Trần Quí Thanh
—–
Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi lời chúc tới thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Lời chúc dài nhưng tui để tâm tới đoạn này:
“Khi yêu cầu nhà giáo phải có chuẩn kiến thức, kỹ năng cao hơn thì chế độ cũng phải phù hợp. Còn nếu chỉ yêu cầu giáo viên phải nâng cao chất lượng mà chế độ vẫn như cũ thì không được”.
Đúng là không có chế độ phù hợp thì không thể học hành nghiên cứu thêm để chuẩn kiến thức theo kịp yêu cầu của phát triển. Như có thầy giáo ở Nghệ An đưa công khai số tiền lương của mình sau 20 năm theo nghề, một con số buồn lòng tui không muốn ghi lại, tui sợ tổn thương đến các thầy cô yêu nghề và sống chết với nghề.
Vậy thì làm sao giáo dục của nước mình tiến bộ như các nước giàu có văn minh. Không có tiền lo cho giáo viên thì giáo dục yếu kém và ngược lại. Chúng ta cứ luẩn quẩn cái trứng có trước hay con gà có trước.
Nhưng tui lại thấy không phải lấy tiền đâu ra mà chúng ta cũng có tiền. Ví dụ như 12.000 – 14.000 tỉ đồng, tương đương nửa tỉ đô la để đào tạo 9.000 tiến sĩ. Kiến thức nông cạn không cho phép tui hiểu tới mục đích của đề án này, tui chỉ nghĩ giản đơn rằng, tại sao đi học là học cho mình mà lấy tiền thuế của dân để học.
Giỏi thì tìm học bổng của các trường đại học hoặc các nguồn tài chính phi ngân sách đi học. Không giỏi thì vay ngân hàng, làm thuê lấy tiền đi học, sau này làm trả nợ. Đó mới công bằng.
Lấy tiền dân đi học, làm tiến sĩ, đi dạy thì trường đại học lại thu học phí của dân. Thế thì quá lạ.
Cho nên tui mạnh dạn hiến kế, sử dụng nguồn cho đi học tiến sĩ để tăng lương cho giáo viên thì có lợi ích hơn. Giáo viên dạy con cái chúng ta từ nhỏ, chuẩn từ đầu sẽ lợi lớn về sau.
Không biết tui nghĩ vậy có đúng không, xin được bạn bè góp thêm.
Sài Gòn ngày 19/11/2017
TQT