Trần Quí Thanh
Kính chào anh Dr Thanh!
Thưa anh, tôi là cô giáo già vẫn đọc blog anh hằng ngày đã hơn hai năm nay, giờ mới dám mạo muội gởi thơ cho anh. Chẳng giấu gì anh, tôi có 4 đứa con trai. Ông bà bảo có 4 đứa con trai là tứ quí, giàu có không ai bì. Nhưng ngược lại nhà tôi đang lầm vào cảnh bí bách, chỉ vì cả 4 đứa con trai không đứa nào khởi nghiệp thành công. Chẳng những gia tài ông già nhà tôi để lại không cánh mà bay, mà còn thêm một núi nợ nần. Thưa anh, con tôi không chơi bời, không đánh bạc, không đề đóm. Nhưng có lẽ cả 4 đứa đều sai lầm khi khởi nghiệp hay sao mà không đứa nào công thành danh toại, làm thuê cũng thua, làm chủ cũng bại.
Vậy xin anh chỉ cho những nhầm tưởng cốt tử mà người trẻ hay mắc phải khi khởi nghiệp dẫn đến thất bại ê chề. Kính mong anh chỉ giáo
Kính chúc anh vạn an
Lê Thị Minh Lý (Sài Gòn): nguoigiasaigon1952@gmail.com
—–
Chị Lê Thị Minh Lý mến!
Trước hết, tui xin nhắc lại thông tin đã cung cấp ở các bài viết trước đây liên quan đến khởi nghiệp, đó là chỉ có 10% doanh nhân khởi nghiệp thành công. Trong số đó, đa số cũng chỉ vượt qua được thử thách thôi, còn thực sự giàu có cũng không nhiều.
Nói như vậy để chị thấy rằng, bốn đưa con chị chưa đứa nào khởi nghiệp thành công cũng là chuyện bình thường, không có gì là bi quan. Nếu có ý chí, có quyết tâm, biết rút ra những bài học từ thất bại, thì vẫn có hy vọng đạt được mục đích mà các cháu đặt ra. Không giấu gì chị, tui gặp thất bại nhiều lần, nhiều lần làm lại, phải trả giá rất nhiều mới có ngày hôm nay.
Nhiều người lầm tưởng về khởi nghiệp, cho nên phải xác định đúng là “khởi nghiệp” hay không, hay chỉ bắt chước người ta để làm, bỏ vốn làm ra những sản phẩm, dịch vụ đã có trên thị trường. Cái này không thể gọi là khởi nghiệp.
Các cháu phải có sản phẩm riêng, độc đáo, khác biệt. Hoặc sản phẩm đó phải vượt trội hơn sản phẩm hiện có trên thị trường về mọi mặt, từ chất lượng, công năng, sự thuận lợi trong sử dụng cho đến giá cả.
Khi đã có sản phẩm thì phải tính đến thị trường, có nghĩa là có được người tiêu dùng chấp nhận hay không. Tạo ra sản phẩm cho đúng với ý mình, nhưng chưa chắc sự mới lạ đó đã phù hợp của người tiêu dùng.
Tui lấy ví dụ, cách đây chừng 2 năm, có bạn ở Hà Nội mở tiệm phở bò Kobe. Đây là cái mới, đặc biệt, là vượt rồi. Nhưng một tô phở có giá tới 300.000 – 500.000 đồng thì quá sức của đa số người dân, như vậy là có sản phẩm độc đáo, khác biệt nhưng không có thị trường. Có nhiều start up trẻ rơi vào tình trạng tương tự, ý tưởng bay bổng, sản phẩm làm ra được, nhưng thất bại khi đưa ra thị trường.
Start up còn phải hiểu rõ thêm một điều, đây không phải là cuộc chơi, mà là sự dấn thân, phải hy sinh rất nhiều những cuộc chơi và sự nghỉ ngơi, dành thời gian cho công việc kinh doanh.
Có nhiều bạn lầm tưởng, đi làm thuê bị sai khiến, lương không đủ xài, nên khởi nghiệp làm ông chủ cho sướng, thích làm thì làm, thích nghỉ thì nghỉ. Nhưng thực tế hoàn toàn khác, một ông chủ doanh nghiệp bận gấp nhiều lần so với người làm thuê. Đi làm thuê áp lực một thì làm ông chủ áp lực gấp ngàn lần. Không có tỉ phú nào ngủ được tròn giấc đâu, họ làm việc gấp đôi số thời gian chuẩn 8 tiếng của người thường, và có thể hơn.
Tóm lại, tui trao đổi với chị và các cháu hai điều, một là phải có sản phẩm đạt tiêu chí khởi nghiệp, hai là có một sự dấn thân quyết liệt vào thương trường của một doanh nhân khởi nghiệp.
Chúc các cháu thành không chị nhé.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)