng này hiện được cho là thể hiện tình trạng rối loạn hệ miễn dịch (autoimmune disorders) do Covid kích thích gây ra. Nhiều người bị Covid mãn tính có lượng autoimmune antibody cao trong huyết thanh; các kháng thể này tấn công protein của các bộ phận nội tạng.
Nếu Covid mãn tính được xác nhận là một dạng autoimmune disorders thì tình hình rất phức tạp – không thể chữa lành bệnh hoàn toàn và sẽ có tác động không tốt và lâu dài trong sinh hoạt, công việc của những người bệnh; và nếu nhiều người bị sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung. Vì thế, tuy biến chủng Delta có tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp, nhưng vì tỷ lệ truyền nhiễm cao, cần phải giảm sự lây nhiễm của nó chứ không lơ là được.
Hậu quả lâu dài của Covid mãn tính cho thấy quan điểm cứ để lây nhiễm bệnh lan tràn để đạt mức miễn nhiễm cộng đồng một cách tự nhiên là nguy hiểm. Hơn thế nữa, một số nhà khoa học cho rằng không thể đạt đến tình trạng miễn nhiễm cộng đồng hoàn toàn vì độ lây nhiễm cao của biến chủng Delta và các biến chủng khác; nhiều người đã tiêm hai liều vaccin vẫn bị nhiễm bệnh (tuy nhẹ và ít tử vong); và có khoảng 20-30% dân chúng ở nhiều nước không muốn tiêm ngừa vì nhiều lý do khác nhau.
Tìm hình thức sinh hoạt và sản xuất thích hợp
Nếu không dập tắt dịch được mà phải sống chung với nguy cơ Covid-19 trong thời gian dài, cần phải tìm hình thức sinh hoạt và sản xuất trong xã hội thích hợp, với hậu quả thấp nhất có thể chịu đựng được. Trong thời gian trước mắt, không thể chỉ chú ý vào việc tập trung người nhiễm bệnh để chữa trị, mà còn phải tăng tốc độ tiêm ngừa, duy trì giãn cách xã hội ở các mức độ nghiêm ngặt khác nhau thích hợp với hoàn cảnh để sinh hoạt xã hội không bị xáo trộn quá lâu, và áp dụng các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ để duy trì các sản xuất cần thiết, cung cấp nhu yếu phẩm cho dân chúng và trợ cấp các hộ gia đình nghèo.
Một cách cụ thể, Việt Nam cần tăng bội chi ngân sách nhiều hơn để tài trợ các chương trình chống dịch, yểm trợ sản xuất nhu yếu phẩm và cứu trợ dân chúng – nhằm giới hạn hậu quả tiêu cực lâu dài trên nền kinh tế và xã hội. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), để đối phó với dịch Covid-19, Việt Nam tăng bội chi rất ít, chỉ có 2,1% GDP trong năm 2020 (bội chi ngân sách tăng từ 3,3% năm 2019 lên 5,4% GDP năm 2020).
Để so sánh, châu Á tăng bội chi bằng 5% GDP, châu Âu 7% và Mỹ 10%. Trong năm 2021, Việt Nam dự tính giảm bội chi 0,7% GDP (bội chi giảm từ 5,4% xuống 4,7% GDP trong năm nay). Chính phủ cần thay đổi chính sách tài chính, tăng bội chi ngân sách lên khoảng 8-9% GDP trong năm 2021 để có thể đối phó với dịch Covid-19/Delta hiện nay. Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng bội chi ngân sách như đề nghị vì tỷ lệ nợ công/GDP trong giai đoạn 2021-2022 trung bình là 39%, thấp hơn so với các nước cùng xếp hạng tín dụng (credit rating) BB như Việt Nam (theo Fitch) – vốn có tỷ lệ nợ trung bình là 60%.
Ngoài ra, cũng cần chuẩn bị tinh thần để đối phó với cảnh huống không những không hoàn toàn dập tắt dịch Covid-19 mà cũng không thể đạt tình trạng miễn dịch cộng đồng vì nhiều lý do khoa học và xã hội như đã đề cập ở phần trên.
Nhìn xa hơn, nên tìm mọi cách để đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số trong xã hội và nền kinh tế Việt Nam, nhất là phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng viễn thông, vừa giúp tăng khả năng chống dịch vừa giúp phát triển kinh tế. Trong năm 2020, tỷ lệ người dân tiếp cận mạng Internet tăng lên tới 70,4% so với 46,5% năm 2018; phủ sóng di động đạt 99,7%; nhưng số hộ gia đình có kết nối Internet mới được 47%.
Để phát triển nhanh các dịch vụ y tế điện tử nhằm nâng cao hiệu năng chống dịch (nhất là theo dõi người nhiễm đang cách ly tại nhà và triển khai việc tiêm chủng), có thể trợ cấp cho các hộ gia đình nghèo để kết nối Internet. Theo đà đó, cần nâng cao dịch vụ chính phủ điện tử (e-government) đã bắt đầu phát triển. Theo đánh giá của Liên hiệp quốc, trong các nước thành viên, Việt Nam đứng thứ 86 (năm 2020) so với thứ 99 (năm 2014) với số điểm cao trên trung bình.
Trong khi năm học mới sắp bắt đầu, cần phát triển các dịch vụ dạy và học trực tuyến để có thể thực hiên việc chia phiên học sinh, mỗi ngày một nửa học tập trung tại lớp trong khi nửa kia học qua mạng, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm khi mở cửa trường học. Chính phủ có thể trợ cấp cho các học sinh nghèo để có điều kiện học trực tuyến.
Nói chung, cần thúc đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử, mà trong năm 2020 Việt Nam đã đạt doanh thu 11,8 tỉ đô la Mỹ hay 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng trong cả nước, với 53% người dân sử dụng ví điện tử và thanh toán qua mạng.
Những bước phát triển các dịch vụ công quyền trực tuyến và thương mại điện tử sẽ góp phần nâng cao hiệu năng và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, giúp bù trừ phần nào các thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra; và trước mắt giúp cải thiện năng lực chống dịch.
Kết luận
Tóm lại, Việt Nam cần thay đổi sách lược đối phó dịch Covid-19; không chỉ chú ý vào việc tập trung người nhiễm bệnh để chữa trị, mà còn phải tăng tốc độ tiêm ngừa và tăng bội chi ngân sách để tài trợ các chương trình yểm trợ sản xuất cần thiết, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân và cứu trợ người nghèo, nhằm giúp ổn định một phần đời sống dân chúng, và giảm việc phải phong tỏa, giãn cách xã hội quá lâu. Đồng thời cũng phải xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu năng của nền kinh tế, như việc mạnh dạn chuyển đổi kỹ thuật số để thúc đẩy các dịch vụ công quyền và thương mại điện tử. Làm được như thế mới có thể sống chung lâu dài với dịch.
(*) Kinh tế gia ở Mỹ. Nguyên là bài đóng góp vào diễn đàn góp ý về Covid-19 của nhóm Edu-Sci.