Lắng nghe ý kiến phản biện để có quyết định khách quan và khoa học

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

—–

Kính chào anh Trần Quí Thanh,

Tôi thật bất ngờ khi được anh trả lời rất sớm. Cảm ơn anh rất nhiều. Tính không làm phiền anh nữa nhưng vụ “Luật đặc khu” um sùm quá, muốn xin ý kiến của anh. Nói thật tôi rất không đồng tình khi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời báo chí. Anh đã đọc chưa? Nếu đọc rồi xin cho biết ý kiến của anh?

Cảm ơn sự trả lời của anh.

Trương Chính Nghĩa (Hà Tĩnh): truong_chinh_nghia_12@gmail.com

—–

Anh Trương Chính Nghĩa mến!

Tui đã có bài viết giới thiệu bài phản biện của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh về việc nên hay không thành lập 3 đặc khu và đó cũng là sư bày tỏ ý kiến của tui với tư cách công dân.

Anh nói “um sùm quá” nhưng tui lại thấy rất phấn khởi, bởi vì khi người dân còn quan tâm trước một đạo luật sắp ban hành, chứng tỏ đất nước có sinh khí, còn có nhiều người bày tỏ trách nhiệm công dân trước tương lai của quốc gia dân tộc.

Phản biện xã hội là một kênh để các nhà hoạch định chính sách tham khảo, trong dân chúng có nhiều vựa trí tuệ mà đại biểu Quốc hội phải biết tận dụng, khai thác. Thiết nghĩ, các đại biểu Quốc hội làm việc, suy nghĩ, trăn trở cũng vì dân vì nước mà thôi. Cho nên, đối với dự luật “Đặc khu”, ngay trong các đại biểu cũng có ý kiến trái chiều. Các đại biểu Dương Trung Quốc, Trương Trọng Nghĩa, Lê Thanh Vân chưa đồng thuận, đó mới là dân chủ. Trong diễn đàn Quốc hội, thà có những đại biểu tranh luận đến mức quát vào mặt nhau nhưng vì sự thịnh vượng của quốc gia, an nguy của bá tánh, còn hơn gật đầu trăm phần trăm nhưng đưa ra chính sách không hiệu quả.

Còn chuyện Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời báo chí, cho rằng “Dự thảo không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc”, tui nghĩ là không đúng. Đâu cần trong luật có ghi hai chữ Trung Quốc thì Trung Quốc mới sang mua đất hay di dân sang các đặc khu như cảnh báo của ông Dương Trung Quốc hay Trương Trọng Nghĩa và nhiều trí thức khác. Cách phân tích của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không thuyết phục, nhất là kết luận những người phản biện là “chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc”. Phản biện là quyền của người dân, bảo vệ quyền lợi quốc gia là trách nhiệm công dân, nước nào cũng vậy thôi, không liên quan đến quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia.

Sáng nay đọc báo, tui đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân khi ông nói: “Về dự luật đặc khu, tôi nghĩ chưa thể thông qua mà cần lùi lại để bàn cho kỹ, cần thiết phải xin ý kiến nhân dân”. Đây là thái độ rất có trách nhiệm của đại biểu Lê Thanh vân, tôn trọng nhân dân và tư duy rất khoa học. Khi có nhiều ý kiến phản biện thì nên lắng nghe, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định.

Cám ơn anh đã theo dõi blog của tui, có gì anh cứ gửi thư nhé.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *