TS Phil Smith – Giảng viên Cấp cao về Lãnh đạo, quản lý RMIT VN/ Báo DNSG
—–
Các bạn trẻ khởi nghiệp, có chuyên môn về công nghệ, có sản phẩm cạnh tranh, nhưng đa số thất bại, tỉ lệ thành công chỉ khoảng 10%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại, nhưng căn bản nhất là do năng lực điều hành, quản trị.
Có chuyên môn về khoa học công nghệ, nhưng không quản lý giỏi thì khó thành công.
Các trường đại học danh tiếng mở các khóa MBA để đào tạo chuyên gia quản trị, sách vở dạy về quản lý cũng nhiều, từ khoa học quản lý cho đến nghệ thuật cầm quân. Đọc nhiều sách cũng tốt thôi, nhưng tiêu hóa được kiến thức và áp dụng được vào thực tế hay không lại là chuyện khác.
Vì thực tế thiên biến vạn hóa, chỉ những nhà lãnh đạo quyền biến mới đủ khả năng dẫn dắt tỏ chức của mình vượt qua được những ma trận khó khăn đó.
Nhiều bạn gửi thư hỏi tui về xử lý các khủng hoảng, trong nhiều bài viết trên mục “Chat với mọi người”, tui đã đưa ra những ý kiến khác nhau về từng trường hợp khác nhau để các bạn tham khảo.
Hôm nay, tui xin giới thiệu bài viết “Lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc – Chìa khóa vượt qua khủng hoảng” của TS Phil Smith – Giảng viên Cấp cao về Lãnh đạo, quản lý RMIT VN.
Khủng hoảng luôn tiềm ẩn, thường xảy ra, cho nên tìm cách để vượt qua khủng hoảng đương nhiên cũng là việc thường xuyên.
Trí tuệ cảm xúc hay là chỉ số thông minh cảm xúc (Emotional Quotient) được nhiều người biết đến, nhưng để hiểu một cách tường tận thì không phải ai cũng đạt được.
Trần Quí Thanh
—–
Bốn trụ cột của trí tuệ cảm xúc (EQ) là chìa khóa giúp phân biệt giữa “lãnh đạo và quản lý” trong những cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 hiện nay.
EQ là yếu tố then chốt làm nên những lãnh đạo tốt, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. “Trí tuệ cảm xúc chính là điều làm nên dấu ấn của một lãnh đạo đích thực”.
Trong bối cảnh nhiều nhân viên đang lo lắng về các tác động kinh tế của COVID-19 và nguy cơ bị mất việc, những lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc sẽ có thể thiết lập được những mối quan hệ dựa trên sự động viên và thấu hiểu, giúp nhân viên vượt qua lo lắng của bản thân. Với bốn yếu tố cốt lõi của lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc, bản thân lãnh đạo và nhân viên của họ sẽ có thêm sức mạnh để trở thành một tổ chức vững mạnh với tinh thần tương trợ nhau hết mình.
Trụ cột 1: Trung thực và minh bạch
Lãnh đạo có khả năng tự ý thức có thể nhận biết, quan sát và điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Họ cũng biết mình có thế mạnh gì và khi nào cần nhân viên hỗ trợ. Lãnh đạo như vậy thường trung thực và minh bạch, nhờ đó dễ dàng xây dựng được niềm tin với mọi người. Trong bối cảnh dịch Covid-19, lãnh đạo ý thức rõ ràng về bản thân sẽ học hỏi và trưởng thành từ những thách thức trong cuộc sống cá nhân và công việc, đồng thời thấu cảm với đồng nghiệp của mình – những người có thể đang trải qua những cảm xúc tương tự.
Trụ cột 2: Tự quản lý
Lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc bồi đắp được năng lực điều chỉnh cảm xúc phù hợp với từng tình huống. Chẳng hạn, họ biết thay đổi cách quản lý để giúp nhân viên không đánh mất bản thân và giữ được bình tĩnh trong khủng hoảng, hòng giảm thiểu rủi ro từ nỗi sợ hãi hay lo lắng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả công việc. Lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc biết điều chỉnh cảm xúc để đối phó tốt với mọi tình huống và cho nhân viên thấy rằng tình huống nào cũng có thể kiểm soát được. Bằng cách này, lãnh đạo sẽ là chỗ dựa vững chãi và mạnh mẽ cho cấp dưới.
Trụ cột 3: Ý thức về người khác
Lãnh đạo ý thức về người khác là người biết đặt mình vào vị trí của nhân viên. Trong những giai đoạn như dịch Covid-19, những lãnh đạo này có thể hiểu và thấu cảm với lo lắng của nhân viên. Chẳng hạn, họ có thể dự đoán và đưa ra hỗ trợ cần thiết để nhân viên cảm thấy an tâm quay lại làm việc sau thời gian cách ly xã hội. Về lâu dài, cách hành xử này sẽ gắn kết nhân viên với tổ chức hơn. Nhân viên trung thành sẽ nỗ lực nhiều hơn và sẵn sàng nhiệt tình hỗ trợ lãnh đạo khi biết người này luôn quan tâm đến mình. Nơi làm việc từ đó có thể trở thành nơi mà mọi người tương trợ lẫn nhau, cũng như cảm thấy hài lòng và thoải mái hơn khi làm việc.
Trụ cột 4: Quản lý quan hệ
Một lãnh đạo hiểu rõ bản thân và thấu cảm với cấp dưới sẽ có lợi thế trong xây dựng những mối quan hệ hợp tác và đôi bên cùng có lợi với nhân viên của mình. Khi đó, nhân viên sẽ luôn sẵn sàng chia sẻ ý kiến và không ngại đưa ra góp ý trung thực về tổ chức, khách hàng hay bất kỳ vấn đề gì họ biết. Sự tin tưởng tạo nền tảng vững chắc và nguồn năng lượng dồi dào để kết nối chặt chẽ nhân viên với lãnh đạo và tổ chức. Nhân viên có niềm tin vào lãnh đạo sẽ hỗ trợ đồng nghiệp và công ty hết mình để tạo nên môi trường làm việc hiệu quả, an toàn và linh hoạt hơn.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Việt Nam
Link bài: Lãnh đạo…
(https://doanhnhansaigon.vn/